Nằm trong chuỗi các sự kiên của Tuần lễ Du lịch – Thương mại TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Ngày 30/11, tại TP. Cần Thơ đã diễn ra Tọa đàm “Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đường sông và công bố tuyến du lịch đường sông kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL”. Hơn 10 tham luận và ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo Du lịch…, đóng góp nhiều giải pháp phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL.
Du lịch đường sông phát triển chưa xứng với tiềm năng
Báo cáo tại Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Sở VHTT và DL thành phố Cần Thơ cho biết: TP.HCM hiện có 135 tài nguyên phục vụ du lịch đường thủy. Với lợi thế 4 tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết nối với các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và đặc biệt là ĐBSCL. Do đó, TP.HCM vừa có thể khai thác giao thông vận tải đường thủy vừa có nhiều tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch đường thủy nội địa; mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, với tổng chiều dài có khả năng khai thác giao thông vận tải đường thủy bao gồm 101 tuyến với tổng chiều dài là 913 km.
Vùng ĐBSCL nổi bật với hệ thống kênh rạch chằng chịt, là nơi lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái và khám phá văn hóa sông nước, chợ nổi như Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang)…
Ngoài ra, nhiều khu vực sông nước tại vùng ĐBSCL và TP.HCM có hệ sinh thái đa dạng, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm như Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng (Kiên Giang), Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM)… không chỉ là những điểm đến du lịch sinh thái nổi tiếng mà còn góp phần bảo tồn đa dang sinh học và môi trường tự nhiên.
Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế như trên. Nhưng đến nay, du lịch đường sông TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL được đánh giá là phát triển chậm, chưa tương xứng. Hiện chưa có nhiều tour du lịch đường sông được khai thác và nhiều tour có rất ít khách du lịch, thậm chí có thể phải dừng khai thác.
Tại TP.HCM, là nơi nỗ lực đi đầu phát triển du lịch đường sông, nhưng chủ yếu khai thác các tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn (độ dài tuyến dưới 10 km), tầm trung (độ dài tuyến dưới 60 km), tầm xa (độ dài tuyến trên 60 km) còn rất kiêm tốn.
Nguyên nhân chính, làm trở ngại đến phát triển du lịch đường sông được nêu ra tại Tọa đàm: Là do hạ tầng giao thông đường thủy còn yếu kém; hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường; chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch dường sông một cách đồng bộ; thiếu sự liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch đường sông; công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu còn hạn chế…
Theo ông Nguyễn Thực Hiện – Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, để phát huy tiềm năng phong phú, phát triển du lịch đường sông cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng bến bãi, cảnh quan dịch vụ ven sông. Từ đó thu hút doanh nghiệp xây dựng chương trình du lịch liên vùng, liên kết tỉnh, thành, kết hợp tham quan nhiều địa điểm trên cùng một tuyến đường sông sẽ giúp du khách có trải nghiệm phong phú hơn. Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh.
Đánh giá về kết quả khảo sát các tuyến du lịch đường sông và phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định: Nhiều năm qua, để hút khách, Thành phố và các tỉnh ĐBSCL đã liên kết, hợp tác xây dựng nhiều sản phẩm du lịch kết nối vùng. Tuy nhiên, các tuyến du lịch chủ yếu bằng đường bộ, chưa phát huy được lợi thế sông nước tại TP.HCM của cả vùng.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Lê Phúc Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị, để kết nối du lịch giữa TP.HCM – Trung tâm phân phối khách của cả vùng phía Nam với cả nước và quốc tế với các tỉnh ĐBSCL, thì đường sông cũng được xem là tuyến du lịch chủ đạo để đưa khách đến các điểm du lịch.
Trong thời gian tới các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần nghiên cứu, đưa ra giải pháp nhằm phát triển hiệu quả du lịch đường sông, thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng theo định hướng đã được phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.
