Lắp cửa van cuối cùng ở hệ thống thủy lợi lớn nhất nước ta

1

 

 

Sáng 17/6/2021, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (Ban 10) và các nhà thầu đã lắp đặt cửa van thứ 11, cửa van cuối cùng ở cống Cái Lớn thuộc Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé lớn nhất nước ta, tại huyện An Biên và Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

 

Cửa van bằng thép rộng 40 m, cao 9 m, nặng 203 tấn; theo Ban 10, đây là loại cửa van có kích thước lớn ở Việt Nam. Cống Cái Lớn có 11 cửa van đều rộng 40 m nhưng cao khác nhau, có 8 cửa van cao 9 m, 2 cửa van cao 7,5 m, 1 cửa van cao 6 m. Sông Cái Lớn rộng khoảng 500 m, nước sâu chảy xiết, việc lắp đặt rất khó khăn. Ban 10 cho biết, nhà thầu đã phải tập dượt nhiều ngày để lắp cửa van đầu tiên vào ngày 14/3/2021, mất 7-8 giờ. Về sau có thêm kinh nghiệm, các cửa van được lắp đặt ngày càng nhanh hơn, cửa van cuối cùng chỉ mất hơn 3 giờ.

Đưa cửa van thứ 11 vào cống Cái Lớn

Trước đó, ngày 5/2/2021, cống Cái Bé trên sông Cái Bé cách cống Cái Lớn 1,9 km đã bắt đầu vận hành, nhanh hơn hợp đồng thi công một mùa khô, kịp kiểm soát mặn cho trên 20.000 ha đất nông nghiệp, giúp địa phương tiết kiệm chi phí đắp hơn 130 đập tạm ngăn mặn. Cống Cái Bé có 2 cửa van, mỗi cửa van rộng 35 m, cao 7,5 m.

Chuẩn bị lắp đặt cửa van vào cống

Cả hai cống đều có âu thuyền rộng 15 m, trên cống có cầu tải trọng HL93. Từ cống Cái Lớn chạy qua cống Cái Bé nối ra Quốc lộ 61 là con đường dài 5.742 m. Ngày 23/5/2021, hợp long cầu trên cống Cái Lớn, chính thức nối hai bờ con sông lớn nhất vùng và cũng thông suốt con đường chạy ra Quốc lộ 61.

Hệ thống còn có cống Xẻo Rô trên sông Xẻo Rô cách sông Cái Lớn khoảng 550 m, có âu thuyền rộng 31 m ở giữa và 2 khoang lấy nước rộng 5 m ở hai bên. Trên cống có cầu giao thông rộng 10 m.

Chỉ huy trưởng công trường xây dựng Phan Văn Quân cho biết, cống Cái Lớn có đặc tính kỹ thuật phức tạp, thi công rất khó khăn. Ban đầu tính toán sơ bộ thi công Hệ thống phải mất 36 tháng, ký hợp đồng tháng 10/2019 đặt mục tiêu phấn đấu trong 25 tháng. Kết quả đến nay, sau khi lắp đặt 11 cửa van cống Cái Lớn thành công, khẩn trương hoàn thành các phần việc liên quan, sẽ vận hàng cống trong tháng 6 này và hoàn thiện toàn bộ công trình vào tháng 9/2021. “Hai năm qua gặp đại dịch COVID-19, lúc cao điểm trên công trường có 600-700 người, nội bất xuất ngoại bất nhập, thi công cả ngày lẫn đêm, các nhà thầu thi đua đẩy nhanh tiến độ không ngừng đã đưa đến kết quả hôm nay”, anh Quân nói. Chỉ huy trưởng Quân ở Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam 18EC từng thi công nhiều công trình tại ĐBSCL nhưng đến công trình này, anh ít về thăm quê là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cũng vì thường xuyên bám công trường.

Phó giám đốc Ban 10 Hà Đức Hạnh xác nhận, các nhà thầu bố trí nhân lực và phương tiện trải dài trên mặt con sông rộng hơn 500 m, thi đua nhau làm không nghỉ. Đại diện Công ty Cổ phần Lilama 10 vui vẻ nói thêm: “Cũng nhờ Ban 10 thường xuyên lo vốn kịp thời, đầy đủ”.

Cống Cái Lớn đã lắp đặt xong 11 cửa van

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé là công trình thủy lợi lớn nhất nước ta về quy mô, khẩu độ thông nước tính đến thời điểm hiện nay, do người Việt Nam thiết kế, thi công và quản lý. Tổng mức đầu tư 3.309,5 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị 2.683,4 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng 211,7 tỷ đồng.

Hợp long cầu trên cống Cái Lớn ngày 23/5/2021, từ trái qua, Chỉ huy trưởng công trường xây dựng Phan Văn Quân, Phó giám đốc Ban 10 Hà Đức Hạnh, Giám đốc Ban 10 Lê Hồng Linh, Chỉ huy phó công trường xây dựng Hoàng Đình Đệ

Sau khi hoàn thành, hệ thống hỗ trợ kiểm soát nguồn nước mặn, lợ, ngọt tạo điều kiện sản xuất ổn định các mô hình theo hệ sinh thái ngọt, mặn – lợ, ngọt – lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản 346.241 ha. Bên cạnh kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

                                                                                                SÁU NGHỆ