Mất cát, phù sa : ĐBSCL dần tan rã

68

Phát triển thủy điện thượng nguồn cùng khai thác cát quá mức ở hạ lưu Mê Kông đang đe dọa ĐBSCL – một vùng châu thổ địa chất non trẻ vốn hình thành nhờ quá trình bồi tụ bùn cát từ thượng nguồn sông Mê Kông.

ĐBSCL hình thành thế nào?

ĐBSCL được xem là vùng đất trẻ về tuổi địa chất, hình thành cách đây 6.000 – 8.000 năm qua nhờ quá trình bồi tụ bùn cát từ thượng nguồn sông Mê Kông và quá trình biển rút. Trong tiếng Việt, thuật ngữ “phù sa” hay “bùn cát” là sự pha trộn cả bùn đất và cát sỏi di đáy (sa khoáng). Bùn và chất lơ lửng khác di chuyển nhanh theo thời gian tính bằng ngày, tháng hay mùa, nhưng các loại cát, sỏi thô di chuyển chậm theo các mùa lũ, có khi mất vài năm thậm chí hàng chục năm mới trôi xuống đến đồng bằng.

Mất cát, phù sa : ĐBSCL dần tan rã - ảnh 1
Ở vùng hạ lưu thấp của lưu vực Mekong, Cambodia và Việt Nam khác thác cát hằng năm rất lớn

NGUỒN DỮ LIỆU: BRAVARD J.P. AND M. GOICHOT (2012), ĐỒ HOẠ: LÊ ANH TUẤN

Khi ra đến biển cát và sỏi thô tiếp tục bị sóng biển đánh tụ lại tạo nên nên những giồng cát dọc theo đường bờ. Càng trôi về hạ nguồn, hạt sa khoáng sẽ càng nhỏ, xuống gần đến biển là những hạt cát mịn dần.

Xưa kia, thi thoảng, ở ĐBSCL, khi đào móng công trình hay đào nền nhà, người dân hay bắt gặp những hòn đá màu xanh hoặc đen hình tròn có kích thước khoảng nắm tay đến cỡ trái dừa. Người dân vẫn gọi là các “ông tà, ông địa”. Thực chất đó chính là các khoáng đá từ thượng nguồn sạt xuống dòng Mê Kông, trải qua nhiều trận lũ lớn, bị dòng nước đẩy đi, ma sát và bào mòn đến mất hết góc cạnh.

Khi phù sa thượng nguồn về tới đồng bằng, dòng chảy được mở rộng, tốc độ chảy cũng hiền hòa. Gặp thuỷ triều lên xuống, xô đẩy, phù sa lắng đọng rồi hình thành dần lớp trầm tích. Trầm tích bồi tụ hết lớp này tới lớp khác. Quá trình kiến tạo đồng bằng cứ thế diễn ra bền bỉ qua nhiều thế kỷ.

Nếu xem ĐBSCL là một cơ thể sống thì cát là khung xương, sông rạch là mạch máu; đất đai và thực vật là da thịt; các vùng đất ngập nước với nhịp dòng chảy ra vào như các cơ quan nuôi sống hệ sinh thái. Cuối cùng, nền văn minh sông nước chính là linh hồn của đồng bằng.

Từng xếp thứ 10 về tải lượng phù sa

Theo tài liệu công bố nghiên cứu của Milliman & Syvitski (1992) tải lượng phù sa của sông Mê Kông trước năm 1990 lên đến 160 triệu tấn/năm, xếp thứ 10 trên thế giới về tải lượng phù sa (Meade, 1996). Chính nhờ lượng phù sa này, từ hơn 7.000 năm trước, dòng hải lưu Biển Đông đã giúp đồng bằng mở rộng ra biển trung bình khoảng 30m/năm (Liu và cộng sự, 2017). Trong khoảng 3.000 năm gần đây, vùng cửa sông Mê Kông mở rộng với tốc độ khoảng 16 m/năm. Đặc biệt là mũi Cà Mau, mỗi năm rừng ngập mặn vươn ra biển khoảng 40 – 70 m/năm.

Tuy nhiên, hiện nay, diễn biến bồi đắp phù sa sông Mê Kông đang ngày tệ hại cùng với đó là sự gia tăng sạt lở bờ sông và ven biển. Nguyên nhân chính là khoảng 2 – 3 thập niên vừa qua, nhất là sau những 1990, sự phát triển bùng nổ hàng loạt công trình thuỷ điện ở thượng nguồn, bao gồm các công trình dòng chính ở Trung Quốc và dòng nhánh ở phía hạ lưu, chủ yếu ở Lào. Các đập thủy điện ngăn dòng, tạo nên các hồ chứa nước khổng lồ đã trở thành những cái bẫy phù sa.

Mất cát, phù sa : ĐBSCL dần tan rã - ảnh 2
Phù sa bồi đắp cho ĐBSCL ngày càng suy giảm trầm trọng

ĐÌNH TUYỂN

Kết quả giám sát do Ủy ban sông Mekong (MRC) công bố năm 2013 cho thấy tính từ năm 2003 đến sau 2009, tải trọng bùn cát trung bình tại trạm Chiang Saen (Thái Lan) giảm từ 10 – 60 triệu tấn (giảm 83%); tại Pakse (Lào) giảm từ 60-120 triệu tấn/năm (giảm 50%) và tại Kratie (Campuchia) giảm từ 90 – 160 triệu tấn/năm (giảm 43%).

