Hướng phát triển nào cho ‘thành phố tương lai’ Củ Chi?

28

Cùng thống nhất rằng huyện Củ Chi cần lên thành phố thay vì quận nhưng các chuyên gia có ý kiến khác nhau về mô hình phát triển cho đô thị tương lai này.

Đưa Củ Chi thành thành phố trực thuộc TP.HCM là mục tiêu của chính quyền huyện này và cũng là kỳ vọng của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp. Thế nhưng, việc lựa chọn mô hình phát triển nào cho cửa ngõ tây bắc TP.HCM vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, việc phát triển “đất thép thành đồng” Củ Chi thành một đô thị mới phải song song với bảo tồn giá trị văn hóa sẵn có. Lựa chọn mô hình bền vững cho cửa ngõ tây bắc của TP.HCM là rất cần thiết để định hướng và quản lý quá trình hình thành đô thị mới, tránh phát triển tự phát, lãng phí nguồn lực.

Nhiều ý kiến cho rằng nơi đây nên phát triển đô thị sinh thái theo hướng nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, không ít quan điểm đề xuất Củ Chi nên trở thành trung tâm logistics hoặc trung tâm tài chính sinh thái của TP.HCM.

Giữ làng trong phố hay tập trung vào công nghiệp?

TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, đề xuất 3 động lực chính để phát triển Củ Chi là công nghiệp công nghệ cao (trọng tâm là chế biến nông sản); nông nghiệp nông nghệ cao; và du lịch sinh thái. Ông gợi ý Củ Chi nên phát triển theo mô hình đô thị sinh thái thông minh để vừa giữ gìn giá trị truyền thống, vừa khai thác thành tựu của khoa học công nghệ 4.0.

TS Hiền dẫn chứng nhìn nhiệm kỳ 2015-2020, nông nghiệp chỉ chiếm 7,61% trong tăng trưởng kinh tế của Củ Chi. Do đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp để gia tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích.

Có quan điểm tương tự về phát triển nông nghiệp, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cảnh báo nguy cơ “mất làng” trong bối cảnh đô thị hóa tự phát, làng không ra làng, phố không ra phố vì không có quy hoạch. Nếu không giữ nông thôn, giữ làng, Củ Chi có thể mất đi những nét văn hóa và truyền thống lâu đời. Do đó, bà đề nghị cần có quy hoạch để “giữ làng trong phố” và giữ gìn hành lang ven sông Sài Gòn tại Củ Chi.

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực tại Củ Chi nhưng có giá trị tăng trưởng thấp. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Vĩnh Cường, kiều bào Nhật, Chủ tịch tập đoàn 365 (doanh nghiệp đa ngành, tập trung vào logistics, xuất nhập khẩu), chia sẻ quan điểm nếu Củ Chi xác định phát triển công nghiệp công nghệ cao thì nên giảm quỹ đất cho nông nghiệp và tăng đất cho công nghiệp.

Ông Cường nhận định các khu công nghiệp tại Củ Chi đều đã được đầu tư từ rất lâu và không phải công nghiệp công nghệ cao. Chủ doanh nghiệp này chia sẻ từng có nhà đầu tư đề nghị xây dựng một thành phố thông minh khoảng 10 ha tại TP.HCM. Tuy nhiên, khi đó ông không có cơ hội tiếp xúc với địa phương để trực tiếp đưa nhà đầu tư nước ngoài đến.

“Chỉ khi nhà đầu tư sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng trí tuệ cao và có giá trị xuất khẩu thì mới mang lại giá trị kinh tế cho Củ Chi”, ông Cường nhận định.

Phát triển trung tâm logistics như Tân Cảng?

Ông Đinh Vĩnh Cường kể lại 2-3 năm trước, ông đưa một số nhà đầu tư nước ngoài từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Tây Ninh để tìm nơi xây dựng một trung tâm logistics lớn. Khi đó, nhà đầu tư nhận thấy Củ Chi, cách trung tâm TP.HCM khoảng 30 km, có lợi thế rất lớn bởi vị trí cửa ngõ tây bắc TP.HCM, kết nối với các tỉnh miền Tây, thậm chí qua Campuchia.

