Những “Bông hồng thép” trên thành lũy chống dịch COVID-19

19

Sáng 22/8, Đại úy Phan Thị Thùy Dung (Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Nghệ An) chuẩn bị mấy món “tủ” để đãi chồng và hai cậu con trai nhân ngày cuối tuần. Từ đầu năm tới nay, Đại úy Dung hết thực hiện nhiệm vụ làm căn cước công dân lưu động lại được tăng cường hỗ trợ các huyện hoàn thành đề án lớn của Bộ Công an, thành ra, mới thoát cảnh “4 người 3 chốn” gần một tháng nay.

Mâm cơm vừa dọn ra, tiếng chuông điện thoại vang lên: “Thu xếp quân tư trang, đầu giờ chiều có mặt ở đơn vị để ra điểm chốt tham gia phòng, chống Covid-19”, chỉ huy đơn vị nói ngắn gọn. Bữa cơm cuối tuần tưởng được thảnh thơi bỗng trở nên vội vã. Chị bỏ dở bữa cơm, chạy vào phòng thu xếp đồ đạc cho mẹ, cho con, không quên dặn hai cậu con ăn nhanh lên còn sang ông bà để kịp giờ lên đơn vị tập trung.

Đã quen với cảnh bố mẹ đi trực đột xuất, hai cậu con trai ăn xong, tự mang bát đến chậu rửa rồi vào phòng, xếp sách vở vào cặp, không quên mang theo một ít đồ chơi.

Từ 0h ngày 23/8, TP Vinh bắt đầu thực hiện các biện pháp nâng cao một mức phòng, chống dịch so với Chỉ thị 16, người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà. Công an tỉnh Nghệ An thành lập thêm 70 điểm chốt chặn bên cạnh 42 chốt kiểm soát đã có trước đó trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, 630 cán bộ, chiến sỹ các phòng, đơn vị nghiệp vụ được tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện, đảm bảo “ai ở đâu ở yên đấy”, trong đó có gần 100 cán bộ, chiến sỹ nữ.

“Trên đường về nhà ông bà, tôi tranh thủ giải thích cho con hiểu tình hình thành phố ta đang rất phức tạp, mẹ cùng các cô chú đồng đội phải đi làm nhiệm vụ. Thỉnh thoảng trên đường phố vắng hoe, chiếc xe cứu thương đi qua, rồi tiếng loa phường thông báo những thông tin cần thiết, hai đứa nhỏ ngồi im không nói gì, hình như là cũng sợ vì lâu nay được nghe nhiều về dịch Covid-19. Lúc gửi con cho ông bà, hai đứa đều khóc, thằng lớn thì dặn mẹ nhớ mang hai khẩu trang cho an toàn, thằng bé thì nằng nặc đòi đi theo, tôi phải cố quay người đi thật nhanh, sợ khóc trước mặt con”, Đại úy Phan Thùy Dung tâm sự.

Cũng giống như Đại úy Phan Thị Thùy Dung, Đại úy Nguyễn Thị Thanh Huyền (Công an TP Vinh) phải “sơ tán” hai con về nhà ông bà ngoại để đi làm nhiệm vụ. Ba chị em đều công tác trong ngành công an, y tế nên những ngày này nhà ông bà ngoại không khác nào một nhà trẻ thu nhỏ.

“Chọn nghề công an đã lường trước những khó khăn vất vả trong nghề, cả trong sinh hoạt đời thường rồi nên có lệnh là đi thôi, không nghĩ ngợi gì. Nhưng lần nhận nhiệm vụ này, tâm trạng rối bời lắm. Nhiệm vụ chắc chắn mình phải hoàn thành, nhưng lo cho bố mẹ già và các con, các cháu ở nhà. Những ngày qua, thành phố liên tiếp phát hiện các ca nhiễm cộng đồng, lại liên quan đến các khu chợ, lịch trình di chuyển phức tạp trong khi đó nhà mình thì người già với trẻ con…”, Đại úy Huyền bỏ lửng câu nói ở đó, hướng mặt ra khoảng tối trước mặt. Đêm nay là một đêm rất dài đối với chị và đồng đội trong ca trực từ 0h đến 6h sáng.

