Hà Nội duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng với 6 cây cầu mới

30

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có thêm 6 cây cầu xây mới gồm: cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5000, với quy mô gần 11.000 ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40km, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.

“Phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, quyết định nêu rõ.

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, phân khu quy hoạch có diện tích gần 11.000ha, trong đó sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông trên 5.400ha (50%).

Phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá…

Ngoài ra, còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), các công trình hạ tầng kỹ thuật…

Hà Nội dự báo, quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 khoảng 300.000 người. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000 người.

Quy hoạch có 3 phân đoạn chính, xây 6 cầu mới

Phân đoạn từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long:

Khu vực này được định hướng phát triển công viên chuyên đề với mô hình trang trại sinh thái và nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch và các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cụm cảng Chèm).

Phân đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì:

Khu vực này được định hướng là khu vực đa chức năng, với các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và các không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu vực bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết khu vực hồ Tây – Cổ Loa.

Phân đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở:

Khu vực này được định hướng bảo tồn và khôi phục các giá trị tự nhiên và văn hóa phục vụ du lịch và phát triển các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cảng Thanh Trì, Bát Tràng), làng nghề Bát Tràng.

Ngoài ra, Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng. Trong đó, 6 khu vực được nghiên cứu xây dựng mới với tỉ lệ 5% (khoảng 1.590ha) gồm: Thượng Cát – Liên Mạc, Hoàng Mai – Thanh Trì, Chu Phan – Tráng Việt, Đông Dư – Bát Tràng, Kim Lan – Văn Đức.

Riêng khu vực Tàm Xá – Xuân Canh được nghiên cứu xây dựng mới với tỉ lệ 15% (khoảng 408ha).

Về giao thông trong khu vực quy hoạch, đối với đường bộ sẽ xây dựng mới hai tuyến trục chính đô thị dọc sông Hồng.

Cụ thể, trục bờ hữu Hồng từ cầu Hồng Hà tới cầu Thanh Trì quy hoạch với quy mô mặt cắt ngang với tối thiểu 4 làn cơ giới và 2-4 làn hỗn hợp. Trục bờ tả Hồng từ cầu Thượng Cát – đê Tả Hồng – cầu Vĩnh Tuy – cầu Thanh Trì quy hoạch với quy mô mặt cắt rộng 40-60m (6-10 làn xe).

Các tuyến đê đoạn qua khu vực nội đô (đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái) cấp hạng là đường liên khu vực quy mô 4-10 làn xe. Các tuyến đường chính đô thị, liên khu vực khác có bề rộng quy mô 40-50m (6-8 làn xe).

Đồ án xác định xây dựng mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng gồm: cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4 (quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp); cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5 (quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp).

Cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang 2 bên sông Hồng (quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp); cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên (quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp).