Đối mặt Covid-19: Ăn cơm như nhai giấy và 2 lần “chết hụt” vì chủ quan

108

 

 Trong giai đoạn nguy hiểm nhất của cơn bệnh, kéo dài suốt đêm, mắt tôi gần như không rời màn hình của máy đo SpO2 bởi trên đó thể hiện sự sống.

Sáng 24/7, nhận kết quả dương tính SARS-CoV-2, trong khi cả gia đình đều không ai mắc, tôi chạy ngay lên sân thượng, vào phòng chứa đồ và biến nơi đây thành “đại bản doanh” cho cuộc chiến chống Covid-19 của chính mình.

Căn phòng chứa đồ được anh Bình biến thành “đại bản doanh” trong cuộc chiến với Covid-19.

Là người thường xuyên đi đây, đi đó, nhìn 4 bức tường chật hẹp của căn phòng sẽ là cả “thế giới” của mình trong vài tuần tới, tôi bất thần cảm thấy sợ.

Một giờ đồng hồ đầu tiên, tôi dành thời gian để cố nghĩ xem mình đã bị lây nhiễm từ đâu. Nhưng việc tìm kiếm câu trả lời là bất khả thi, bởi cả tháng qua, tôi không ra ngoài.

Anh Bùi Trọng Bình, 49 tuổi, hiện đang sống tại quận 7, TPHCM, là một F0 tự điều trị tại nhà. Không chỉ là trải nghiệm của chính bản thân khi đối mặt với Covid-19, những chia sẻ của anh còn là “cẩm nang” để các F0 cũng đang tự điều trị tại nhà có thể vượt qua cuộc chiến này một cách dễ dàng hơn.

Hành trang vào cuộc chiến

Ở trong “đại bản doanh” của mình, tôi chuẩn bị kha khá thứ “vũ khí” cho cuộc chiến với Covid-19. Trước hết phải kể đến các loại thiết bị theo dõi sức khỏe. Có một số loại máy rất cần thiết khi tự điều trị Covid-19, mà giá thành không phải quá khó để tiếp cận như: máy đo huyết áp, dụng cụ đo nhiệt độ, máy đo SpO2.

Anh Bùi Trọng Bình, 49 tuổi, hiện đang sống tại quận 7, TPHCM, là một F0 tự điều trị tại nhà.

Tôi cũng chuẩn bị sẵn 20-30 bình oxy khẩn cấp, loại có thể dùng trong 10 phút, nhưng nếu có điều kiện thì máy tạo oxy là một lựa chọn tối ưu.

Bình nước, máy nước nóng để bất kì lúc nào cũng có nước ấm/nóng sử dụng. Tôi cũng mua thêm một loạt bình giữ nhiệt để đựng nước ấm, sữa nóng, nước gừng.

Thuốc men chuẩn bị được chia làm 2 nhóm: thuốc chữa triệu chứng (sốt, ho, tiêu chảy) và một nhóm thuốc để hỗ trợ hệ miễn dịch. Nhóm thuốc thứ 2 này, cần phải liên hệ với bác sĩ để được tư vấn theo thể trạng của từng người.

Hai lần “chết hụt” vì bị phần nổi của tảng băng đánh lừa

5 ngày đầu tiên, tôi xuất hiện đủ các triệu chứng của một người bệnh Covid-19: sốt, đau đầu, đau cơ, ho. Những triệu chứng này cũng nhanh chóng được xoa dịu bằng vài viên thuốc hạ sốt, giảm đau… Đến ngày thứ 6 tôi cũng không sốt nữa.

Tưởng như đã đặt một chân lên “vạch đích”, thì ngay ngày hôm sau, tôi đột nhiên ho nhiều và khó thở, thể trạng cũng xuống dốc rất nhanh. Cả người “như đi mượn”, chỉ đứng lên là đã có thể nghe thấy tiếng tim đập.

Biết không thể chủ quan với căn bệnh này, tôi liên hệ ngay với bác sĩ, uống thuốc theo chỉ định và liên tục đo SpO2 để kiểm tra sức khỏe và cập nhật tình hình cho bác sĩ.

Từ ngày thứ 7 trở đi, chỉ số SpO2 của anh Bình xuống thấp rõ rệt.

Sang ngày thứ 8, sức khỏe của tôi vẫn tụt dốc. Ngay tối hôm đó, tôi tỉnh dậy trong đêm vì ho nhiều nên uống một ngụm trà gừng. Đây cũng là một sai lầm nhớ đời, bởi khi cổ họng đang bị kích thích lại gặp một chất kích thích nữa đã gây sặc.

