Phát triển điện gió: Nghiên cứu cơ chế phù hợp

227

Theo Bộ Công Thương, trong lần điều chỉnh mới đây, Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã có sự điều chỉnh, giảm điện than và tập trung ưu tiên phát triển điện gió.

Nhiều dư địa phát triển

Sau khi Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) về mục tiêu và tham vọng đạt được Net Zero vào năm 2050, Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công Thương tính toán lại cơ cấu nguồn điện.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã thực hiện tính toán bổ sung thêm phương án phát triển nguồn điện (phương án điều hành tháng 11/2021) có xem xét tới yếu tố dự phòng khi tỷ lệ thực hiện nguồn điện không đạt 100% so với quy hoạch, đồng thời xem xét giảm nguồn điện than theo xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp cam kết cắt giảm khí CO2 tại Hội nghị COP26. Cụ thể, công suất nguồn đến năm 2030 giảm khoảng 24.000 MW (từ khoảng 180.000 MW xuống 156.000 MW), đến năm 2045 giảm khoảng 36.000 MW (từ 369.500 MW xuống 333.500 MW).

 

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn lên dẫn đầu về phát triển điện gió ngoài khơi

Đánh giá về cơ hội phát triển điện gió tại Việt Nam, đại diện một doanh nghiệp thành viên của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) Mathias Hollander nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn lên dẫn đầu trong ngành điện gió ngoài khơi với tiềm năng phát triển từ 5-10 GW đến năm 2030 và tạo ra khoảng 60 tỷ USD tổng giá trị gia tăng cho cả nền kinh tế.

Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển xanh (GreenID) – cho rằng, điện gió ngoài khơi sử dụng nguồn tài nguyên gió bản địa vô tận, do đó, việc triển khai các dự án này sẽ bảo vệ ngành năng lượng của Việt Nam khỏi các rủi ro của thị trường nhiên liệu thế giới nhiều biến động.

Cần cơ chế hỗ trợ

Với tiềm năng lớn điện gió ngoài khơi, các chuyên gia và doanh nghiệp điện gió đánh giá cao việc Chính phủ xem xét tăng công suất lắp đặt dự kiến cho điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần có cơ chế hỗ trợ để giúp ngành điện gió ngoài khơi xây dựng các chuỗi cung ứng nội địa, phát triển hạ tầng cảng, cũng như đào tạo nhân lực.

Theo ông Mark Hutchinson – Chủ tịch, Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, GWEC, các nguồn tài chính xanh cũng đã sẵn sàng được đầu tư vào Việt Nam thông qua nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tài chính dồi dào này vẫn còn một số rào cản cần được giải quyết, bao gồm cơ chế cấp phép, chính sách hỗ trợ và khả năng huy động vốn của hợp đồng mua bán điện.

Đồng quan điểm, ông Mathias Hollander cho rằng, kinh nghiệm từ những thị trường điện gió ngoài khơi thành công như: Anh, Đức, Đài Loan (Trung Quốc) đã chứng tỏ rằng việc xây dựng những chính sách hỗ trợ, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ về giá trong giai đoạn đầu đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển của ngành điện gió ngoài khơi.

Tại cuộc họp lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch điện VIII mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII phải được tính toán khoa học, kỹ lưỡng, cân nhắc tất cả các yếu tố để đảm bảo mục tiêu cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tính toán cân đối nguồn, tải theo vùng miền, hạn chế truyền tải điện đi xa, hạn chế thấp nhất truyền tải điện liên vùng, bảo đảm dự phòng từng miền ở mức độ hợp lý, đặc biệt là ở miền Bắc. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi, cơ chế huy động nguồn vốn để phát triển nguồn điện.

Theo Báo Công thương