Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam góp ý Quy hoạch điện VIII

24

 Dự thảo Tờ trình của Bộ Công thương và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (QHĐ VIII) được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và ngày 13/9, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã có văn bản đóng góp.

Một nhà máy điện gió ngoài khơi đang được xây dựng ở Trà Vinh.

Góp ý của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam nhận xét thẳng thắn: Bản thảo thể hiện “những bước lùi” khi tăng thêm khoảng 3.000MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030. Dự thảo có phần đi ngược lại quan điểm xuyên suốt được xác định trong Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng”.

VSEA cho rằng: Dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa nhìn nhận đúng mức về vai trò của nguồn năng lượng tái tạo vì thế chưa đưa ra các giải pháp hiệu quả để khai thác nguồn năng lượng có chi phí nhiên liệu không đồng này. Dự thảo vẫn đặt cược vào điện than trong vòng 10 năm chính của quy hoạch (2021-2030), và tiếp tục kéo dài sự phát triển này sang giai đoạn 2035-2045; đây là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi. Dự thảo không phản ánh được nguyện vọng của các bên liên quan bao gồm người dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học độc lập, đối tác phát triển.

Việc tập trung các nguồn điện truyền thống cho lưới điện hiện tại chỉ nhằm đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện mà làm mất đi cơ hội bắt nhịp và hòa nhập, tạo xung lực cho nền kinh tế năng lượng tiên tiến và phát triển xanh của quốc gia.

VSEA phân tích, phần đánh giá về hiện trạng phát triển nguồn điện toàn quốc của Tờ trình nêu “trong khi các nguồn năng lượng tái tạo có tổng công suất lắp đặt khoảng 17.369 MW (chiếm tỷ lệ 25% 4 công suất lắp đặt hệ thống) nhưng chỉ sản xuất sản lượng điện năng khoảng 4,63% tổng điện năng sản xuất toàn hệ thống”. Cách viết này có thể gây ra nhìn nhận tiêu cực về năng lượng tái tạo. Cần nhận định một cách công bằng rằng do hệ thống lưới không đáp ứng được nên nguồn năng lượng tái tạo phải tiết giảm công suất, dẫn tới sản lượng điện không được như khả năng phát.

Nhà máy điện mặt trời ở Tây Nguyên.

Việc từ chối tiếp nhận, để xuất dừng dự án hoặc chuyển đổi nhiên liệu của một loạt địa phương trong thời gian qua như Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh đã cho thấy rõ sự không ủng hộ điện than. Tuy nhiên, các dự án nhiệt điện ở Nghệ An và Hà Tĩnh hiện vẫn nằm trong dự thảo quy hoạch lần này.

Đối với khối doanh nghiệp, cơ chế ưu đãi đã giúp thị trường điện mặt trời ở Việt Nam phát triển bùng nổ từ con số 0 lên khoảng 17.000MW trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, với dự thảo như hiện tại thì ngành điện mặt trời ở Việt Nam vừa mới khởi sắc đã lập tức bị bóp nghẹt. Quy hoạch chỉ phát triển 2.000 MW điện mặt trời trong vòng 10 năm tới (tương ứng 200MW/năm) sẽ thu hẹp thị trường khiến hàng loạt doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trong lĩnh vực này chết yểu.

“Dự thảo hiện tại rõ ràng cho thấy Việt Nam vẫn tiếp tục xây dựng điện than mới cho tới tận 2035, trong khi nhiều quốc gia đang chuyển dịch nhanh sang phát thải ít các bon. Ví dụ như Indonesia dù là nước xuất khẩu than nhưng đã cam kết sau 2023 sẽ không xây dựng thêm nhà máy điện than mới”, góp ý của VSEA viết. Từ đó, VSEA đề xuất:

1/Quy hoạch điện VIII nên kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo, tránh bị những trở ngại của năng lượng tái tạo vừa qua cản trở định hướng này.

2/Những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400 MW) cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế.

3/Để tạo điều kiện khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, QHĐ VIII nên đưa giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường.

4/ Dự thảo QHĐ VIII cần tiếp tục làm rõ 2 vấn đề then chốt, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện là: (1) Bố trí nguồn vốn và định hướng cơ bản phân kỳ vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch (2) Lộ trình tiến tới “thị trường điện cạnh tranh” theo Nghị quyết 55-NQ/TW và lộ trình, tiến độ hoàn thiện lưới truyền tải điện quốc gia, vùng miền thực hiện Quy hoạch.

                                                                                                SÁU NGHỆ