Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương năm 2023

23

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương ký Quyết định 15/QĐ-HĐPH phê duyệt Kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2023.

Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật, nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (Hội đồng) và từng thành viên Hội đồng trong chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác PBGDPL theo phương châm hướng về cơ sở, góp phần xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tập trung PBGDPL liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản

Một trong những nội dung hoạt động trong Kế hoạch là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hoạt động của Hội đồng các cấp năm 2023 và triển khai công tác PBGDPL trên cả nước. Tập trung PBGDPL liên quan đến các vấn đề về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, kinh tế tập thể, an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; phổ biến các quy định pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó chú trọng phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý tại các vùng nông thôn trong cả nước; chính sách, pháp luật, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2022 và năm 2023.

Bên cạnh đó tập trung PBGDPL các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; liên quan đến quyền, nghĩa vụ và hoạt động của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; liên quan đến công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phòng, chống tội phạm; dịch bệnh, thiên tai; các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển thanh niên, pháp luật về trợ giúp pháp lý, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới…; hội nhập quốc tế; các điều ước quốc tế, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội

Nội dung hoạt động khác trong Kế hoạch là chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội gắn với việc thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” theo Quyết định số 407/QĐ-TTg.

Cụ thể, Quý I – II năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Đề án.

Thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì soạn thảo dự thảo Luật chủ trì tổ chức truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, trọng tâm là các dự thảo luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện chỉ đạo điểm truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng và tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Xây dựng và ban hành khung tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp chỉ đạo điểm thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (phê duyệt kèm theo Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ); chỉ đạo việc xây dựng và ban hành khung tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; tổ chức thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL tại các bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi thí điểm của Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” (phê duyệt kèm theo Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, trong đó, chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV; chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, chú trọng tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở (Có Kế hoạch riêng).

Tổ chức các Đoàn kiểm tra tại các bộ, cơ quan, tổ chức, địa phương

Kế hoạch nêu rõ, tổ chức các Đoàn kiểm tra của Hội đồng năm 2023 tại các bộ, cơ quan, tổ chức, địa phương.

Nội dung kiểm tra gồm: Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; Kết luận số 80-KL/TW; Quyết định số 1521/QĐ-TTg; Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng, trong đó tập trung một số nội dung sau đây: Tình hình hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương; thực trạng công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường; tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; nguồn nhân lực và kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL; việc thực hiện chính sách huy động nguồn lực xã hội tham gia hoạt động PBGDPL.

Bên cạnh đó là các nội dung kiểm tra: Tình hình triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án về PBGDPL, trọng tâm là Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”; phát hiện những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương người tốt, việc tốt trong công tác PBGDPL; xác định tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong công tác PBGDPL và công tác của Hội đồng; đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL và hoạt động của Hội đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các thành viên Hội đồng phân công các Đoàn kiểm tra phù hợp với thực tế. Tùy tình hình thực tế, Trưởng Đoàn kiểm tra quyết định cụ thể về nội dung, cách thức kiểm tra (trực tiếp, trực tuyến hoặc báo cáo), thời gian, địa điểm kiểm tra./.

Cong TTĐTCP