Lần đầu tiên cả nước vượt mục tiêu tinh giản biên chế

42

 

Năm 2021 là lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế mà Bộ Chính trị đề ra. Cụ thể, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%.

Sáng 12/1, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, với phương châm hành động “Kỷ cương, gương mẫu, đoàn kết, tinh thông, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành Nội vụ đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong năm 2021.

 

 

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Điểm nổi bật là bộ đã tham mưu và phối hợp chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả mà trọng tâm là rà soát, sắp xếp các tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn, UBND cấp tỉnh, cấp huyện; tiếp tục cơ cấu, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, bộ đã tập trung xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện một cách khẩn trương, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên lĩnh vực ngành…

Qua đó, năm 2021 toàn ngành Nội vụ đã thực hiện tinh gọn đầu mối, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2017 – 2021 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ.

Thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số

Ngoài ra, bộ còn chú trọng cải cách chế độ công vụ, công chức như tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới thực chất quản lý công chức, viên chức, đề xuất cắt giảm chứng chỉ trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; thẩm định, tham mưu chặt chẽ, đúng quy định công tác cán bộ thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Bộ tích cực đồng hành với các địa phương thực hiện và hoàn thành mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021; đồng thời phối hợp tổ chức thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM; tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm nâng cấp, thành lập, điều chỉnh đô thị địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bên cạnh đó, bộ chủ động tham mưu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính từ Trung ương đến địa phương được cải thiện rõ rệt gắn với đẩy mạnh Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính nhà nước.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã chủ động, quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần thay đổi nhận thức và phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ và toàn ngành.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Bộ trưởng Nội vụ cũng thẳng thắn nhận thấy còn nhiều tồn tại, khó khăn vướng mắc trên thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương.

Vì vậy, tại hội nghị này Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ một số nội dung trọng tâm. Trong đó, phân tích, đánh giá làm sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những kết quả đạt được trên từng lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Nội vụ năm 2021, thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, rút ra bài học và nguyên nhân để có giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cùng với đó đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt chương trình công tác năm 2022 của ngành Nội vụ nhằm thể chế hoá toàn diện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đối với ngành Nội vụ.

Theo báo cáo Bộ Nội vụ, năm 2021 là lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra. Cụ thể, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015. Tổng số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã) hiện nay là 247.722 biên chế.
Hiện cả nước có có 1.173 sở, giảm 7 tổ chức; tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở có 8.122, giảm 1.648 tổ chức (giảm 1.440 phòng thuộc sở, giảm 208 chi cục thuộc sở); cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 8.490 phòng, giảm 451 phòng; số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015.
Bộ Nội vụ đã chủ động, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương để bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp theo yêu cầu của Quốc hội.
Đáng chú ý là bộ đã tham mưu, đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ
Về cải cách hành chính, 100% các cơ quan hành chính đã tiếp nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử và áp dụng đồng bộ công cụ theo dõi, đánh giá mới phục vụ kịp thời công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành các cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Theo VietNamNet