Chung tay tháo gỡ khó khăn
Bàn về giải pháp phát triển du lịch đường sông kết nối TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL, ông Trần Tường Huy – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội, cho biết trước hết, thời gian tới cần phải có chính sách thuận lợi, tháo gỡ các rào cản pháp lý về đầu tư, quy hoạch thuê đất. Đối với các bến bãi hiện hữu, cần tiếp tục đầu tư thêm không gian và các dịch vụ du lịch đi kèm. Theo đó, phương tiện vận chuyển đường sông cần đầu tư phù hợp với lịch trình tuyến và đa dạng hóa để tạo nên sự phong phú cho sản phẩm du lịch đường sông với các loại như: cano, tàu tham quan, tàu có lưu trú, du thuyền…
Đầu tư cải tạo, đặt báo hiệu để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Xây dựng các bờ kè bảo vệ, đặc biệt các đoạn bờ đang bị sạt lở. Trường hợp xây dựng thêm bến mới phải dựa trên việc đánh giá hiệu quả tài nguyên du lịch để tạo hiệu quả trong khai thác, dự báo được cầu tàu neo đậu được nhiều loại phương tiện khác nhau, đặc biệt là các tàu có khả năng liên kết trong khai thác với vùng ĐBSCL…
Ông Đào Ngọc Cảnh – Giảng viên Khoa Du lịch, trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, thời gian qua chúng ta tập trung nhiều cho phát triển đườnng bộ, nhưng đường sông lại thiếu sự quan tâm nên các luồng lạch của đường sông bị bồi lắng, điều này cũng là nhân tổ cản trở du lịch đường sông phát triển, đồng thờ cũng giảm kết nối đữa đường thủy với đường bộ,…
Bà Hồng Thu Mai, Trưởng phòng Cung ứng Dịch vụ và Sản phẩm, kiêm Trưởng phòng Điều hành – Khối Du lịch Quốc tế – Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, chia sẻ: Công ty đã và đang vận hành tốt các sản phẩm đặc trưng như: Đối với đối tượng khách quốc tế Inbound, Lữ hành Saigontourist lựa chọn và chào bán các tuyến điểm đến có nhiểu cảnh quan thiên nhiên đặc trung sông nước sông Mekong cụ thể như Tour đi về trong ngày: Từ TP.HCM – Long An/ Mỹ Tho/ Bến Tre/ Cái Bè; tour dài ngày: TP.HCM – Bến Tre – Cần Thơ, TP.HCM – Bến Tre – Cần Thơ – Sóc Trăng – Châu Đốc…
Nhưng theo bà Hồng Thu Mai, để phát huy thế mạnh du lịch đường sông cần quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sông, các cầu cảng, bến tàu, bế cảng, và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đường sông, bao gồm việc mở thêm các tuyến du lịch mới kết nối TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong những năm tới, du lịch Việt Nam được định hướng phát triển thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch đường sông gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái vẫn là một trong những hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Để có thể khai thác tốt hơn du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSLC, cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và doanh nghiệp… tập trung đầu tư hạ tầng và quy hoạch đồng bộ, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tăng cường liên kết giữa các địa phương cũng như tăng cường quản lý môi trường.
Tại buổi Tọa đàm, Ban Tổ chức đã công bố các tour, tuyến sản phẩm du lịch đường thủy kết nối TP.HCM – các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Cụ thể gồm: Bộ sản phẩm 69 tour/tuyến sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM; Bộ sản phẩm 19 tour/tuyến sản phẩm du lịch lưu trú trên sông Mekong (TP.HCM – các tỉnh, thành vùng ĐBSCL); Bộ sản phẩm 14 tour/tuyến du lịch đường sông liên kết từ TP.HCM (xuất phát từ bến Bạch Đằng) đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; Bộ sản phẩm 22 tour/tuyến du lịch đường sông được định hướng phát triển trong liên kết TP.HCM – các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Dịp này Ban tổ chức cũng trao bản ghi nhớ thỏa hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch đường sông cho các các công ty và doanh nghiệp Du lịch TP.HCM và ĐBSCL.
Trường Ca – Theo sovhttdl.cantho.gov.vn