Ngành công nghiệp đưa Thanh Hoá vươn tầm cao mới

90

Sau gần 10 năm phát triển, ngành công nghiệp của Thanh Hóa đã tăng trưởng thần tốc, vươn lên trở thành đàu tàu kinh tế của khu vực Bắc Trung bộ.

Bước đột phá mạnh mẽ

Trong 5 năm qua (2016-2020), giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa tăng trưởng đột phá, bình quân hằng năm đạt 20%, vượt kế hoạch và cao nhất từ trước đến nay. Năm 2020, đạt 144.532 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Thanh Hóa đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp mới, đặc biệt là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước). Tỷ trọng của công nghiệp trong GRDP của Thanh Hóa đã tăng từ 22,3% năm 2011 lên 35% vào năm 2020.

Đối với cụm công nghiệp, theo quy hoạch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thanh Hóa có 71 cụm công nghiệp (tổng diện tích đất quy hoạch là 2.139ha). Đến năm 2019, đã có 47 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, diện tích cho thuê đất đạt 559,7ha (tỷ lệ lấp đầy 32,7%), đến cuối năm 2020, tỷ lệ này đạt 40,1%. Vốn đầu tư hạ tầng lũy kế đến tháng 12/2020 đạt 1.674,96 tỷ đồng.

Khu kinh tế Nghi Sơn được xác định sẽ là hạt nhân chính để đưa ngành công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa vươn tầm, trở thành một trong những địa phương có nền kinh tế phát triển nhất cả nước.

Các cụm công nghiệp đã thu hút được 243 doanh nghiệp vào hoạt động với tổng vốn đầu tư đạt 5.917,2 tỷ đồng; thu hút 73.996 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 12.244,8 tỷ đồng; đóng góp cho ngân sách 352,1 tỷ đồng. Các địa phương có nhiều cụm công nghiệp là: Hà Trung (7 cụm), TP Thanh Hóa (4 cụm), Thọ Xuân (4 cụm), Yên Định (4 cụm), Triệu Sơn (4 cụm)…

Thanh Hóa có 16 Khu công nghiệp (KCN) gồm 8 KCN độc lập trong tỉnh và 8 KCN trong Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn. Trong đó, 8 KCN độc lập gồm KCN Lễ Môn, KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga, KCN Hoàng Long (TP Thanh Hóa); KCN Bỉm Sơn (TX Bỉm Sơn), KCN Lam Sơn – Sao Vàng (huyện Thọ Xuân); KCN Thạch Quảng (huyện Thạch Thành); KCN Bãi Trành (huyện Như Xuân); KCN Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc) với có tổng diện tích 2.035ha với cơ sở hạ tầng đồng bộ, 100% có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Các KCN trong KKT Nghi Sơn gồm: Khu liên hợp lọc hoá dầu, Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn, KCN luyện kim và 5 KCN tập trung (gồm KCN số 1, KCN số 2, KCN số 3, KCN số 4, KCN số 5) có tổng diện tích là 2.789,49 ha.

Những ‘quả ngọt’ bước đầu

Đến nay, một số dự án công nghiệp lớn, trọng điểm đã hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, như: Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy sản xuất dầu ăn và các sản phẩm chiết xuất từ dầu ăn, dây chuyền 1 Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn, Nhà máy sản xuất bao bì Đại Dương, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (tổng mức đầu tư 2.793 triệu USD), Khu bến container và khu hậu cần cảng (6.100 tỷ đồng), Bến cảng tổng hợp Long Sơn (2.300 tỷ đồng), Dây chuyền 1&2 Nhà máy xi măng Đại Dương (7.700 tỷ đồng); hệ thống cấp nước Khu kinh tế Nghi Sơn (1.119 tỷ đồng).

Nhà máy xi măng Long Sơn (thuộc Khu công nghiệp Bỉm Sơn) hiện đã triển khai xây dựng xong dây chuyền 3 với công suất thiết kế sản xuất đạt 10,5 triệu tấn/năm.

Quy mô nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa năm 2020 gấp 4,5 lần so với năm 2010, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là KKT Nghi Sơn. Ước tính, năm 2020, tỉ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm tới 49,3%, dịch vụ chiếm 31,5%, nông nghiệp chiếm 10%.

Từ khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, thu ngân sách của tỉnh tăng trưởng đột biến và khá bền vững, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 43,53 triệu đồng, gấp 4,3 lần năm 2010 và gấp 1,76 lần năm 2015.

Giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng GRDP bình quân của Thanh Hóa ước đạt 12,5%; đặc biệt, năm 2019, tăng trưởng GRDP đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 2 cả nước.

Từ năm 2016 đến nay, đã có 1.122 dự án đầu tư trực tiếp vào Thanh Hóa, với tổng vốn đăng ký 110.000 tỷ đồng và 3,85 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm 5 tỉnh, TP có huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa hiện đang đứng thứ 8 cả nước, với 129 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,2 tỷ USD.

So với thời điểm 11/2020, Thanh Hóa thu hút được 155 dự án đầu tư trực tiếp (13 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 28.900 tỷ đồng (tương đương 1,242 tỷ USD), tăng 2,6% so với cùng kỳ. Đến tháng 3/2021, Thanh Hóa đã thu hút được 159 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 14,53 tỷ USD. Hiện nay, Thanh Hóa đứng thứ 8 trên cả nước về thu hút dự án đầu tư nước ngoài.

Trong hai thập kỷ qua, Thanh Hóa đã chú trọng phát triển công nghiệp toàn địa bàn, trong đó, mạnh nhất là vùng đồng bằng và ven biển. Đến nay, tỉnh đã có 47 cụm, 16 khu, 5 dải và 2 trung tâm công nghiệp. Trong giai đoạn tiếp theo, đây vẫn sẽ là “xương sống” chính để phát triển kinh tế trong toàn tỉnh, góp phần sớm đưa địa phương này vươn tầm, trở thành một cực kinh tế mới trong tứ giác phía Bắc nói riêng và toàn quốc nói chung.

 

Nguyễn Sơn