PC Đắk Lắk Hướng Tới Một Doanh Nghiệp Số

20

Năm 2021, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) chọn chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Ðiện lực Quốc gia Việt Nam”. Trong những năm gần đây, Công ty Điện Lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk ) đã chú trọng đầu tư hạ tầng số, chuyển đổi số (CĐS) trong các lĩnh vực chủ yếu như kinh doanh dịch vụ khách hàng và quản lý kỹ thuật…và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của đơn vị. Việc đẩy nhanh chuyển đổi số đã giúp PC Đắk Lắk phục vụ khách hàng liên tục, xuyên suốt, tránh bị gián đoạn, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay.

PC Đắk Lắk ký kết hợp tác với Ngân hàng Quân đội MB, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

PC Đắk Lắk hướng tới là một doanh nghiệp số, lấy khách hàng/người sử dụng dịch vụ điện làm trung tâm; cung cấp các dịch vụ trực tuyến, minh bạch; ứng dụng mạnh mẽ CNTT để điện tử hóa các quy trình trong nội bộ và các giao dịch với khách hàng/đối tác; triển khai thành công các ứng dụng dùng chung có tính liên kết, tích hợp trục liên thông của ngành theo tiến độ, đồng thời nghiên cứu xây dựng phát triển các phần mềm đặc thù chú trọng trên nền tảng ứng dụng di động đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số của PC Đắk Lắk. Trong những năm gần đây, PC Đắk Lắk đã chú trọng đầu tư hạ tầng số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực chủ yếu như kinh doanh dịch vụ khách hàng và quản lý kỹ thuật…và ứng dụng CNTT trong hoạt động của đơn vị.

PC Đắk Lắk đã và đang tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số

Ông Trần Văn Thuận – Giám đốc PC Đắk Lắk phát biểu chỉ đạo về công tác chuyển đổi số năm 2021.

Theo ông Trần Văn Thuận – Giám đốc PC Điện lực Đắk Lắk cho biết: “Công ty đang từng bước triển khai lộ trình chuyển đổi số, quyết liệt hoàn thành 100% chỉ tiêu CĐS năm 2021 , cố gắng thực hiện một số việc của kế hoạch CĐS năm 2022. Về mặt tổ chức, PC Đắk Lắk đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và 07 tổ tham mưu theo từng chuyên đề, hàng tháng có những cuộc họp đánh giá công tác cũng như đề ra lộ trình. Về chuyển đổi nhận thức, PC Đắk Lắk đã tổ chức phổ biến chuyên đề về nhận thức chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh, để chuyển đổi tư duy quản trị và chuyển đổi số thành công, tập trung ở 150 lãnh đạo chủ chốt của công ty. Phát động phong trào thi đua về chuyển đổi số nhằm chào mừng 45 năm ngày thành lập PC Điện lực Đắk Lắk; Phát động các phong trào thi đua Sáng kiến và Ý tưởng chuyển đổi số đến toàn thể CBCNV, đến nay đã có 43 ý tưởng chuyển đổi số; Xây dựng chuyên mục chuyển đổi số trên trang web của công ty”.

Chuyển đổi số là công việc rất qua trọng đối với PC Đắk Lắk, thực sự mang lại rất nhiều lợi ích từ điều hành quản lý, vận hành hệ thống cung ứng điện đến kinh doanh dịch vụ khách hàng…

Chuyển đổi số nhờ nền tảng kết nối số hóa đa chiều giúp kết nối, thu ngắn khoảng cách của các phòng ban, bộ phận, đơn vị. Ứng dụng chuyển đổi số, các thao tác nghiệp vụ thực hiện ứng dụng CNTT giúp thuận tiện, nhanh chóng, giảm công lao động, tối ưu năng suất làm việc của công nhân viên. Với việc triển khai trung tâm điều khiển xa cho 100% các trạm biến áp 110 kV địa bàn quản lý. Với bất kỳ sự cố nào xảy ra trên lưới điện PC quản lý, hệ thống được điều khiển đóng cắt từ xa mà không cần sự thao tác trực tiếp của công nhân vận hành. Hệ thống này mang lại hiệu quả vô cùng thiết thực góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm thời gian mất điện, góp phần nâng cao năng suất lao động. PC Đắk Lắk đã hoàn thành trên 90% công tơ điện tử và thu thập chỉ số điện từ xa. Đến thời điểm hiện tại, đã có 12 dịch vụ điện trực tuyến đạt cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, khách hàng của PC Đắk Lắk hoàn toàn có thể thực hiện từ xa các dịch vụ như cấp điện mới, thay đổi công suất, di dời công tơ, thay đổi chủ thể/ định mức/ mục đích sử dụng điện, mà không cần đến các quầy giao dịch điện lực.

Theo đó PC Đắk Lắk xây dựng kế hoạch xác định rõ mục tiêu, là ứng dụng CNTT, viễn thông dùng riêng (VTDR) để cải tiến phương thức điều hành quản trị doanh nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng nhằm xác định được lộ trình, cơ cấu nguồn lực hợp lý đảm bảo đáp ứng các mục tiêu đề ra. PC Đắk Lắk đã cơ bản số hóa về thông tin khách hàng, tài sản lưới điện, CBCNV và nhiều nghiệp vụ SXKD, với việc triển khai rất nhiều các ứng dụng CNTT, các hệ thống công tơ điện tử có đo xa, các hệ thống SCADA. Hạ tầng kỷ thuật cơ bản đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ số trong giai đoạn hiện nay, tỷ lệ dự phòng >35%.

