Kinh tế tuần hoàn thời 5.0

31

 

Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Để hình thành nền kinh tế tuần hoàn cần sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp và cả các nhà quản lý, của chính sách.

Nuôi tôm thâm canh có hệ thống xử lý nước để hạn chế tác động vào môi trường đang phát triển ở nước ta

 

Mục tiêu tổng quát tổng quát của Đề án: “Phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”.

Mục tiêu cụ thể của Đề án: “Góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế. Đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn; bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu. Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn; trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, và trong tăng cường tỷ lệ che phủ rừng”.

Trước đó, vào ngày 2/6/2022, Đại sứ quán Hà Lan và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố chương trình tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp Việt Nam. Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman nói: “Việc chuyển đổi hướng tới nền kinh tế tuần hoàn là cách duy nhất để làm cho các nền kinh tế, xã hội và hành tinh của chúng ta trở nên xanh hơn. Thông qua chương trình tăng cường năng lực mà chúng tôi công bố hôm nay, mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam được trang bị kiến thức và chuyên môn thực tế để phát triển mô hình kinh doanh tuần hoàn của riêng mình”.

Nước ta chú trọng khuyến khích kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh tiến vào thời 5.0 có ý nghĩa đặc biệt. Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho biết, 4.0 sử dụng trí thông minh nhân tạo, thiết bị kết nối dữ liệu lớn trong sản xuất, có đặc điểm phụ thuộc công nghệ; còn 5.0 tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc, trí thông minh của con người hoạt động hài hòa với điện toán nhận thức, từ đó nâng cao kỹ năng lao động, có thể cá nhân hóa sản phẩm để tăng giá trị.

Nền kinh tế tuyến tính dựa trên các nguyên tắc “khai thác, sử dụng và thải bỏ”, đã cho thấy rõ mối đe dọa đối với sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Còn nền kinh tế tuần hoàn giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, hạn chế chất thải ra môi trường, và thúc đẩy phát triển kinh tế. Nền kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích bền vững hơn cho các quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp.

Thủy sản nước ta thấy rõ hình ảnh nền kinh tế tuần hoàn ở sự phát triển công nghệ sinh học, vi sinh để làm ra các sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, thân thiện và bảo vệ môi trường. Hoạt động đó đòi hỏi sự hợp tác, liên kết rộng lớn để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả cộng đồng.

Ngành thủy sản thế giới, đáng chú ý, từ ngày 13 – 15/6/2022, tại Stavanger, Na Uy, các nhà lãnh đạo ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu của Skretting sẽ gặp nhau trong Hội nghị kinh doanh nuôi trồng thủy sản hàng đầu thế giới (AquaVision), để truyền cảm hứng và có cái nhìn sâu sắc về tương lai thực phẩm xanh, bền vững. Mục đích của AquaVision 2022, hướng tới hệ thống thực phẩm nuôi sống dân số thế giới 10 tỷ người vào năm 2050 một cách bền vững. Bởi lẽ, nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng dân số toàn cầu khi thị trường đòi hỏi các sản phẩm truy xuất nguồn gốc đầy đủ. AquaVision 2022 tập trung sự chú trọng vào việc giảm tác động môi trường và tăng tác động xã hội tích cực, phù hợp với các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc.

                                                                                                                     SÁU NGHỆ