HỆ THỐNG VÀ NĂNG LỰC QUẢN TRỊ CỦA VIỆT NAM TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID -19

23

Quản lý khủng hoảng là một phần quan trọng của quản trị quốc gia. Xử lý khủng hoảng thế nào, thành công hay không, phản ánh chính xác trình độ quản lý quốc gia của một chính quyền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn theo sát tình hình phòng chống dịch ở các cơ sở.

 

Đại dịch COVID – 19 lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử thế giới cận đại, nó đã có những ảnh hưởng ghê gớm gây ra cho mọi hoạt động của xã hội Việt Nam. Những tổn thất vô cùng to lớn mà việc khắc phục không phải một sớm một chiều. Đại dịch COVID – 19 đặt ra thách thức cho khả năng quản lý khủng hoảng, là phép thử lớn đối với hệ thống và năng lực quản trị quốc gia của Việt Nam.

Khi dịch bệnh COVID -19 khởi phát ở Việt Nam từ cuối năm 2019, Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Những giải pháp phong tỏa, truy vết … mà Chính phủ áp dụng bước đầu đã có hiệu quả tích cực, dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng đến khi dịch bệnh bùng phát đợt 2, rồi đợt 3 và đặc biệt là đợt bùng phát thứ tư với biến thể Delta nguy hiểm này thì tình hình đã khác. Những giải pháp trước đây đã không còn mang lại hiệu quả như mong muốn, dịch bệnh ngày một tăng, đe dọa cuộc sống của nhân dân và tác động rất nghiêm trọng đến sản xuất. Đứng trước tình huống này, chính quyền ở nhiều địa phương có sự lúng túng trong xử lý, bị động và đặc biệt là “mỗi nơi làm một kiểu”. Các địa phương hầu như không “chiến đấu” để dập dịch, hoặc theo quan điểm “chống dịch như chống giặc” thì chính quyền các địa phương không đánh địch, mà chủ yếu là ngăn không cho địch vào địa phương mình, nếu địa phương nào có địch thì đều tìm cách đuổi địch ra khỏi địa phương mình.

Về phía các cơ quan cao nhất của bộ máy công quyền từ Quốc hội, Chủ tịch nước cho đến Chính phủ với người đứng đầu là Thủ tướng, thời gian qua đều quyết liệt vào công cuộc phòng, chống dịch. Đặc biệt là sự vào cuộc đầy trách nhiệm của lực lượng y tế cả nước, của quân đội, công an và các lực lượng khác của cả hệ thống công quyền.

Chiều ngày 31 tháng 8, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đến kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận Thanh Xuân. Khi lãnh đạo Chính phủ tới phường Thanh Xuân Trung để kiểm tra việc ứng trực phòng chống dịch, trụ sở này vắng người trực.

Các cơ quan hành chính từng cấp, căn cứ vào sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp do Trung ương ban hành phù hợp với điều kiện của từng nơi, từng lúc. Trong quá trình này, việc chính quyền địa phương ban hành các biện pháp cụ thể ở địa bàn mình còn lúng túng, không đồng bộ là điều không tránh khỏi.

Ví dụ, văn bản chung chỉ cho phép lưu thông hàng hóa thiết yếu trong đại dịch, nhưng một vị Phó chủ tịch UBND phường ở Nha Trang vận dụng đã cho rằng bánh mỳ không thuộc vào hàng hóa thiết yếu. Đến lúc đó, một loạt cơ quan công quyền của chúng ta mới giật mình vào cuộc giải thích thế nào là hàng hóa thiết yếu.

Đóng chợ dân sinh, chợ truyền thống sau vài ngày thấy ngay sự bất cập và lại phải sửa. Khá nhiều biện pháp cụ thể được địa phương này địa phương kia cho triển khai còn nhiều bất cập như: phiếu đi chợ, giấy đi đường, phân vùng xanh, vùng đỏ, chốt kiểm soát dịch, phun khử khuẩn, truy vết, cách ly…

Không chủ định, không cố tình, nhưng vô tình lại dẫn đến như vậy và cái sự vô tình này một phần bắt nguồn từ sự nóng vội, chủ quan của bộ phận lãnh đạo, một phần khác là từ sự thiếu chuyên nghiệp của bộ phận tham mưu soạn thảo văn bản chính sách.

Một trong những hệ quả của cách xử lý trên là chuỗi liên kết vùng, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị gián đoạn cục bộ. Diễn biến với ngành bán lẻ là một ví dụ, các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu đã bị gián đoạn bởi sự lệch pha về quy định phòng dịch giữa các địa phương, dù hàng hóa này được liệt vào nhóm ưu tiên.

Vẫn biết là khi ban hành chính sách cần phải có tầm nhìn, phân tích và đánh giá tác động của chính sách. Nhưng trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, chúng ta chưa có sự chuẩn bị cần thiết, chưa có tiền lệ vì vậy sự lúng túng, bị động và không nhất quán trong việc ban hành chính sách là khó tránh khỏi.