Hiện nay, PC Đắk Lắk đã ứng dụng trong các lĩnh vực như: Kinh doanh và Dịch vụ khách hàng với các kênh giao tiếp kỹ thuật số đã được triển khai áp dụng (website CSKH, app CSKH, zalo OA, Facebook, SMS, Email); Quản lý kỹ thuật đã có các chương trình phần mềm kỹ thuật được EVN, EVNCPC triển khai áp dụng, việc khai thác các chương trình đảm bảo khoa học, phục vụ tốt trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, trong lộ trình chuyển đổi số, PC Đắk Lắk đã gặp phải muôn vàn khó khăn khi hệ thống CNTT tại một số thời điểm hoạt động không ổn định và các nguy cơ về bảo mật chưa được nhận diện kịp thời để phòng ngừa hợp lý. Dữ liệu lớn, chưa khai thác hiệu quả dữ liệu. Bên cạnh đó, một số nghiệp vụ chưa được số hóa hoàn toàn, việc quản lý công việc hiện tại còn nằm rải rác ở các phần mềm khác nhau và chưa có công cụ chung để quản lý một cách có hệ thống; Khan hiếm nhân lực CNTT; Chưa có đầu tư nguồn lực thỏa đáng phát triển nhân lực trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là lĩnh vực phần mềm và nội dung số và chưa có chính sách ưu đãi nhân lực CNTT chất lượng cao.

PC Đắk Lắk với lộ trình thực hiện Chuyển Đổi Số

Để đạt được các mục tiêu, PC Đắk Lắk đã xây dựng lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022 và các năm tiếp theo với các yếu tố trọng tâm cần phải thực hiện. Theo đó, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức của từng người lao động trong toàn PC Đắk Lắk. Xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo các cấp và toàn thể người lao động. Thực hiện “Số hóa Dữ liệu” với mục tiêu “Một hạ tầng, Một cơ sở dữ liệu”, thống nhất 1 nền tảng hạ tầng chung, đồng nhất về công nghệ, về giải pháp kỹ thuật và quản trị cơ sở dữ liệu dùng chung. Chuẩn hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh thu thập, khai thác, phân tích dữ liệu từ hiện trường, kết nối với các hệ thống điều khiển/giám sát/vận hành để nâng cao giá trị dữ liệu được thu thập, đáp ứng mục tiêu của chuyển đổi số. “Số hóa khách hàng”, đó là lấy khách hàng là trung tâm, cung cấp các dịch vụ gia tăng, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên không gian số, không ngừng nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng. “Số hóa quy trình nghiệp vụ”. Trong công tác quản trị nội bộ lấy người lao động làm trung tâm để xây dựng các ứng dụng số. Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông dùng riêng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin các cấp đáp ứng tính sẵn sàng cho lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022.

Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng sẽ được hiện thực hóa dần theo hướng đơn giản và hoàn thiện các quy trình, quy định hiện tại để dễ dàng số hóa; triển khai  ứng dụng di động phục vụ khách hàng tìm kiếm các thông tin về dịch vụ điện; Xây dựng các chính sách chăm sóc và khuyến khích khách hàng tham gia các hoạt động chuyển đổi của ngành điện, cụ thể: Ðáp ứng dịch vụ điện cấp độ 4 và theo xu hướng số hóa qua Quản lý Hợp đồng/Hồ sơ điện tử trong quá trình cung cấp dịch vụ điện cho khách hàng; bổ sung, hoàn thiện công tác quản lý điện mặt trời mái nhà; triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho tất cả các dịch vụ phát sinh chi phí; áp dụng ký số, tích hợp Barcode, QR code trên các hệ thống hồ sơ thông tin của khách hàng, thiết bị đo đếm; hiện đại hóa công tác chăm sóc khách hàng theo ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 bao gồm: Chatbot (công cụ trả lời tự động), Customer Self Service (công cụ tự phục vụ khách hàng), chăm sóc khách hàng qua mạng xã hội…; ứng dụng hiện trường qua thiết bị di động đối với toàn bộ hoạt động Kinh doanh và chăm sóc khách hàng.

Để làm được điều đó, PC Đắk Lắk cần được đào tạo về Chuyển đổi số và giới thiệu về công nghệ, có lộ trình tập huấn, nâng cao nhận thức, năng lực và khả năng thích ứng cho cán bộ, nhân viên, người lao động. Đây không phải là công việc dễ dàng, bởi năng lực, nhận thức, độ tuổi, trình độ công nghệ của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, việc đào tạo theo lộ trình cụ thể, gắn liền với quá trình ứng dụng công nghệ số sẽ giúp cho người lao động từng bước đáp ứng các đòi hỏi mới trong công việc, góp sức cùng PC Đắk Lắk trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang doanh nghiệp số.

Quá trình việc thúc đẩy cuộc cách mạng số hóa sẽ góp phần quan trọng vào lộ trình hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hang, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Qua đó, toàn Công ty hướng tới mục tiêu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ CĐS theo lộ trình của EVN và EVNCPC đề ra trong thời gian tới.

HUY MINH