Giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển bền vững tài nguyên nước vùng ĐBSCL

91

Ngày 21/5, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ( TNMT) Lê Công Thành chủ trì Hội thảo.


Tham dự hội thảo có ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND  thành phố Cần Thơ; ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đại diện Sở TN&MT 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hội thảo còn có đại diện các đơn vị trưc thuộc Bộ TNMT, cùng sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế như: Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên thiên nhiên Liên bang Đức (BGR), Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Dự án “Các giải pháp tích hợp cho sự phát triển bền vững khu vực ĐBSCL – Đất, nước, năng lượng và khí hậu”, Đại sứ quán Hà Lan, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Công ty Haskoning Việt Nam và các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Hội thảo nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề về bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông MeKong nói chung và các địa phương trên lưu vực nói riêng phục vụ việc lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông MeKong thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia và các nhà khoa học đã tập trung thảo luận và trình bày những tham luận liên quan đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước như: Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long; Các vấn đề về tài nguyên nước xuyên biên giới lưu vực sông Mê Công; Các vấn đề bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Các vấn đề bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cần tập trung giải quyết trên địa bàn tỉnh An Giang; Định hướng khai thác nước bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long; Định hướng Bảo vệ, phòng chống sạt lở bờ và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; Báo cáo kết quả dự án tăng cường năng lực bảo vệ nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long; Các vấn đề bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cần tập trung giải quyết trên địa bàn Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An; Nghiên cứu xây dựng các giải pháp trữ nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết vấn đề thiếu nước vào mùa khô phục vụ cho phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Các vấn đề bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cần tập trung giải quyết trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp thời gian thực phục vụ giám sát quy hoạch, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, tài nguyên nước là nền tảng cơ bản để phát triển kinh tế – xã hội. Hầu hết toàn bộ hoạt động phát triển kinh tế – xã hội phải dựa trên khả năng thực tế của nguồn nước, phù hợp với các xu thế diễn biến nguồn nước trong tương lai. Vì vậy, việc giải quyết các bài toán liên quan đến vấn về tài nguyên nước, bảo đảm khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước là cực kỳ cần thiết để đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng bằng sông Cửu Long đóng một vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế Việt Nam, là trung tâm xuất nhập khẩu cho ngành nông nghiệp của đất nước. Khu vực này đất có độ phì nhiêu cao, là nơi sản xuất, xuất khẩu gạo, trái cây, cá và các sản phẩm nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước cũng như trong khu vực.

Các nghiên cứu có liên quan mới nhất đều chỉ ra rằng, ĐBSCL được đánh giá là một trong ba châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Tình hình địa lý của Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy khu vực này rất dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng, lũ lụt trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô. Cụ thể hơn ở thời gian gần đây, tài nguyên nước  vùng ĐBSCL đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn. Sự thay đổi chế độ dòng chảy trong sông sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phạm vi xâm nhập mặn tại ĐBSCL, đặc biệt trong những năm kiệt.

 

Quy hoạch vùng quản lý tài nguyên mước

 

Trên cơ sở các tham luận được trình bày tại Hội thảo, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước ở ĐBSCL trong thời gian tới.

 

PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, cần có phương án giảm khai thác nước dưới đất, tăng cường công tác dự trữ, sử dung nước mặt. Nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt là rất cần thiết. Mỗi địa phương cần phải quy hoạch, xây dựng giải pháp thích ứng phù hợp cho từng vùng, từng địa bàn. Đặc biệt, phải quy hoạch hệ thống sông ngòi, các hồ trữ nước ngọt để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trước biến đổi khí hậu như hiện nay.

Dòng chảy nguồn nước tích trữ điều tiết về cuối nguồn giao hòa với biển phải được lưu thông, chuyển động theo quy luật ảnh hưởng triều biển Đông với chế độ bán nhật triều không đều, hàng tháng có 2 kỳ nước lớn trùng với chu kỳ tuần trăng, triều cường xuất hiện vào các ngày rằm và ngày cuối tháng âm lịch, để phục hồi phần nước lợ từ bao đời đã tạo nên hệ sinh thái ven biển đặc thù phong phú, PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, nhấn mạnh.

Th.S Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL) cho biết.“Biển rất cần nước ngọt của sông vì nước ngọt mang dinh dưỡng ra cho biển, làm cho độ mặn, nhiệt độ nước biển vừa phải. Cá biển rất cần vào, ra cửa sông để sinh sản và ngược lại tôm, cá sông cần biển. Chẳng hạn như tôm càng xanh là loài nước ngọt, nhưng khi mang trứng thì phải bơi ra vùng nước lợ để đẻ, sau đó tôm con di chuyển ngược dần lên vùng ngọt. Cá kèo thì sinh sản ở vùng cửa sông”, Phân tích dữ liệu từ những đợt hạn, mặn trong mấy năm qua cho thấy, lưu lượng nước trên sông Mekong về ĐBSCL ở mức dưới 1.600m3/s, giảm trên 1.200m3/s so với mức bình quân trong quá khứ. Diễn biến trong điều kiện thời tiết cực đoan này cũng đặt ra yêu cầu các giải pháp trữ nước cần phải tính đến các tình huống lưu lượng nước ngọt thượng nguồn Mekong đổ về ĐBSCL ở mức suy kiệt và con số 422 tỉ m3/năm mà các cơ quan chức năng ghi nhận trước đây không còn phản ánh đúng hiện trạng.Do đó, cùng với khôi phục không gian trữ nước đầu nguồn thì không gian trữ nước trong mùa mưa lũ trên đồng ruộng, kênh mương, ao hồ,… các khu đất ngập nước ở vùng giữa, giáp mặn để chủ động nguồn nước nội vùng và góp phần điều tiết tăng cường độ dòng chảy nước ngọt về phía ven biển trong mùa kiệt, giảm bớt mặn xâm nhập sâu về phía thượng nguồn cũng cần được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh sản xuất phù hợp…

Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ đã đề xuất chia vùng thành 3 tiểu vùng, bao gồm vùng nước ngọt (lùi vùng ngọt vào khu vực an toàn tự nhiên, không can thiệp); vùng chuyển tiếp (chấp nhận ngọt – mặn theo mùa, chỉ điều tiết, không ngăn mặn) và vùng mặn (tuần hoàn nước biển, phát triển thủy sản và phục hồi sinh thái); đồng thời có các giải pháp cụ thể cho cả 3 vùng này trong cả trung và dài hạn.

Theo Royal Haskoning DHV & GIZ, với vùng nước ngọt ở khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, giải pháp là bỏ lúa vụ 3, phát triển sinh kế dựa vào lũ; xả lũ vào ruộng; không phát triển thành vùng trữ nước quanh năm; sử dụng hệ thống cống ở đê bao hiện hữu vào mục đích điều tiết lũ cực đoan chống thiên tai… Hay với vùng nước mặn bán đảo Cà Mau, giải pháp là phát triển hệ thống tuần hoàn nước mặn; chuyển đổi nuôi trồng thủy sản độc canh sang đa canh bền vững; cấm khai thác nước ngầm ở vùng ven biển; làm đê chắn sóng bảo vệ bờ…

Trường Ca