Phát xạ sóng điện từ đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trong khi lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông và thiết bị điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, càng gia tăng nguy cơ phát xạ sóng điện từ gây phơi nhiễm cho người sử dụng.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trạm thu phát sóng di động trên phố Hàng Than, Hà Nội
Theo quan sát của phóng viên VOVGT với chiều dài khoảng 500m trên con phố Hàng Than (Hà Nội) đã có tới 3 trạm BTS tọa lạc trên nóc nhà, trong đó có 2 trạm cách nhau chừng hơn 100m.
Ông Nguyễn Văn Lương, phường Nguyễn Trung Trực, Ba Đình lo lắng: ‘Có sóng điện từ là có ảnh hưởng, nhà nước phải kiểm tra xem khoảng không bao nhiêu, khoảng cách bao nhiêu thì được lắp 1 trạm, không thể nào mà cứ phát bừa bãi, ảnh hưởng đến khu dân cư được. Các công ty viễn thông họ đua nhau dựng trạm, đáng nhẽ quy hoạch dùng chung 1 trạm, đây ông nào cũng dựng trạm, trở thành đua nở’.
Lo lắng ảnh hưởng tới sức khỏe cũng là tâm tư chung của bà con nhân dân sinh sống quanh khu vực này.
‘Có những cây này ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nhưng không biết làm thế nào được cả’.
“Tại sao lại cứ để người ta lắp cái này quanh khu vực nhà mình ở, không an toàn về sức khỏe. Đề nghị cơ quan chính quyền xem như thế nào để các chỉ số an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân’.
‘Sống trong môi trường số thiết bị bên cạnh người ngày càng nhiều hơn, là những người dùng tôi đang rất lo lắng. Tôi nghĩ rằng các thiết bị điện tử ảnh hưởng rất lớn, bởi vì nó sinh ra sóng chắc chắn là có ảnh hưởng đến con người. Nhưng thực tế không có ai khuyến cáo cho chúng tôi xem dùng các thiết bị này như thế nào cho an toàn’.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, nguyên Cục Trưởng Cục Tần Số Vô tuyến điện, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn điện từ trường tại Việt Nam do Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Y tế quy định. Các thiết bị phát sóng vô tuyến điện sử dụng trong viễn thông được quy định tại Luật Tần số vô tuyến điện, trong đó quy định rõ mức an toàn bức xạ đối với các trạm phát sóng và mức độ trường điện từ cho phép. Vì thế khi các DN viễn thông thiết kế, lắp đặt hệ thống thông tin vô tuyến phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn này, nếu không đảm bảo sẽ phải tháo dỡ hoặc điều chỉnh.
Tuy nhiên, ông Hoan cũng khẳng định, mức phơi nhiễm từ các trạm BTS nhỏ hơn nhiều mức phơi nhiễm do điện thoại di động. ‘Ở các nước tiên tiến các thiết bị di động có sự kiểm soát chặt chẽ hơn và đánh giá thử nghiệm nhiều hơn. Còn ở VN hiện nay người dân đang quan tâm chủ yếu đến sóng ở bên ngoài trạm BTS. Đối với các thiết bị di động cầm tay cần phải tăng cường giám sát, đo thử, xác lập tiêu chuẩn của nhà nước, tức là không chỉ quan tâm đến các phát xạ từ các trạm BTS mà phát xạ từ các thiết bị điện thoại di động’.
Điện áp, thiết bị điện và điện tử phát ra sóng với tần số thấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cơ bắp và hệ thần kinh của con người.
Trao đổi với VOV Giao thông, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện khẳng định, việc lắp đặt trạm BTS đều phải thực hiện kiểm định định kỳ và kiểm định lần đầu, bảo đảm tuân thủ đúng các giới hạn về an toàn bức xạ:
‘Hiện các mức giới hạn về cường độ trường những quy định của VN khá chặt chẽ và thậm chí đưa ra các mức chặt chẽ hơn khá nhiều so với các nước Châu Âu hay Mỹ. Theo tôi đấy là những quy định đã đầy đủ, bảo đảm bảo vệ người dân, bảo vệ môi trường trong quá trình thiết bị vô tuyến điện đó được mang ra sử dụng’.
Không chỉ các thiết bị vô tuyến có phát xạ điện từ trường mà các thiết bị gia dụng và thiết bị tương tự liên quan cũng có phát xạ, hiện nay việc quản lý các thiết bị này theo Tiêu chuẩn quốc gia về mức an toàn bức xạ do Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KHCN) cho biết: ‘Các quy chuẩn này trên cơ sở chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế của IEC, phải tuân thủ theo quốc tế. Các sản phẩm này khá mở, hàng nhập khẩu vào nhiều hoặc là mình sản xuất và xuất ra nước ngoài cũng nhiều.
Về cơ bản mình quản lý từ trước đến giờ cũng tương thích và hàng hóa nhập vào VN hoặc là mình xuất ra nước ngoài đều đạt yêu cầu. Quy chuẩn đưa ra các ngưỡng, miễn làm sao sản phẩm ra phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thì được phép ra thị trường’.
Dưới góc nhìn khác, TS. Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định, ô nhiễm điện từ trường là có, nhưng các quy định bảo vệ sức khỏe người dân khỏi phơi nhiễm chưa thực sự rõ ràng.
