Khủng hoảng dầu khí có xảy ra nếu phương Tây trừng phạt Nga?

42

Các tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới có nguy cơ gián đoạn hoạt động kinh doanh một khi phương Tây áp dụng những biện pháp trừng phạt “chưa từng có” nhằm vào Moscow.

Hôm 22/2, chính phủ Đức dừng quá trình cấp phép đường ống dẫn khí Nord Stream 2 sau khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định đưa quân sang Ukraine, AP đưa tin.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho biết nước này sẽ “không vũ khí hóa việc xuất khẩu năng lượng” và tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu. Ông khẳng định các công ty Nga sẽ tiếp tục hợp đồng khí đốt “cho tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế”.

Giá dầu thế giới cũng tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua, sau quyết định của Tổng thống Vladimir Putin hôm 21/2, theo Reuters. Các chuyên gia cho rằng giá nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới, trước các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây.

Trước cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chính quyền Biden từng nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt sẽ không trực tiếp làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga tới châu Âu để tránh đẩy giá năng lượng tăng cao.

Thay vào đó, Mỹ sẽ nhắm vào lĩnh vực tài chính của Nga và các thân tín của Tổng thống Putin.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt mới vẫn có thể ảnh hưởng đến các tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới như BP, Shell và ExxonMobil, khi tất cả đều có mối quan hệ và hoạt động kinh doanh quan trọng tại Nga, theo Financial Times.

“Các biện pháp trừng phạt mở rộng sẽ thực sự là vấn đề đối với ngành năng lượng, ngay cả khi không nhắm trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu”, bà Livia Paggi, người đứng đầu bộ phận tư vấn rủi ro chính trị tại công ty GPW, cho biết.

Và điều đó có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng nhiên liệu trên toàn cầu.

Các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng đến ngành năng lượng, ngay cả khi không nhắm trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu. Ảnh: Bloomberg.

“Không hoàn toàn an toàn”

Các tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới hầu hết đều có liên quan đến Rosneft – nhà sản xuất dầu do chính phủ Nga hậu thuẫn.

Tập đoàn BP sở hữu gần 1/5 cổ phần của Rosneft. Trong khi đó, Exxon đã hoạt động ở Nga được 25 năm và có mối quan hệ hợp tác với hai chi nhánh của Rosneft.

Cả Trafigura và Vitol đều có cổ phần trong một dự án khai thác dầu khí ở Bắc Cực do tập đoàn Rosneft điều hành, và là những công ty lớn buôn bán nhiên liệu của Nga.

Rosneft phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Nhà sản xuất năng lượng này bị chặn quyền tiếp cận với một số khoản vay, cũng như quyền tiếp cận công nghệ và nhân sự từ phương Tây.

Giám đốc điều hành của Rosneft Igor Sechin cũng phải chịu lệnh trừng phạt cá nhân, nhằm ngăn cản các công dân hoặc tổ chức Mỹ giao dịch với ông.

Các tập đoàn dầu khí phương Tây không chịu ảnh hưởng lớn từ lệnh trừng phạt nói trên. Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt mới có thể lật ngược tình thế.

Các lệnh trừng phạt mới sẽ “không ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung hiện tại, nhưng gửi đi một thông điệp rằng ngành năng lượng sẽ không hoàn toàn an toàn”, ông Brian O’Toole, một cựu chuyên gia tại Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết.

Nguy cơ khủng hoảng

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất sẽ nhắm vào các tổ chức tài chính lớn nhất của Nga.

Một số biện pháp trừng phạt đang được xem xét có thể trở thành thách thức lớn với các công ty dầu mỏ quốc tế. Ảnh: Sputnik.

Một số biện pháp trừng phạt đang được xem xét có thể trở thành thách thức lớn với các công ty dầu mỏ quốc tế. Ảnh: Sputnik.

Theo ông O’Toole, các biện pháp như loại Nga khỏi mạng thanh toán quốc tế SWIFT sẽ gây khó khăn cho hoạt động của các tập đoàn như BP hay Shell.

Hiện nay, châu Âu nhận gần 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu từ Nga, theo Guardian.

Trong khi đó, nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên đang ở mức thấp sau khi Tổng thống Putin giảm nguồn cung để đạt được lợi thế chính trị, theo cáo buộc từ các nhà lãnh đạo châu Âu.

“Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc làm tổn thương Nga một cách đau đớn và toàn diện cũng có khả năng gây thiệt hại lớn cho các khách hàng châu Âu”, ông Adam Tooze, Giám đốc Viện châu Âu tại Đại học Columbia (Mỹ), cho biết.

Một số biện pháp trừng phạt mà phương Tây có thể ban hành đang được cho là có thể trở thành “thách thức” lớn với các công ty dầu khí quốc tế, bà Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại ngân hàng RBC Capital Markets, cho biết.

“Những biện pháp này rõ ràng không nằm ở đầu danh sách thực hiện, nhưng có thể được đưa vào vòng thứ hai hoặc thứ ba của các biện pháp trừng phạt”, bà nói.

Theo Zingnew

  • Hải Linh