Đứng dậy thật nhanh theo phản xạ thì cuống họng đột nhiên siết chặt lại, không thở nổi. Sau đợt ngừng thở đó, tôi bị hoảng loạn, vội nằm xuống giường và bắt đầu luyện thở. 4 tiếng đồng hồ suốt đêm hôm đó, việc duy nhất tôi làm chỉ là “thở” và “thở”.

Tỉnh dậy sau khi vừa chợp mắt chỉ 1-2 giờ đồng hồ, tinh thần tôi như vỡ vụn, sụp đổ hoàn toàn. Sáng đó vào toilet, lấy nước muối sinh lý súc miệng thì lại ngay lập tức bị ho và “cơn ác mộng” quay trở lại sớm hơn tôi nghĩ.

Cổ họng như dần khép lại mặc cho tôi cố gắng hít từng hơi thật sâu. Chống tay lên bồn rửa để tìm điểm tựa, tôi giật mình khi thấy gương mặt mình trong gương: tím tái, nhăn nhó như một người sắp chết.

May mắn, sau khoảng 7 – 10 giây, tôi thở lại được. Vậy là lại dành cả buổi sáng để tập thở trên giường.

Trong giai đoạn nguy hiểm nhất của cơn bệnh, kéo dài suốt đêm, mắt tôi gần như không rời màn hình của máy đo SpO2, trên đó thể hiện sự sống. Chỉ số sinh tồn SpO2 cứ được giành giật qua lại con số 90, lằn ranh giữa thất vọng và hy vọng. Cứ mỗi khi thấy được số 93 hiện lên thì tôi lại chảy nước mắt. Mấy đêm sau này tai vẫn nghe được tiếng bíp bíp ngay cả khi máy đã tắt.

“Đừng tin vào triệu chứng”, đó là điều tôi học được khi trải qua cuộc chiến với Covid-19. Chỉ cần lơ là, chủ quan là sẽ rất nguy hiểm.

Khi nhiễm virus SARS-CoV-2, bệnh nhân luôn phải trải qua 2 cuộc chiến. Cuộc chiến để chữa trị các triệu chứng bên ngoài như sốt, ho, tiêu chảy thực chất chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”, bởi cuộc chiến ác liệt nhất và đóng vai trò quyết định lại ẩn sâu bên trong cơ thể, xảy ra giữa hệ miễn dịch và virus SARS-CoV-2.

Các loại thuốc ho, thuốc giảm đau chỉ khiến chúng ta dễ chịu nhưng không giúp khỏi bệnh và chỉ cần lơ là, không hỗ trợ cho hệ miễn dịch thì những tổn thương bên trong cơ thể sẽ “âm thầm” lan rộng ra.

Trong thời kì bệnh chuyển nặng, tinh thần của anh Bình như vỡ vụn.

Tới một lúc nào đó, phổi đã bị tổn thương nghiêm trọng, không đủ cung cấp oxy cho cơ thể, sức khỏe sẽ tuột dốc không phanh.

Xuyên suốt thời kì mắc Covid-19, không có ngày nguy hiểm nhất, mà bạn phải luôn cảnh giác. Chỉ lưu ý là giai đoạn bệnh nhân chuyển nặng thường rơi vào ngày 7-10. Giai đoạn trước đó, dù không có triệu chứng/triệu chứng nhẹ, nhưng cần phải hiểu trong cơ thể luôn có một cuộc chiến.

Ăn cơm như “nhai giấy” nhưng nếu nhịn là thua cuộc

Bữa ăn với bệnh nhân Covid-19 quan trọng chỉ sau vấn đề tập thở. Nghe thì có vẻ dễ nhưng với F0, mỗi bữa ăn thực sự là một thử thách khó nhằn.

Tôi mất vị giác và khứu giác hoàn toàn vào ngày thứ 3 sau khi mắc bệnh, đây cũng là tình trạng chung của phần lớn các bệnh nhân Covid-19.

Lúc này, cảm giác khi ăn không khác gì đang nhai giấy. Không chỉ đơn giản là vấn đề ngon miệng hay không, mà cơ thể sẽ phản ứng như khi chúng ta đưa một thứ gì đó không phải đồ ăn vào và sẽ đẩy ra bằng hết.