Chưa lúc nào bộ máy công quyền bị thách thức theo kiểu đặc biệt như vậy và cũng chưa bao giờ, bộ máy này phải chứng tỏ cho được năng lực của mình trong công cuộc phòng, chống dịch. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào cũng đòi hỏi các cơ quan công quyền phải cẩn trọng, cân nhắc kỹ trước khi ban hành một biện pháp, một quyết định liên quan tới dân, doanh nghiệp trong đại dịch.

Đại dịch COVID – 19 đã làm thay đổi nhiều việc mà các cơ quan công quyền của Việt Nam giải quyết rất chậm, rất khó xử. Chưa bao giờ công tác cán bộ nói chung và việc kỷ luật, cách chức và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam lại được thực hiện mau lẹ như thời gian vừa qua. Việc đưa ra xét xử những đối tượng phạm tội, nhất là tội cố tình làm lây lan dịch bệnh, tội chống người thi hành công vụ … được thực hiện rất nhanh chóng, đúng người, đúng tội. Đây quả thực là những tiền lệ tốt cho hoạt động của các cơ quan công quyền, cơ quan tư pháp của chúng ta.

Trong hoàn cảnh cấp bách hiện nay và để quản trị quốc gia trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần những vị lãnh đạo năng động, kỹ trị và có đạo đức liêm chính để đưa đất nước vượt qua khó khăn. COVID – 19 như một bài sát hạch từ trung ương đến địa phương. Cần có những vị lãnh đạo đủ tâm đủ tầm, để có những chính sách mới, những quyết định hợp lòng dân nhưng cũng không mị dân, đánh bóng thương hiệu vì thương dân nhưng phải ái quốc, là phải vì sự phát triển bền vững của đất nước. COVID – 19 đã và sẽ làm trôi những vỏ bọc của những cá nhân không đủ năng lực, thiếu đạo đức cần phải loại bỏ trong hệ thống (Ví dụ như vị Phó chủ tịch UBND phường ở Nha Trang đã cho rằng bánh mỳ không thuộc vào hàng hóa thiết yếu).

Những nhà lãnh đạo kỹ trị là những nhà lãnh đạo biết lắng nghe các luận chứng khoa học rồi ra quyết định nhất quán của mình. Những chính sách dựa trên khoa học chắc chắn sẽ thống nhất từ trung ương đến địa phương vì tiêu chí của khoa học là khách quan, tường minh. Các tiêu chuẩn, quy định hướng dẫn sẽ mạch lạc rõ ràng tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu theo một cách, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Quản trị quốc gia trong thời đại Công nghệp 4.0 và trong điều kiện dịch bệnh COVID – 19 cụ thể hiện nay cần phải sử dụng công nghệ, đó là giải pháp hiệu quả để giải quyết mọi bất cập xảy ra trong không gian thực, hạn chế tương tác trực tiếp giữa người với người, hỗ trợ cho việc giãn cách xã hội, phòng chống dịch. Công nghệ sẽ giúp nhà quản lý, nhà chuyên môn sắp xếp việc tiêm chủng một cách trật tự, đúng thứ tự xếp hàng, đảm bảo tốt việc lưu trữ và tập trung thông tin cũng như liên thông dữ liệu trên toàn quốc. Chỉ có ứng dụng công nghệ mạnh mẽ mới giải quyết những hiện tượng ùn ứ, ách tắc hay số liệu vênh nhau như hiện nay.

Tuy nhiên, công nghệ ở đây đòi hỏi phải có tính tập trung, tính kết nối, liên thông đi cùng tác phong công nghiệp chứ không phải là “mạnh ai nấy làm”.

Một trong những rào cản đầu tiên cho việc vận hành cái mới này là người Việt Nam chưa có thói quen áp dụng công nghệ vào công việc. Đây là một quán tính của xã hội. Nhưng chúng ta phải nhớ tới nguyên tắc 80-20: 80% là sự quản lý của tổ chức một cách bài bản và khoa học, tập trung, còn 20% mới là đòi hỏi công nghệ tiên tiến. Chúng ta không chú ý 80% mà nhiều khi cứ đổ lỗi cho phần 20% kia thì sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Việc quản trị xã hội, quản trị quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh phải được tổ chức kỷ luật như trong quân đội.

Khi công nghệ thiếu sự nhất quán, thiếu tập trung và rời rạc thì mặc dù, chúng ta luôn nói đến việc tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng cuối cùng, thực tế thành ra là 0.4.

Trong bối cảnh “trăm hoa đua nở”, địa phương, bệnh viện dùng các công nghệ khác biệt nhau mà giờ, yêu cầu cần phải tập trung một mối thì tất yếu, sẽ đụng chạm lợi ích của một số người (nhiều khi chỉ là thói quen không muốn bỏ). Điều đó lý giải sự chậm trễ, trì hoãn hay trục trặc việc áp dụng công nghệ chung của quốc gia trong phòng chống dịch ở địa phương.

Về mặt nhận thức, chúng ta đã có những người hiểu được vấn đề này và tầm quan trọng của công nghệ trong bài toán chống dịch hiện nay, cũng như bài toán quản trị quốc gia. Vấn đề chính vẫn nằm ở khâu tư duy quản lý và quán tính xã hội. Những gì thuộc về tập quán thì khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Công nghệ chúng ta có thể giải quyết được nhưng tập quán xã hội và kiến thức nội tại chưa tương thích. Công nghệ 4.0 không thể hoạt động với tư duy và cách hành xử 0.4.

