Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ

6

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận số 311/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ.

Thủ tướng chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng khai thác lợi thế, đa dạng và nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, sức cạnh tranh, phát triển các chuỗi và chuỗi liên kết; tập trung, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.

Cơ cấu lại ngành công nghiệp để thực sự trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển; hình thành các khu công nghiệp hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp điện tử, cơ khí, chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản, thực phẩm… giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Phú Thọ phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị. Triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn với xây dựng nông thôn mới; quản lý chặt chẽ và nâng cao sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, thương mại thế mạnh như du lịch, vận tải, logistics đi đôi tăng cường các dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ  thông tin. Phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc trưng gắn với văn hóa vùng Đất Tổ, lợi thế thiên nhiên, con người và sản vật địa phương.

Tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực cho đầu tư, phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư). Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện công tác quy hoạch với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.

Phát triển hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh trong vùng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Phú Thọ chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; trong đó tỉnh Phú Thọ cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh Tuyên Quang và các bộ, cơ quan liên quan trong việc triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Phú Thọ – Tuyên Quang kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Để phát huy hiệu quả đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án (phấn đấu hoàn thành chậm nhất vào tháng 9 năm 2023), Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng: đầu tư hoàn chỉnh quy mô 04 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h; giao UBND tỉnh Phú Thọ làm chủ quản đầu tư đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ, UBND tỉnh Tuyên Quang làm chủ quản đầu tư đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn bổ sung từ ngân sách trung ương để thực hiện dự án.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư để sớm khởi công xây dựng cầu Đuống mới (nâng tĩnh không, tạo luồng vận tải thủy an toàn) để tăng tải trọng của tuyến vận tải thủy theo hành lang đường thủy số 1 kết nối tỉnh Phú Thọ cũng như các tỉnh vùng Tây Bắc đến cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.

Bảo tồn, phát huy giá trị 2 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Phú Thọ cần chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị 02 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận (Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ); các di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc và con người Phú Thọ. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế trong xã hội.

Chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh của tỉnh.

Thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng phát triển chính quyền số, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến; tiếp tục cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh để thu hút các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại./.

 

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