Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

22

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 232/TB-VPCP ngày 5/8/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo Thông báo, Ban chỉ đạo đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian ngắn đã kịp thời hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan; bảo đảm tính kế thừa, phát triển, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao để địa phương chủ động trong việc phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với thực tế; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Ban chỉ đạo; rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật, bám sát chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận của Ban cán sự đảng Chính phủ (Thông báo số 952-TB/BCSĐCP ngày 20/7/2022).

Phó Thủ tướng lưu ý, về chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm: Dự thảo Luật quy định về “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm” được chuyển nhượng, thế chấp là phù hợp tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW về thương mại hóa quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cần có đánh giá tác động, rà soát chặt chẽ các điều kiện thực hiện để vừa tạo hành lang pháp lý cho các giao dịch trên thị trường, nhưng cũng tránh bị lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Về tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài: Việc quy định điều kiện tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài trong dự thảo Luật là cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cụ thể hóa trong các quy định liên quan như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, nhận quyền sử dụng đất… trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các nước để quy định phù hợp với thực tiễn của nước ta. Đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an nghiên cứu thêm về nội dung này để góp ý vào dự thảo Luật bảo đảm chặt chẽ, khả thi.

Về thành lập quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thuộc đối tượng hạn chế khả năng lao động: Nội dung này liên quan đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và tổ chức bộ máy tại địa phương, vì vậy cần tiếp tục cân nhắc theo hướng chỉ quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ trong luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về các chính sách hỗ trợ cụ thể trên nguyên tắc không quy định về tổ chức bộ máy trong luật.

Về bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp phải dành một tỷ lệ diện tích đất để Nhà nước thực hiện các chính sách về đất đai: Dự thảo Luật quy định chủ đầu tư phải dành quỹ đất để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường thuê đất là cần thiết (chủ đầu tư không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và được hoàn trả chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng đối với diện tích đó). Tuy nhiên, nên giao quyền chủ động cho địa phương để xác định quỹ đất này phù hợp với thực tế, đồng thời cần nghiên cứu cơ chế bảo đảm các doanh nghiệp được tiếp cận công khai, công bằng, tránh “xin – cho”.

Về việc mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp: Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Quy định này phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW và bối cảnh hiện nay, đồng thời giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức cụ thể để phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Dự thảo Luật quy định không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (Luật Đất đai hiện hành quy định các đối tượng này không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa) là phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là một nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định này vì nguy cơ người nông dân sẽ không có đất để sản xuất, gây hệ quả lâu dài cho xã hội.

Về cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại: Nội dung này đã được nêu trong Nghị quyết 18-NQ/TW. Tuy nhiên, tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 18-NQ/TW là chủ yếu thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng cần phải đánh giá thêm tác động đối với nội dung này.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng; tổ chức các hội thảo, bổ sung nội dung xin ý kiến (đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, thu hồi, bồi thường,…) theo 2 phương án để lấy ý kiến rộng rãi; xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm tiến độ trình Quốc hội. Bổ sung đại diện Bộ Tư pháp làm Phó Trưởng ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Các Bộ, cơ quan khẩn trương nghiên cứu dự thảo Luật, gửi ý kiến về Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn thiện dự án Luật.

Bộ Tư pháp chủ động, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thẩm định dự án Luật bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Chính phủ.