Hiểm họa từ ánh sáng xanh

149

1. Ánh sáng xanh là gì?

Ánh sáng màu xanh là ánh sáng mà mắt chúng ta nhìn thấy được, có bước sóng ngắn hơn (400-490nm) và nhiều năng lượng hơn. Ánh sáng xanh thực chất là màu xanh lam, tuy nhiên nó cũng có xuất hiện trong các ánh sáng màu khác nhau, bao gồm cả ánh sáng trắng (ánh sáng từ màn hình máy tính giống như màu trắng nhưng thực tế có chứa ánh sáng xanh).

2. Nguồn phát ánh sáng xanh ở đâu?

Mọi người thường hay nghĩ đến là từ các thiết bị điện tử thông minh như Tivi màn hình phẳng, màn hình máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh…

Nhưng nguồn ánh sáng xanh lớn nhất là từ ánh sáng mặt trời. Đó là lí do tại sao chúng ta nhìn thấy bầu trời có màu xanh lam. Ngoài ra, còn có nhiều nguồn khác nhau từ các loại đèn chiếu sáng như: đèn huỳnh quang, đèn LED…

3. Lợi ích và tác hại của Ánh sáng xanh

a. Vậy ánh sáng xanh có lợi ích không?

Câu trả lời là có. Ánh sáng xanh là cần thiết cho sức khỏe

Ánh sáng xanh giúp điều chỉnh nhịp sinh học (chu kỳ thức và ngủ tự nhiên của cơ thể). Tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban ngày giúp ta duy trì nhịp sinh học khỏe mạnh, tăng cường sự tỉnh táo, tăng trí nhớ.

b. Chúng ta lo ngại điều gì từ ánh sáng xanh:

Trong khi bất kỳ loại ánh sáng nào cũng có thể ngăn chặn việc tiết melatonin, thì tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh vào buổi đêm gây ra tác hại trầm trọng hơn. Sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính vào buổi đêm dẫn đến kích thích não, ức chế bài tiết melatonin và tăng cường sản xuất hormone tuyến thượng thận, phá hủy sự cân bằng nội tiết tố và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ, dẫn đến khó ngủ và mệt mỏi vào ban ngày.

c. Vậy mối lo ngại chủ yếu của chúng ta là gì khi trẻ sử dụng những thiết bị có ánh sáng xanh (máy tính, điện thoại):

Phần lớn các phụ huynh đều lo lắng về tác động lâu dài của việc tiếp xúc với các thiết bị này. Theo nhiều nghiên cứu, mắt trẻ em hấp thụ ánh sáng xanh nhiều hơn người lớn từ màn hình thiết bị kỹ thuật số do thể thủy tinh người lớn có khả năng lọc được ánh sáng xanh tốt hơn.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng không tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển thị lực. Ngoài ra một mối nguy hại lớn đối với trẻ là sự hấp dẫn từ những chương trình, trò chơi trên máy tính, điện thoại smart phone đang lấy đi cơ hội vận động, vui đùa, và vô hình chung làm giảm các kỹ năng xã hội cũng như ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm, vận động.

Càng ngày thời gian ngồi trước màn hình máy tính của trẻ càng cao, nhất là với trẻ thành phố, không gian chơi chật hẹp và không có khu vui chơi ngoài trời. Việc không tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của mắt và thị lực, dẫn đến tăng nguy cơ rối loạn hành vi, rối loạn giấc ngủ, thừa cân béo phì, giảm bớt thời gian chơi đùa, thậm chí có thể gây nên những hành vi bạo lực ở trẻ.

4. Bảo vệ mắt trẻ khỏi tác động bởi ánh sáng xanh như thế nào?

a. Hướng dẫn trẻ Sử dụng máy tính/điện thoại thông minh như thế nào khi học online:

Trung bình một tiết học với các bạn nhỏ là 35 phút, nếu trong khi học online, 1 tiết học nên được chia nhỏ thành mỗi 20 phút một, sau đó nghỉ ngơi 10 phút trước khi tiếp tục học. Nên áp dụng nguyên tắc 20 – 20 – 20, nghĩa là học 20 phút, nghỉ mắt 20 giây, ra nhìn vật cách xa ít nhất 20 bàn chân (tầm 6m). Hoặc nếu được nên chia nhỏ tiết học khi áp dụng hình thức học online, mỗi tiết 20 phút. Kèm theo đó là việc rút gọn và thay đổi các hình thức học đa dạng để tránh nhàm chán và cho mắt nghỉ ngơi: như làm bài tập trên giấy, khuyến cáo các bạn nhỏ thoát khỏi phần mềm học online sau mỗi tiết học để ra ngoài vận động.

b. Dạy trẻ cách sử dụng máy tính/điện thoại thông minh thế nào cho hợp lý:

Tạo Bộ quy tắc gia đình: Điều đầu tiên là cần lập các nguyên tắc sử dụng cho các thiết bị thông minh sao cho phù hợp

Noi gương: Trẻ không làm theo những gì chúng ta nói mà làm theo những gì chúng ta làm. Bởi vậy nên nếu muốn trẻ dùng máy tính/điện thoại có quy tắc, chúng ta cần phải noi gương cho trẻ: không xem ti vi trong bữa ăn, không sử dụng điện thoại/máy tính khi nói chuyện với người khác, không xem phim/chơi trò chơi quá thời gian quy định… là những điều phụ huynh cần làm.

Hỗ trợ phía sau: Chọn chương trình phù hợp để giới thiệu cho trẻ, đồng thời sử dụng các phần mềm hoặc các cài đặt giúp đặt ra thời gian khoảng thời gian hợp lý trẻ phải tuân theo và theo dõi được việc sử dụng thiết bị đối với trẻ

c. Điều chỉnh khoảng cách giữa mắt với thiết bị điện tử

Sử dụng thiết bị điện tử với khoảng cách gần trong thời gian dài có thể khiến phản xạ chớp mắt giảm đi dẫn đến tình trạng khô mắt. Thay đổi khoảng cách giúp mắt được điều tiết tốt hơn và giảm tải áp lực cho chúng. Khoảng cách phù hợp vào khoảng 50-60 cm và tầm nhìn mắt thấp hơn 10-20 cm.

Một chế độ ăn uống cân bằng tốt là vô cùng quan trọng đối với tất cả chúng ta, đặc biệt đối với trẻ em. Tất cả các vitamin và vi chất dinh dưỡng đều quan trọng đối với cơ thể, nhưng một số vitamin và vi chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với mắt. Chúng bao gồm vitamin A, vitamin C, vitamin E, lutein, Zeaanthin và axit béo omega. Các chất này có tự nhiên trong các thực phẩm cà rốt, củ dền, xoài, đu đủ, trái cây họ cam quýt, rau lá xanh, hạnh nhân, quả óc chó, trứng, cá… Tốt nhất bạn nên cho trẻ ăn những loại vitamin này ở dạng tự nhiên hơn là cung cấp cho các chất bổ sung./.