Thành phố chìm trong màn đêm yên lặng, thỉnh thoảng tiếng xe cấp cứu vọng lại, tiếng chó cắn trong đêm, những tán cây im lìm, đường phố như rộng thênh thang ra dưới ánh điện vàng vọt và ánh sáng dịu của trăng thượng tuần. Đêm càng tĩnh lặng bao nhiêu, càng nhớ thương con bấy nhiêu, Đại úy Huyền lấy điện thoại gọi về cho con, không quên dặn thằng anh phải nhắc em đánh răng, đi vệ sinh trước khi ngủ. “Mẹ đừng lo, em và con ở nhà ngoan lắm, nãy con còn bày cho em học nữa đó”, cậu con trai 8 tuổi khoe mà giọng mếu máo như sắp khóc. Còn cô con gái 5 tuổi phụng phịu hỏi mẹ bao giờ về, không có ai kể chuyện, con lại khó ngủ, trằn trọc cả đêm… Cặp kính của nữ Đại úy công an bỗng nhòe mờ đi bởi hơi nước nóng hổi từ hai khóe mắt.

“Với chúng tôi, nắng, mưa hay muỗi đốt sưng chân tay đã quá quen thuộc rồi, vất vả mấy cũng vượt qua được hết. Những lần trước đi đánh án xa nhà một hai ngày, nay trận chiến này có thể kéo dài một tuần, hai tuần hoặc lâu hơn. Chúng tôi chỉ mong góp một phần nhỏ bé giúp quê hương sớm kiểm soát được dịch bệnh, bình yên cho mọi người và trẻ con lại được vui đến trường”, Đại úy Huyền chia sẻ cảm xúc khi đứng trong hàng ngũ những người lính bước vào trận đánh quyết định này.

Đồng đội chào nhau bằng câu nói”Bảo trọng nhé”

Thành phố bước vào cuộc chiến mới, mọi sinh hoạt bình thường đều bị đảo lộn. Phố xá đông vui tấp nập của ngày hôm qua nay chỉ có bóng áo xanh của công an, quân đội, dân quân tự vệ và thanh niên tình nguyện và một phần người dân được ra khỏi nhà đến trụ sở làm việc. Tất cả đều hối hả, gấp gáp bởi tính chất cuộc chiến đặc biệt này. Trên những điểm chốt chặn được ví như “thành lũy” chống Covid-19 của thành phố, họ lặng lẽ thực hiện phần việc của mình. Những giây phút đồng đội gặp gỡ hiếm hoi khi đi qua chốt, thay vì những câu hỏi thăm là lời dặn dò “bảo trọng nhé”.

Thượng úy Võ Thị Huyền Thương (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Nghệ An) thực hiện nhiệm vụ tại điểm chốt trên đường Trần Phú, gần chợ Vinh, nơi có ổ dịch Covid-19 hết sức phức tạp. Chồng chị công tác trong ngành, cách đây hơn hai tháng được điều động tăng cường trực chốt phòng, chống Covid-19 tại huyện Diễn Châu, nay chưa phải tham gia tăng cường cho các chốt trong thành phố nhưng phải trực 100% tại đơn vị, thành ra, 2 đứa con phải gửi ở nhà ông bà.

“Trong những ngày qua, nhiều ca F0 được phát hiện trong cộng đồng, có trường hợp là cán bộ thực hiện nhiệm vụ trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở các phường, xã. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn, anh chị em phải mang khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, đi găng tay y tế, phơi mình dưới nắng, mồ hôi đầm đìa như tắm. Vất vả nhưng ai cũng động viên mình, động viên đồng đội cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ để sớm khoanh vùng, truy vết, loại bỏ F0 ra khỏi cộng đồng, thành phố nhanh trở về nhịp sống bình thường như trước kia”, Thượng úy Thương tâm sự.

So với các đồng nghiệp khác, Thượng úy Võ Thị Huyền Thương cảm thấy mình may mắn hơn khi trực điểm chốt ở gần nhà, xong ca trực có thể về nhà tắm rửa, nghỉ ngơi. Nhiều khi bữa cơm đơn giản nhất được chuẩn bị xong chị lại không nuốt nổi vì nhà trống trải quá, vắng tiếng cười đùa, tiếng chí chóe của hai đứa con nhỏ.

Điểm chốt của Đại úy Phan Thị Thùy Dung nằm trên đường Lê Hồng Phong, chốt rộng nên phải di chuyển nhiều. Ngày đầu tiên, một số người dân chưa nắm được quy định nên vẫn còn ra đường và cự cãi với lực lượng trực chốt khi bị yêu cầu quay trở lại do không có đủ các giấy tờ cần thiết. Sau 3 ngày, người dân đã chấp hành tốt hơn, có ý thức hơn, phần việc của cán bộ, chiến sỹ trực chốt cũng đỡ vất vả hơn. Cũng có những trường hợp buộc phải đi ra đường do nhà hết thực phẩm, đặc biệt là lao động tự do “mắc kẹt” ở thành phố.

Theo Dân trí