Thế nhưng, một bệnh nhân Covid-19 phải tìm mọi cách để đưa thức ăn vào cơ thể, vì lúc này hệ miễn dịch của chúng ta đang rất cần dinh dưỡng và năng lượng, để chống lại Covid-19. Nếu ăn ít cũng đồng nghĩa với việc bạn tước đi cơ hội chiến thắng của mình.

Tôi đã dùng nhiều chiêu để đánh lừa cơ thể của mình. Trước hết là chia nhỏ bữa ăn. Khi ăn cũng không nên ngậm lâu trong miệng. Đồ ăn được chế biến theo dạng lỏng, mềm. Đang ăn nửa bữa có thể đi tắm, súc miệng rồi ăn tiếp.

Đồ ăn cũng phải để nguội để khi đưa lên miệng không phải thổi và có thể nuốt luôn. Bởi khi thổi đồ ăn, phản ứng của cơ thể lại “trỗi dậy” vì không muốn đưa thứ vô vị đó vào người.

Khi quá khó ăn có thể cho nước súp, canh vào bình giữ nhiệt và nhấm nháp như ly bia. Đối với F0, một bữa ăn kéo dài 2 giờ đồng hồ là chuyện hoàn toàn bình thường.

Mỗi ngày tôi uống thêm một viên vitamin C. Sữa nóng cũng luôn có sẵn trong bình giữ nhiệt vì nó vừa tăng dinh dưỡng, vừa xoa dịu cổ họng.

Giành lại giấc ngủ cũng là cuộc chiến sống còn

Qua 2 lần bị tắc thở đột ngột, tôi rơi vào trạng thái trầm cảm, không dám nhắm mắt vì chỉ sợ khi đi ngủ lại rơi vào tình trạng đó một lần nữa. Tôi bị mất ngủ trầm trọng suốt thời gian điều trị Covid-19 cũng là vì lý do như vậy.

Mỗi ngày tôi chỉ ngủ được một tiếng, kéo dài liên tục 10 ngày. Khi mất ngủ, nhịp sinh học của tôi bị rối loạn, dẫn đến stress và càng stress thì lại càng mất ngủ. Vòng luẩn quẩn này mài mòn dần sức lực và ý chí của bệnh nhân.

Theo kinh nghiệm của anh, trước lúc ngủ cần phải đặt tất cả những vật dụng cần thiết ở ngay sát chỗ nằm để có thể lấy được ngay.

 

Nhiều vấn đề khác cũng phát sinh từ tình trạng này như tim đập nhanh, nhận thức không còn chính xác. Ở một mình với 4 bức tường tại phòng cách ly lại càng khiến tôi bị hoảng loạn và rồi… sụp đổ.

Qua những đêm trằn trọc, tôi vừa tìm thông tin, vừa thử nghiệm và điều may mắn là cuối cùng đã xây dựng được một công thức “ngủ ngon” cho chính mình, mà tôi tin rằng nó cũng sẽ là “phao cứu sinh” cho các bệnh nhân Covid-19 khác đang chới với trong vòng luẩn quẩn này.

Để giành lại giấc ngủ, có 3 việc cần làm:

Thứ nhất là dọn dẹp phòng, bày biện thuốc men và các vật dụng cần thiết ở ngay cạnh giường. Hãy nhớ rằng, bạn chỉ có một mình, đừng để phải hoạt động mạnh vào ban đêm. Bởi khi thức dậy vì khó thở vào giữa đêm mà phải đi tìm đồ thì cơn hoảng loạn cộng với sự bối rối càng khiến chúng ta gặp nguy hiểm.

Sát chỗ nằm của tôi trước khi đi ngủ luôn có chai nước nóng bỏ tinh dầu khuynh diệp để xông; một chai nước ấm để uống; nước trà gừng; thuốc hỗ trợ/thực phẩm chức năng và thuốc điều trị, hai loại này tuyệt đối không để chung, vì khi hoảng có thể lấy nhầm sẽ rất tai hại; máy đo nhiệt độ; máy đo SpO2 và bình oxy.

Một bài học mà tôi rút ra được từ lần ngưng thở là khi trong đêm bị tỉnh giấc vì khó thở hoặc bị ho (hoặc bất kì thời điểm nào), chỉ nên uống nước ấm và phải uống chậm, cũng không được lập tức đứng dậy mà phải luyện thở. Sau khi cảm thấy cơ thể trở về cân bằng có thể uống trà gừng hoặc sữa ấm.