- Hoàng Dương Tùng cũng bày tỏ lo ngại các trạm thu phát sóng di động 5G trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân: ‘Khoa học ngày càng phát triển, làm sao mà phát huy được hết các mặt tốt nhưng những gì ảnh hưởng đến sức khỏe thì phải hạn chế, xem lại những quy định của chúng ta có còn phù hợp không, phải có một hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nhưng trên cơ sở đảm bảo tối đa sức khỏe con người’.
Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hội Internet Việt Nam, nước ta đi tiên phong trong việc cung cấp các hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin. Vì thế các thiết bị liên quan đến phát xạ trường điện từ ngày càng gia tăng, khiến cho ô nhiễm điện từ trường gia tăng. Đây là vấn đề cấp bách cần được quy định rõ trong Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi sắp tới.
Trong sửa đổi Luật lần này cần chú trọng hơn đến việc điều tiết vai trò cơ quan quản lý nhà nước, quyền hạn thì tương đối rõ, nhưng chưa quan tâm đúng mức đến trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước đối với bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm phát xạ sóng điện từ nói chung chứ không phải chỉ sử dụng tần số liên quan đến viễn thông hoặc liên quan đến các hoạt động công nghiệp.
Ông Trần Đức Lai, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam cho rằng, ô nhiễm điện từ trường nói chung phổ rất rộng, không chỉ có bức xạ sóng điện từ của các thiết bị vô tuyến viễn thông mà còn nhiều thiết bị khác gây ra, vì thế việc quản lý cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành.
‘Bộ Thông tin Truyền thông chỉ quản lý các trang thiết bị thuộc lĩnh vực điện tử viễn thông và các thiết bị phát sóng vô tuyến điện chuyên dụng.
Hiện nay công nghệ phát triển rất nhanh, rất nhiều trang thiết bị dân dụng cũng gây ô nhiễm môi trường thì khâu kiểm định phải đồng bộ của nhiều nơi. Một bộ luật của tần số và quản lý nhà nước ở Bộ Thông tin Truyền thông cũng không thể kham nổi hết tất cả các công việc phát sinh bây giờ và thực thi để ngăn cản tối đa cũng còn có vấn đề hạn chế’, ông Trần Đức Lai nhận định.
Ô nhiễm điện từ có thể gây đau đầu, mất ngủ, trí nhớ giảm sút, thị lực giảm, huyết áp tăng cao hoặc giảm
Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số là hướng đi tất yếu mà Đảng đã đề ra. Trong đó phấn đấu đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp.
Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, song hành với phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông cần giải quyết bài toán ô nhiễm điện từ trường từ chính sách đến thực tiễn, phải đo kiểm, giám sát chặt chẽ chứ không chỉ qua loa, hình thức.
Theo các chuyên gia, điện từ trường có thể lan truyền và xuyên qua mọi vật cản và tác động lên cơ thể con người. Thế nhưng các giác quan của con người khó nhận biết được tình trạng ô nhiễm sóng điện từ, ngay cả khi chúng ta đứng trong trường bức xạ cường độ rất cao.
Trên thế giới đã có hàng trăm công trình nghiên cứu với kết quả cáo buộc điện từ trường gây hại cho sức khỏe con người, tuy nhiên cuộc sống hiện nay không thể thiếu các thiết bị này, buộc chúng ta phải sống chung.
Các chuyên gia dự báo, sắp tới các trạm BTS công suất nhỏ cung cấp dịch vụ băng rộng trên tần số cao sẽ dày đặc hơn, đặc biệt tới đây VN sẽ triển khai mạng mạng di động 5G và xu hướng công nghệ thông minh sẽ tiếp tục phát triển rộng rãi.
Bên cạnh đó sự phát triển ở các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, trang thiết bị trong công nghiệp, dân dụng ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm có phát xạ trường điện từ. Và thậm chí, kể cả các trang thiết bị nghiệp dư ở những phổ tần không cấp phép do cá nhân hoặc tổ chức tạo ra trong đời sống cũng có thể có phát xạ sóng điện từ. Sóng này có thể không đạt tiêu chuẩn gây nhiễu đến các trang thiết bị viễn thông hay công nghiệp khác nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Vì thế việc nguy cơ phơi nhiễm điện từ trường ngày càng tăng khi khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển.
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện vẫn chưa bao quát hết các đối tượng có liên quan đến phát xạ trường điện từ. Vì thế, cần quan tâm đến việc xác lập tiêu chuẩn cho thiết bị cả bên trong và bên ngoài, đặc biệt là điện thoại di động, bởi thiết bị này ngày càng có nhiều phát xạ hơn.
Việc sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện và các bộ luật liên quan cần có cơ chế, chính sách vừa thúc đẩy phát triển lĩnh vực thông tin vô tuyến, vừa bảo vệ người dân khỏi phơi nhiễm. Đồng thời, cũng cần “xác lập” trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi, đo kiểm, giám sát và công bố công khai các kết quả đo kiểm, có chế tài xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm xảy ra.
Ngoài việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiền kiểm và hậu kiểm thì cũng cần công bố rộng rãi thông tin, hướng dẫn để người dân sống ở các khu vực có nguy cơ phơi nhiễm biết để chủ động phòng ngừa các dạng ô nhiễm này trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Công tác giám sát quy hoạch và trật tự xây dựng cũng cần tuân thủ chặt chẽ, để tránh vi phạm cho phép xây dựng các công trình nhà ở, làm việc trong phạm vi hành lang an toàn của các công trình có phát xạ điện từ trường.