Kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp thứ ba ngày 03/2/2023

25

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 55/TB-VPCP kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) tại Phiên họp thứ ba ngày 03/2/2023.

Năm 2022 công tác cải cách, hoàn thiện thể chế có nhiều đổi mới

Về những kết quả đã đạt được trong năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính: đã đề ra gần 1.100 nhiệm vụ, phân công rõ trách nhiệm, thời gian triển khai; ban hành 342 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt.

Công tác cải cách, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, xuất phát từ thực tế, lấy thực tế làm thước đo. Chính phủ đã tổ chức 09 phiên họp chuyên đề về xây dựng chính sách, pháp luật; đã trình Quốc hội thông qua 39 đề nghị xây dựng luật, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh; đã trình Quốc hội thông qua 12 luật, ý kiến 08 luật; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền 1.892 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó có rất nhiều quy định liên quan đến TTHC, cải cách hành chính; nhất là trong tháng 01 vừa qua đã tổ chức 01 phiên họp chuyên đề pháp luật, ban hành các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, 03/NQ-CP ngày 06/1/2023…

Công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành, phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường, đôn đốc. Trong năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 12.000 văn bản QPPL, rà soát hơn 27.800 văn bản và kiến nghị xử lý hơn 5.700 văn bản.

Năm 2022 cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh

Công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2022, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án phân cấp 699 TTHC/100 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ; cả nước đã thành lập 11.700 Bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56/63 địa phương tổ chức theo mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và đưa vào vận hành cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; gần 4.400/6.502 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến (đạt trên 67%); hơn 164 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến; cơ bản hoàn thành tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 (Đề án 06) lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm vừa qua, ở Trung ương đã thực hiện việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các bộ, ngành; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm cấp trung gian; cơ bản hoàn thành việc ban hành Nghị định về các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (đến nay, đã ban hành 24 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan; dự kiến cắt giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, 8 cục (thuộc tổng cục và thuộc bộ), 145 vụ và tương đương, 22 đơn vị sự nghiệp công lập). Ở địa phương, theo số liệu của Bộ Nội vụ, năm 2022, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành 03 nghị định và đang xem xét để ban hành 03 nghị định quy định các nội dung liên quan đến chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các bộ, ngành, địa phương đã tuyển dụng thêm nhiều công chức, viên chức mới và thực hiện cải cách thi tuyển với kết quả tích cực. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã được khai trương, đi vào hoạt động, dự kiến quản lý gần 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử.

Chuyển đổi số quốc gia được triển khai một cách mạnh mẽ, thực chất, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trở thành điểm sáng trong năm vừa qua: Đề án 06 với nhiều tiện ích, đặc biệt là việc quản lý công dân thông qua căn cước gắn chíp điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Đến nay, đã cấp gần 78 triệu căn cước công dân gắp chíp điện tử, đã kết nối dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư với 13 bộ, ngành, 04 doanh nghiệp và 57 địa phương. Các Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành tiếp tục được triển khai, phát huy hiệu quả: Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đã xử lý gần 1.500 Phiếu lấy ý kiến giúp thay thế hơn 524 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy. Trục liên thông văn bản quốc gia có khoảng 18 triệu văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục:

Thứ nhất là, một số mục tiêu về cải cách hành chính chưa đạt được, như mục tiêu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Thứ hai là, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để; nhân lực, kinh phí, điều kiện bảo đảm cho công tác pháp chế còn hạn hẹp; công tác rà soát văn bản QPPL, xử lý kết quả sau rà soát chưa được chú trọng; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa cao; cơ chế quản lý hồ sơ, giấy tờ, dữ liệu cũng còn nhiều sơ hở, bất cập khiến lộ lọt bí mật; tổ chức bộ máy ở một số bộ, cơ quan, đơn vị còn cồng kềnh chồng chéo.

Thứ ba là, việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn tình trạng chậm trễ, phiền hà, tham nhũng vặt. Việc cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại một số bộ, ngành chưa đáp ứng chỉ tiêu yêu cầu…

Những tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, như: do nhận thức của những người làm công tác cải cách hành chính còn chưa đúng tầm, khiến hành động chưa tương xứng nên kết quả còn chậm so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn người dân; quá trình thực hiện thiếu linh hoạt, sáng tạo, có nơi, có lúc lúng túng trong chỉ đạo, điều hành xử lý công việc. Một số cá nhân người đứng đầu có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chặt chẽ. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi còn hạn chế. Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số ở một số địa phương, bộ, ngành còn chậm, dẫn đến lạc hậu, đi sau, cản trở phát triển.

Bài học kinh nghiệm là: (1) phải có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của người đứng đầu; (2) phải có đầu tư về cơ sở vật chất, con người, phương tiện trong công tác cải cách chính nhiều hơn; (3) cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị với nhau.

Cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ, thông suốt

Ban Chỉ đạo đặt ra yêu cầu cho các bộ, ngành, địa phương là phải thực hiện tốt công tác cải cách hành chính giúp: (1) tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; (2) giảm thời gian, công sức cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình; (3) góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tham nhũng vặt; (4) giảm chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh; (5) làm môi trường, hệ sinh thái hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Thông báo nêu rõ, Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các đột phá chiến lược theo chủ trương, đường lối của Đảng, gồm các đột phá về thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó có công tác cải cách hành chính.

Các bộ, ngành, địa phương phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, hiệu quả.

Tăng cường kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa trước và sau, hiện tại, quá khứ; phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận hội, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023 theo phương châm hành động của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.

Cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ, thông suốt, quyết tâm hành động từ Trung ương xuống địa phương theo tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” hoặc “dưới nóng, trên lạnh”. Cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, đi đầu trong cải cách.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính. Phát huy hơn nữa tinh thần chủ động linh hoạt, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có trọng tâm trọng điểm, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm TTHC, nhất là TTHC trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước, quy định kinh doanh, giảm thời gian, chi phí hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm phục vụ.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát, ban hành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính trên cơ sở bám sát các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, pháp luật của nhà nước; chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện tại các đơn vị, địa phương; khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ nợ đọng của năm 2022; thực hiện kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của địa phương, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là Trưởng ban.

Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ cải cách TTHC được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: (1) Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025; (2) Đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ; (3) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL để thực thi phương án phân cấp các TTHC; (4) Rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước; (5) Đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; (6) Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh tại các luật chuyên ngành, bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể; (7) Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử được giao.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chú trọng công tác “hậu kiểm” văn bản QPPL, công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo các Đề án đã được phê duyệt. Thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường nguồn nhân lực và kinh phí cho công tác tư pháp. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ

Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện theo Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Kết luận số 28-KL/TW ngày 21 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị. Các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoàn thành việc hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành, vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành của viên chức.

Tiếp tục hoàn thiện, kết nối các CSDLQG, các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Tập trung xây dựng, phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương mình. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc thanh toán không dùng tiền mặt các lĩnh vực thuế, phí, ngân hàng… Đẩy mạnh thực hiện “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.

Bộ Tư pháp hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng văn bản QPPL và hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Nghiên cứu tăng cường cơ chế chính sách, điều kiện làm việc cho những người làm công tác thể chế.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng Chiến lược cải cách hành chính của Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn đến 2050; nghiên cứu các giải pháp triển khai vị trí việc làm trong hệ thống cơ quan hành pháp; khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và chính sách liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, hoàn thành trong tháng 4 năm 2023; phát triển, hoàn thiện CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức, kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về dân cư và Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trong Quý II năm 2023.

Cong TTĐTCP