Tuy nhiên, khi khảo sát giao thông tại đây, câu hỏi được các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra là: Giờ container đi như thế nào và huyện Củ Chi có khuyến khích đầu tư logistics không? Ông Cường cho rằng nếu Củ Chi được quy hoạch như một trung tâm logistics sẽ rất thuận lợi bởi với vị trí cửa ngõ, các container có thể vận chuyển dễ dàng vào trung tâm TP.HCM.

Cùng với đó, ông Cường đề xuất Củ Chi tạo điều kiện để làm cảng logistics, kho bãi phục vụ phát triển công nghiệp bởi TP.HCM hiện rất thiếu kho bãi.

“Củ Chi có 54 km hành lang sông Sài Gòn. Đó là điểm rất lợi thế. Tại sao ta không nghĩ đến một trung tâm logistics thứ 2 sau cảng Cái Mép, cảng Tân Cảng ở đây”, Chủ tịch tập đoàn 365 đặt câu hỏi.

Củ Chi có nhiều khu công nghiệp nằm dọc đường quốc lộ 22. Ảnh: Phạm Ngôn.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, cho rằng các khu công nghiệp (KCN) của Củ Chi hiện kết nối chủ yếu qua quốc lộ 22 và khoảng cách đến cảng Cát Lái, cảng xuất khẩu chính xa hơn so với các khu công nghiệp khác của TP.HCM và KCN tiếp giáp thành phố thuộc Bình Dương, Long An.

Để khắc phục điểm yếu về vị trí và hạ tầng kết nối, KCN tại Củ Chi cần hướng đến phát triển theo định hướng liên kết nhằm hình thành các cụm ngành kinh tế với khu vực lân cận của TP.HCM và các tỉnh khác có lợi thế về kết nối thị trường, bến cảng. Cụ thể, các KCN cần tập trung phát triển các ngành phụ trợ, cung cấp đầu vào cho KCN khác vốn tập trung vào khâu sản xuất thành phẩm sau cùng để xuất khẩu, cung cấp ra thị trường.

Bên cạnh đó, việc hình thành cao tốc TP.HCM – Mộc Bài cũng hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển cho ngành logistics, giúp Củ Chi tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, qua đó thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư cho ngành kinh tế hướng xuất khẩu.

Củ Chi đề xuất trở thành thành phố thay vì quận. Ảnh: Phạm Ngôn.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, chia sẻ một góc nhìn mới lạ hơn về định hướng phát triển Củ Chi. Ông cho rằng Củ Chi nên tránh kiểu phát triển “nhân bản vô tính”, đi đâu cũng giống nhau mà cần giữ được bản sắc cho mình. Huyện nên rà soát kỹ lợi thế, đặc thù trong tổng thể TP.HCM.

“Nếu chúng ta tiếp tục lại câu chuyện gắn với công nghiệp thì không khác gì tất cả các chỗ khác đã làm và biến Củ Chi thành giống như nơi khác”, ông Hưng nhận định.

Vị chuyên gia này đặt vấn đề TP.HCM là trung tâm tài chính của cả nước, như vậy, Củ Chi nên cân nhắc phát triển thành trung tâm tài chính sinh thái và thu hút tất cả lĩnh vực liên quan đầu tư về tài chính, bên cạnh điểm nhấn nông nghiệp và du lịch.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Vĩnh Cường chia sẻ dù chọn giải pháp nào thì thực thi mới là quan trọng nhất. Sau thời gian nghiên cứu, lắng nghe các ý kiến, Củ Chi nên công bố mô hình mà huyện lựa chọn và thời điểm thực hiện, kết quả để nhà đầu tư có thể nhìn thấy và tin tưởng.

“Nhà đầu tư cần thông tin để có niềm tin đầu tư. Nếu có niềm tin, họ chắc chắn sẽ đến”, ông Cường nói.

Thu Hằng