Điều thứ hai là nên uống thuốc trước khi ngủ ít nhất 4 tiếng và trong vòng 4 tiếng này cũng không nên dùng bất cứ sản phẩm hỗ trợ sức khỏe nào như nước sâm, nước cốt gà. Vì cơ thể khi bị bệnh đã yếu, việc uống thêm đồ bổ dưỡng gần giờ ngủ có thể khiến hệ tiêu hóa quá tải, gây nóng gan. Gan có “ngủ” thì chúng ta mới ngủ được.

Việc thứ ba là mát xa cơ thể. Tôi nhận ra rằng ngâm chân bằng nước nóng và đấm bóp cơ thể giúp thư giãn rất nhiều. Bạn cũng nên cố gắng uống nước ấm thường xuyên và đừng gây áp lực tinh thần là phải ngủ bằng được trong đêm nay.

“Ok! Tối nay ngủ không được thì sáng mai ngủ bù”, tôi vẫn thường tự trấn an mình như vậy.

Thông tin tốt cần cho người bệnh cũng như oxy để thở

Thời gian đầu bị bệnh, tôi đã từng cãi nhau to với vợ một lần vì cô ấy kể tôi nghe về người thân của bạn bè mắc Covid-19 và qua đời.

“Anh cũng muốn sống mà, đừng để anh nghe những tin đó nữa”, tôi gắt lên với vợ mình vì…sợ.

Thời gian đầu bị bệnh, anh Bình đã từng cãi nhau to với vợ một lần khi chị kể về người thân của bạn bè mắc Covid-19 và qua đời (Ảnh minh họa).

Với một người mắc Covid-19, áp lực từ những thông tin xấu là rất lớn. Muốn chữa bệnh, họ cần được cách ly với những thông tin tiêu cực.

Đừng nghĩ rằng, một người mạnh mẽ có thể đối mặt với những sự thật cực đoan đó. Tôi ngày thường là một người lạc quan nhưng vẫn dễ dàng sụp đổ, buông xuôi.

Vì vậy, nếu gia đình bạn có người nhà là F0, hãy bảo vệ họ trước những thông tin tiêu cực và mang tới những tin tốt, bởi nó cần cho người bệnh cũng như oxy để thở.

Tình yêu gia đình sẽ thắp lên ngọn lửa hy vọng

Đừng đơn độc trong cuộc chiến với Covid-19, bởi với sự đồng hành của gia đình, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Từ khi mắc Covid-19, vợ tôi một tay lo cho cả gia đình và thêm cả phần việc phục vụ cho người chồng F0. Mọi việc trước kia chẳng thể nào làm được thì nay “bất chấp”.

Những đêm vật vã trong vô vọng, chỉ số SpO2 liên tục giảm, cô ấy trở thành chỗ dựa tinh thần của tôi.

Vợ anh Bình dọn dẹp hành lang bên ngoài phòng cách ly.

“Anh ngủ được rồi em ơi. Sống với mẹ con em được rồi”; “Chồng phải cố ăn vì mẹ con em nhé”, chúng tôi đã liên tục nhắn tin động viên nhau như vậy.

Khi tôi ngủ được sau cả đêm dài trằn trọc, tôi biết, cô ấy đã khóc rất nhiều. Lại có lần bệnh tình trở nặng, cả nhà gần như bế tắc, cô ấy lại sang phòng thờ để “nói chuyện” với ba và cầu mong những điều tốt lành nhất.

Mặc dù qua nhiều lớp cách ngăn nhưng gia đình muốn được gặp nhau lần nữa nên đều cùng phải cố gắng.

“Nếu mình không bị bỏ lại, thì không có lý do gì để bỏ cuộc”, tôi luôn tự nhắc mình, bởi những nỗ lực của vợ không cho phép tôi ngừng cố gắng.

Tinh thần có lúc hoảng loạn, vụn vỡ vì mất ngủ và xuống sức nhanh chóng; căng thẳng lo âu, nên chỉ sau 10 ngày tóc đã bạc trắng; nhiều đêm dài chỉ chờ đến sáng để thấy mặt trời; và rồi ngọn lửa hy vọng lại được thắp lên.

Ngày 15/8, cả gia đình vỡ òa trong hạnh phúc khi tôi nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2. Mặc dù phía trước còn cả một chặng đường dài để hồi phục lại cơ thể đã bị Covid-19 “tàn phá” nhưng dù sao giai đoạn khó khăn nhất cũng đã qua.

Cuộc sống đâu mong manh chỉ sợ hy vọng của chúng ta mong manh mà thôi!

Nguồn Dân Trí