Nhiều hoạt động không còn bị cấm

33

Ngày 11/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thay thế các quy định đang áp dụng. Trong đó, nhiều hoạt động không còn bị cấm.

Từ ngày 11/10/2021 sẽ không còn cảnh ngăn cản người dân đi lại như trước đây

Những hoạt động không bị cấm

Đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau được tự do. Khi dịch bệnh ở cấp độ cao thì việc đi lại vẫn không hạn chế nhưng có điều kiện là người dân phải tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Còn khi dịch bệnh bùng phát ở cấp độ rất cao, việc đi lại mới bị hạn chế, người dân phải  tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế; trường hợp Bộ Y tế hướng dẫn cách ly tại nhà nhưng địa phương có địa điểm cách ly tập trung đảm bảo an toàn và được cá nhân người thuộc diện cách ly đồng ý thì có thể tổ chức cách ly tập trung thay vì cách ly tại nhà.

Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh được hoạt động và Bộ GT&VT sẽ hướng dẫn hoạt động lưu thông vận chuyển hàng hóa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Đối với người vận chuyển hàng bằng xe máy sử dụng công nghệ có đăng ký (bao gồm nhân viên của doanh nghiệp bưu chính) khi dịch bệnh bùng phát cấp độ rất cao, trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh có thể quy định về số lượng tham gia lưu thông trong cùng một thời điểm.

Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng được tự do hoạt động khi có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối được hoạt động khi có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.  Nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống cũng được hoạt động khi đảm bảo quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. Với các cơ sở dịch vụ trên, khi dịch bệnh bùng phát ở cấp độ rất cao, trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quy định hạn chế số lượng người bán, mua cùng một thời điểm.

Hoạt động cơ quan, công sở không bị ngừng khi có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Khi dịch bệnh bùng phát cấp độ cao và rất cao phải giảm số lượng người làm việc, tăng cường làm việc trực tuyến.

Yêu cầu sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định để khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng vắc xin, khám chữa bệnh (nếu có điện thoại thông minh). Sử dụng mã QR theo quy định của chính quyền và cơ quan y tế.

Đặc biệt, áp dụng điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và quyết định của chính quyền địa phương phù hợp với điều kiện thu dung, điều trị tại địa phương và điều kiện ăn ở, sinh hoạt, nguyện vọng của người nhiễm COVID-19.

Còn nhiều hoạt động khác không bị cấm khi dịch bệnh ở mức độ thấp và trung bình, còn khi bùng phát cấp độ cao và rất cao sẽ bị hạn chế hoặc cấm hoạt động.

Người dân ở Cần Thơ đã trở lại xây dựng nhà cửa

Cấp độ dịch bệnh và mục tiêu chuyển hướng chiến lược

Nghị quyết 128 quy định dịch bệnh phân loại theo 4 cấp độ: Cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 là nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 là nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 là nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Việc xác định cấp độ dịch sẽ được Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định. Tiêu chí gốm tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; Độ bao phủ vắc xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều) và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).

Đáng chú ý ở Nghị quyết mới này, quy định phạm vi đánh giá cấp độ dịch chỉ ở quy mô cấp xã. Khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.

Nghị quyết 128 là sự chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ vẫn xác định mục tiêu “Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021”. Trong khi tỷ lệ bao phủ vắc xin đang được đẩy nhanh nhưng chưa đạt độ bao phủ toàn dân và các loại thuốc điều trị COVID-19 đang được phát triển, đưa vào sử dụng nhưng chưa có thuốc đặc trị; nhằm đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của Nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Các quy định mới được áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Nghị quyết 128 nhấn mạnh: “Căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố quyết định các biện pháp hành chính phù hợp bao gồm các quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người,… và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương không phù hợp, khả thi thì kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn. Cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn phải có chỉ đạo ngay để tháo gỡ vướng mắc đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy định, hướng dẫn”.

Nghị quyết 128 có hiệu lực từ ngày ký, ngày 11/10/2021. Từ ngày này, tạm thời không áp dụng các Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ.

                                                                                      SÁU NGHỆ