Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 12-2021

24

 

Tháng cuối năm 2021, nhiều chính sách liên quan đến công chức, viên chức, giáo dục, lệ phí trước bạ, bảo hiểm… có hiệu lực

Giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất trong nước

Từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022, theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP, lệ phí trước bạ nộp lần đầu đối với ôtô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% so với trước đây, tức là từ 5%-6% giá trị xe. Việc này nhằm kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; tác động thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam.

Từ ngày 1-6-2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ trở về theo Nghị định 20/2019/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 140/2016/NĐ-CP (tức 10%-12% giá trị xe); các nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành

Thông tư 28/2021/TT-BGDĐT ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành chính thức có hiệu lực từ ngày 5-12.

Mục tiêu của chương trình là người học có kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh để sử dụng theo nhu cầu; giao tiếp thành thạo tiếng Anh thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết…

So với quy định hiện hành, Nghị định 101/2017/NĐ-CP không còn nội dung bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Người học cần đạt yêu cầu về năng lực đặc thù theo 6 bậc và theo 4 kỹ năng giao tiếp trên khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Nội dung dạy học trong chương trình được thiết kế theo kết cấu đa thành phần theo các phương pháp: dạy học cá nhân hóa; dạy học tích hợp; phát triển năng lực tự học; ứng dụng công nghệ trong dạy học.

Giáo viên phải đạt chuẩn năng lực tiếng Anh, năng lực sư phạm, đồng thời sẽ được hướng dẫn đầy đủ về nội dung và cách thức triển khai chương trình này.

Công chức, viên chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học

Đây là nội dung mới tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực từ 10-12.

Theo quy định mới, nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức bao gồm: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí công việc.

So với quy định hiện hành, tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP không còn nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.

Nghị định 89/2021/NĐ-CP sẽ là cơ sở để các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý.

Nới điều kiện xét thăng hạng viên chức giảng dạy đại học

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 31/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học công lập.

Cụ thể, một trong những điều kiện để viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 là: Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02. Trong khi đó, quy định hiện hành yêu cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi/xét.

Thông tư 31/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 26-12 và thay thế Thông tư 18/2017/TT-BGDĐT ngày 21-7-2017, Thông tư 08/2018/TT-BGDĐT ngày 12-3-2018.

Người gửi tiền nhận bảo hiểm đến 125 triệu đồng

Từ ngày 12-12, Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực, áp dụng cho đối tượng là người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Trong đó, tại điều 3 quy định số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.

Trước đó, theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng.

Thay đổi về cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Từ ngày 23-12, Nghị định 97/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung Nghị định 23/2018/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thay đổi việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Theo đó, thay vì sử dụng mẫu cũ cố định tại phụ lục I Nghị định 23/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được chủ động thiết kế giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Tuy nhiên, trên giấy chứng nhận vẫn phải bảo đảm có các nội dung nêu tại điều 7a Nghị định 97/2021/NĐ-CP gồm: Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy); địa chỉ tài sản được bảo hiểm; tài sản được bảo hiểm; số tiền bảo hiểm; mức khấu trừ bảo hiểm…

PV (NLĐ)