Các chuyên gia của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên(WWF) (Jean-Paul và cộng sự, 2013) cảnh báo nếu tất cả kế hoạch xây dựng thuỷ điện trên dòng chính và dòng nhánh Mê Kông được thực hiện thì tổng lượng phù sa, bùn cát về ĐBSCL chỉ còn 20% so với trước.

Hệ lụy mất phù sa

Suy giảm phù sa ngày càng rõ ràng khi những năm gần đây người dân khu vực biên giới Thái – Lào và đôi khi ở Campuchia – Việt Nam chứng kiến nước sông Mê Kông chuyển từ màu nâu đỏ của phù sa sang màu xanh nước biển, nhất là vào mùa khô. Hệ lụy là “nước đói phù sa” khiến dòng chảy hung dữ hơn làm gia tăng sạt lở trên diện rộng. Hiện nay, mỗi năm vùng ven biển bị xâm thực và xói lở chừng 500 – 550 ha với trên 1.100 điểm sạt lở ở hầu hết các tỉnh, thành ĐBSCL.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng cát ngày càng nhiều, các mỏ cát dưới sông bị khai thác quá mức vượt qua khả năng bù đắp của lượng phù sa, cát ít ỏi từ sông Mê Kông. Cũng theo báo cáo của WWF năm 2013, các nước hạ lưu sông Mê Kông đã khai thác 35 triệu m3 cát trong hai năm 2011 – 2012, trong đó Campuchia khai thác chừng 21 triệu m3 cát, Việt Nam khai thác gần 8 triệu m3 cát, Thái Lan 4,5 triệu m3 cát và Lào khoảng 1,4 triệu m3 cát.

Mất cát, phù sa : ĐBSCL dần tan rã - ảnh 3
Trong khi phù sa, từ thượng nguồn bồi bắp cho ĐBSCL ngày càng giảm thì hoạt động khai thác cát ở khu vực này vẫn diễn ra rầm rộ

ĐÌNH TUYỂN

Hoạt động khai thác cát đã làm thay đổi dòng chảy, hạ thấp đáy sông và gây mất ổn định bờ khiến sạt lở gia tăng nhất là những đoạn sông có nhiều công trình nặng xây dựng sát bờ. Bên cạnh đó, tình trạng đắp đê bao để gia tăng diện tích làm lúa 3 vụ ở các tỉnh thượng nguồn cũng vô tình khiến dòng chảy mùa lũ thu hẹp, gia tăng lưu tốc ở lòng dẫn khiến rủi ro sạt lở càng cao. Riêng ởcác vùng ven biển ĐBSCL, diện tích rừng ngập mặn suy giảm cũng làm tăng thêm các rủi ro thiên tai, nước biển dâng, đặc biệt là mất đi khả năng giữ phù sa bồi tụ…. Trong bối cảnh đó, hoạt động khai thác nước ngầm quá mức lại khiến ĐBSCL lún sụt nhanh hơn. Riêng vùng Bán đảo Cà Mau hiện có trên 130.000 giếng khoan ngày đêm hút nước khiến nơi này lún sụt trung bình từ 1 – 3 cm/năm.

Bài toán nan giải

Trong bối cảnh phù sa, cát bồi đắp suy giảm mà nhu cầu về cát lại đang tăng lên mỗi ngày, hơn lúc nào hết, các địa phương ĐBSCL phải tự tìm cách thích ứng để tự cứu lấy tương lai của mình. Trước hết là cần phải tính đến những vật liệu thay thế cát cho dù chi phí cao hơn. Trong công nghệ vật liệu xây dựng, phải tính đến các giải pháp giảm khối lượng sử dụng cát và xi măng… Đặc biệt là không nên phê duyệt các dự án sân goft dùng cát san lấp khi mỗi sân goft 18 lỗ ước tính phải cần 1 triệu – 1,5 triệu m3 cát để san lấp. Song song đó, cần quản lý sông rạch cần chặt chẽ hơn, không bố trí khu định cư mới gần bờ sông, từng bước giải toả các công trình và nhà cửa ven sông để hạn chế sạt lở. Ngành thuỷ lợi cần nghiên cứu chỉnh trị sông để có những đề xuất xây dựng công trình ổn định lòng dẫn ở các vị trí xung yếu về kinh tế và dân cư…

Mất cát, phù sa : ĐBSCL dần tan rã - ảnh 4
Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã phải chi gần 12.000 tỉ đồng để phòng chống và khắc phục sạt lở

ĐÌNH TUYỂN

Hai năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 về phê duyệt “Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030”. Đề án với nhiều giải pháp như, rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Triển khai thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài, các công trình, phi công trình để phòng, chống sạt lở. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phòng, chống sạt lở…. Các giải pháp này tuy không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ sạt lở nhưng cốt yếu là phải giảm thiểu thiệt hại.

Tuy nhiên, có một cái hại còn lớn hơn nhiều so với sạt lở đó là mất đi phù sa, cát bồi đắp cho đồng bằng. Không có phù sa, cát không thể hình thành cũng như kiến tạo ổn định nên vùng châu thổ Cửu long. Hay nói cách khác, mất phù sa, cát, sạt lở sẽ khiến ĐBSCL bị thu hẹp dần diện tích mặt đất tự nhiên. Viễn cảnh về một quá trình đi ngược với bồi tụ là tan rã đồng bằng ngày một rõ ràng hơn.

Theo https://thanhnien.vn