Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 (Chiến lược).
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách nhà nước; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng kiểm soát theo rủi ro. Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Kho bạc số.
Phấn đấu kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt từ 9 – 11 năm, lãi suất và chi phí phát hành hợp lý, góp phần cơ cấu lại, tăng tính an toàn, bền vững nợ công.
Trước năm 2025, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để đến năm 2030, cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc 2 cấp và giảm được ít nhất 15% biên chế so với năm 2020.
Từng bước hình thành Kho bạc số
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chiến lược là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành Kho bạc số.
Cụ thể, xây dựng và triển khai kiến trúc công nghệ thông tin của Kho bạc Nhà nước phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử; trong đó, Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số đóng vai trò là hệ thống lõi, có sự kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống khác có liên quan.
Bên cạnh đó, số hóa các nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước và cung cấp dữ liệu mở về tài chính – ngân sách nhà nước thông qua việc nâng cấp, phát triển Hệ thống thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc và các hệ thống liên quan thành Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số dựa trên công nghệ hiện đại, cho phép cung cấp các dịch vụ số, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và có khả năng truy cập, khai thác thông tin rộng rãi.
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin khác, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước; ứng dụng hiệu quả các công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), di động (Mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain),… trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Kho bạc số để tối ưu hóa các quy trình quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của Kho bạc Nhà nước.
Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống và giải pháp an toàn bảo mật, dự phòng rủi ro; hệ thống giám sát vận hành và giám sát an toàn bảo mật thông tin, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin luôn được vận hành an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống.
Nghiên cứu thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình 2 cấp
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác của Chiến lược là sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, tiếp tục rà soát để sắp xếp, thu gọn đầu mối Kho bạc Nhà nước cấp huyện; nghiên cứu thí điểm từng bước sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình 2 cấp (tại trung ương là cấp xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức điều hành; tại các đơn vị kho bạc trực thuộc là cấp thực hiện) theo lộ trình phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, việc phân cấp quản lý nhà nước và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, đảm bảo hoạt động của Kho bạc Nhà nước và việc giao dịch của các tổ chức, cá nhân với Kho bạc Nhà nước được thuận lợi.
Cùng với đó, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động Kho bạc Nhà nước theo vị trí việc làm, có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng; có tính chuyên nghiệp cao, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt, nhằm đáp ứng yêu cầu công vụ và các định hướng cải cách đến năm 2030, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước. Tăng cường sử dụng các nguồn lực bên ngoài và thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Chính phủ.
Phát triển đội ngũ lãnh đạo Kho bạc Nhà nước các cấp, đội ngũ công chức nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách tại trung ương có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa của hệ thống Kho bạc Nhà nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, người lao động Kho bạc Nhà nước tại từng cấp, từng đơn vị, phù hợp với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ và đổi mới phương thức quản lý.
Xây dựng và triển khai cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) của từng đơn vị và từng công chức, viên chức, người lao động Kho bạc Nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm, tạo động lực và áp lực để từng đơn vị, từng công chức, viên chức, người lao động tận tụy, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Cải thiện môi trường làm việc và chủ động triển khai thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ, tạo điều kiện và thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo và khơi dậy tinh thần cống hiến trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động./.