Những ứng dụng về quản lý tiêm vắc xin, khai báo y tế, truy vết… chỉ là những phần mềm hết sức cơ bản và đơn giản, không đòi hỏi trình độ cao siêu. Kể cả khi chúng ta không tự nghiên cứu thì hoàn toàn có thể mua của nước ngoài về dùng. Thực tế, chúng ta cũng đã có những tập đoàn khẳng định được vị thế của mình trên thị trường công nghệ thế giới. Có thể nói, năng lực công nghệ của Việt Nam để triển khai những công việc đại trà cho quản trị quốc gia như vậy là hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Chống dịch không thể chủ quan, lơ là, nhưng cũng không thể quá lên như hiện nay trong ứng xử của người dân, và những chính sách liên quan. Điều quan trong nhất là chúng ta cần làm quen, thích nghi với con Covid-19 đó để có tâm lý, chính sách không hoảng sợ, bất an quá đà. Chúng ta cũng xác định là cuộc chiến chống dịch bệnh còn kéo dài và phải biết cách để “sống chung với dịch bệnh”. Bản năng của con người sợ hãi những gì người ta chưa biết. Trách nhiệm của các cơ quan công quyền là chăm lo về vật chất, ổn định đời sống của nhân dân và động viên, giúp đỡ nhân dân có nhận thức đúng về nguy cơ dịch bệnh. Tạo dựng niềm tin vào chính quyền, an tâm và đồng lòng vượt qua dịch bệnh.

Mặc dù chúng ta còn trăm công, nghìn việc để ngăn chặn sự lây lan, đẩy lùi dịch bệnh COVID -19, nhưng ngay từ bây giờ, chúng ta đã phải bắt tay vào việc ổn định đời sống và khôi phục sản xuất sau dịch bệnh. Đại dịch COVID -19 đã ảnh hưởng vô cùng to lớn tới đời sống, kinh tế – xã  hội của Việt Nam, nhưng cũng vì/nhờ Đại dịch COVID – 19 mà chúng ta đã thay đổi được những thói quen, cách sinh hoạt không tốt. Có thể nói , đại dịch COVID -19 là cơ hội để Việt Nam thay đổi, là cơ hội cho việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống, số hóa nền kinh tế và số hóa công việc của các cơ quan công quyền, thực hiện nhanh quá trình quản trị quốc gia bằng Chính phủ điện tử.

Để chủ động, kịp thời đối phó với những tình huống khẩn cấp (khủng hoảng), nên thành lập một cơ quan chuyên trách giúp Chính phủ chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch đối phó với khủng hoảng. Cơ quan này có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ thống nhất quản lý, điều phối các hoạt động ứng phó với khủng hoảng, xây dựng kịch bản ứng phó khi khủng hoảng xảy ra, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để xử lý khủng hoảng… Trên thế giới, nhiều nước đã thành lập cơ quan loại này, có thể là Bộ Tình trạng khẩn cấp, hay Trung tâm ứng phó tình trạng khẩn cấp. Tại Việt Nam đã có cơ quan Trung tâm cứu hộ, cứu nạn, thực tế vừa qua thấy cơ quan này không có vai trò trong việc ứng phó đại dịch Covid 19, vậy có thể điều chỉnh tổ chức và bổ sung chức năng, nhiệm vụ xử lý tình trạng khẩn cấp cho cơ quan này, hoặc thành lập mới.

Đại dịch Covid 19 để lại cho chúng ta nhiều bài học quý và cũng rất đắt giá. Cũng không thể dự đoán chính xác tương lai còn có thể xảy ra những tình huống khẩn cấp gì khác (chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai…). Sự chuẩn bị chu đáo, chủ động ứng phó với mọi trường hợp khẩn cấp là cần thiết trong hoạt động quản trị quốc gia. Việt Nam cũng rất cần xây dựng và ban hành các quy định pháp luật làm căn cứ pháp lí cho hoạt động quản trị trong những tình trạng khẩn cấp. Đợt bùng phát dịch bệnh Covid 19 vừa qua Quốc Hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ thực hiện một số biện pháp cấp bách (chưa có căn cứ pháp lí) để kịp thời phòng, chống dịch bệnh. Đây là việc làm cấp thiết nhưng chỉ tạm thời, trước mắt. Về cơ bản và lâu dài Việt Nam phải ban hành thành pháp luật, trong đó có quy định cụ thể từng mức độ khẩn cấp, ví dụ như có 3 cấp độ từ thấp lên cao là: Nguy cấp; Cấp bách và Nghiêm trọng. Như thế sẽ chủ động hơn để không phải tạm quy định như: Chỉ thị 15; Chỉ thị 16…. Và rất nhiều văn bản chỉ đạo khác từ Trung ương đến địa phương mà đến cán bộ lãnh đạo nhiều địa phương cũng không nắm được hết như thực tế vừa qua.

VŨ TRƯỜNG SƠN, Đại học Đại Nam