Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 99/TB-VPCP ngày 5/4/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.
Kiên Giang có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, có truyền thống yêu nước, kiên cường, anh dũng, tinh thần tương thân, tương ái và mến khách, có đầy đủ yếu tố để trở thành Tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu phát triển kinh tế của cả nước. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng thiên tai và dịch bệnh COVID-19 nhưng kinh tế của tỉnh vẫn thuộc nhóm 6 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng dương. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 11 nghìn tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 47 nghìn tỷ đồng, tăng 1,71% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 34,49%. Trong hai tháng đầu năm 2022, kinh tế – xã hội tiếp tục khởi sắc, Tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt thí điểm mở cửa du lịch, lượng khách du lịch đạt hơn 1 triệu lượt tăng 4,22%, trong đó, khách quốc tế là gần 19.000 lượt, chiếm 37,9% cả nước, tạo tiền đề mở cửa du lịch quốc tế trong toàn quốc.
Kiên Giang có tiềm năng lớn nhưng phát triển chưa tương xứng, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) xếp trong nhóm thấp. An ninh, trật tự tiềm ẩn diễn biến phức tạp; tình trạng chống người thi hành công vụ, xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm ma túy, buôn lậu trên tuyến biên giới còn xảy ra; tình trạng tàu cá của ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép tuy đã giảm nhưng chưa chấm dứt triệt để.
Phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch quốc tế
Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian tới.
Theo đó, Kiên Giang cần quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, chủ trương, đường lối, chính sách trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; văn bản chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội lực; khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại. Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định về mục tiêu nhưng phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Tiếp tục hành động quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, sáng tạo hơn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025.
Kiểm soát thật tốt và thực hiện hiệu quả phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo nền tảng phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong Quý III năm 2022, lưu ý trong Quy hoạch tỉnh phải thực hiện 4 tốt (quy hoạch tốt thì có dự án tốt, dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư tốt thì có sản phẩm tốt), xác định rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để có giải pháp phù hợp thúc đẩy phát triển.
Quy hoạch nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện chuyển đổi số; quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, xây dựng thương hiệu các sản phẩm; kiểm soát và chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp để khắc phục thẻ vàng IUU.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, lợi thế không gian biển để đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiếp tục liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng vùng biển, ven biển.
Tổng kết, đánh giá mô hình phát triển Phú Quốc để nhân rộng, phát huy những kinh nghiệm tốt, bài học hay, đặc biệt phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch quốc tế; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển các cụm đảo Nam Du, Bà Lụa, Tiên Hải để phát triển du lịch và dịch vụ có giá trị. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương sớm trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Phú Quốc” để thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực thực sự, tạo điều kiện cho Phú Quốc phát triển trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của cả nước, khu vực Đông Nam Á và Quốc tế…
Đồng ý về chủ trương điều chuyển đoạn tuyến Quốc lộ 80 cho tỉnh Kiên Giang quản lý, khai thác
Đối với một số kiến nghị của Tỉnh, Thông báo nêu rõ:
Về chủ trương điều chuyển đoạn tuyến Quốc lộ 80 cho tỉnh Kiên Giang quản lý, khai thác; sử dụng ngân sách địa phương cải tạo, nâng cấp mặt đường và đầu tư các hạng mục cần thiết khác: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Tỉnh xác định cụ thể phạm vi đoạn tuyến bàn giao cho tỉnh Kiên Giang quản lý, khai thác. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, giao Bộ Tài chính xem xét, quyết định việc điều chuyển tài sản về địa phương theo đúng quy định pháp luật.
Trong thời gian chờ điều chuyển tài sản, đồng ý về nguyên tắc giao Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang thực hiện cải tạo, đầu tư các hạng mục cần thiết theo dự án đã được phê duyệt bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Tỉnh đảm bảo việc đầu tư phù hợp với quy hoạch và các quy định hiện hành.
Về đầu tư cầu Đông Hồ, thành phố Hà Tiên: Đồng ý về nguyên tắc ngân sách trung ương hỗ trợ 50%, phần còn lại ngân sách địa phương bố trí để hoàn thành dự án sớm đi vào sử dụng; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất nguồn vốn hỗ trợ Tỉnh trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Địa phương có thể sử dụng các nguồn hợp pháp khác để tổ chức triển khai theo quy định.
Về mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang nghiên cứu các hình thức đầu tư phù hợp để đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (ưu tiên đầu tư theo hình thức đối tác công tư), nâng tổng công suất đến năm 2030 lên 10 triệu hành khách/năm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, phù hợp với các quy định hiện hành.
Về quy hoạch, đầu tư, mở rộng sân bay Rạch Giá: Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để hoàn chỉnh các quy hoạch theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.