ĐÔ THỊ ĐÀ NẴNG QUA CÁC THỜI KỲ QUY HOẠCH

1057

Từ một vùng đất hoang vu, nằm hai bên bờ con sông Hàn, sát bờ biển những năm đầu thế kỷ thứ XIV, đến hôm nay Đà Nẵng đã trở thành một trong những đô thị hiện đại của cả nước và khu vực, là điểm đến của đông đảo du khách quốc tế. Xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng) nhân kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc  Trung ương.

Thành phố Đà Nẵng qua quá trình phát triển của đô thị Đà Nẵng gắn liền với các quy hoạch đô thị. Từ bản quy hoạch đầu tiên do người Pháp thực hiện cách đây hơn 100 năm, Đà Nẵng được định hình theo mô hình đô thị công nghiệp, với hệ thông giao thông bàn cờ, các phân khu chức năng như khu ở, khu làm việc, khu buôn bán được minh định mạch lạc, cho đến nay Đà Nẵng đã thực hiện nhiều quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, trong đó tập trung nhiều nhất trong vòng 25 năm gần đây khi Đà Nẵng chính thức trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương.

Các bản quy hoạch đô thị không chỉ là căn cứ pháp lý giúp cho chính quyền thành phố làm cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển đô thị, mà còn là sản phẩm khoa học, kết tinh trí tuệ tập thể xã hội. Sau mỗi lần quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, hình hài đô thị Đà Nẵng trở nên rõ nét, sinh động và liên tục phát triển về quy mô, từ dân số đô thị, đất xây dựng đô thị đến chất lượng hạ tầng đô thị.

Rất khó để có thể phân chia một cách cụ thể các giai đoạn phát triển của đô thị Đà Nẵng do ảnh hưởng của nhiều biến cố lịch sử. Tuy nhiên, xét về khía cạnh quy hoạch, có thể tạm chia các thời kỳ đô thị hóa của Đà Nẵng thành 4 giai đoạn : Giai đoạn đô thị thực dân (1888-1945), Giai đoạn đô thị phục vụ chiến tranh (1945-1975), Giai đoạn đô thị thuộc tỉnh (1975-1997), Giai đoạn đô thị trực thuộc Trung ương ( 1997 – Nay).

  1. Giai đoạn đô thị thực dân (1888-1945) : Cho đến nay chúng ta không xác định được thời điểm cũng như nội dung của bản quy hoạch mà Toàn quyền Đông Dương đã sử dụng để xây dựng Đà Nẵng thời kỳ đầu của quá trình đô thị hóa. Nhưng bộ mặt đô thị Đà Nẵng hình thành trong giai đoạn 1888- 1945 cho thấy, lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng được xây dựng theo một bản qui hoạch đô thị có tầm nhìn lâu dài, khoa học, có chủ đích, hướng đến một mô hình đô thị công nghiệp, làm nền tảng quan trọng để phát triển Đà Nẵng những năm sau.

Trong giai đoạn phát triển này, hệ thống hạ tầng và không gian đô thị được ưu tiên phát triển. Dựa trên bản quy hoạch được phê duyệt, hệ thống hạ tầng bao gồm đường đô thị kết nối thông suốt, hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng được đẩu tư xây dựng khang trang, bền vững. Hệ thống đường nội thị, đường phố có mạng lưới hình bàn cờ, ô phố, mặt đường được trải nhựa, có vỉa hè là cấu trúc giao thông điển hình của đô thị công nghiệp hình thành nên khung xương sống cho đô thị. Từ 13 con đường cuối thể kỷ thứ XIX đến năm 1945 Đà Nẵng có 45 con đường có tên. Thành phố được chiếu sáng ban đầu bằng dầu lửa, đèn khí đá, sau này là năng lượng điện. Việc thu gom rác được thực hiện bằng xe bò [1].

 

Không gian đô thị mở rộng hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ hai phía biển vào phía trong nội địa, dọc theo tả ngạn sông Hàn. Qui mô đô thị được xây dựng trong phần nhượng địa có diện tích là 10.000 ha năm 1889 gồm có 5 xã , năm 1901 tăng lên 19 xã. Qui mô dân số đô thị tăng khá nhanh, từ 9.892 người năm 1888 lên đến 50.900 người năm 1943. Tốc độ bình quân giai đoạn 1921-1936 là 3,5%/năm [2].

Năm 1888 1921 1936 1943
Dân số (người) 9892 16355 25000 50900

(Nguồn : Lịch sử Đà Nẵng 1858-1945)

Tuy diện tích đô thị khá nhỏ nhưng các phân khu chức năng đô thị khá rõ ràng từ tổng thể đến chi tiết, bao gồm các khu vực ở cho người Việt, khu ở cho người nước ngoài, khu thương mại, khu hành chính, khu văn hóa, khu công nghiệp…được thiết lập. Các khu hành chính, thương mại được quy hoạch trở thành trung tâm của đô thị, các khu công nghiệp được xây dựng khá xa khu trung tâm được kết nối bằng hệ thống đường sắt. Các công trình giao thông đầu mối như sân bay, ga đường sắt được lựa chọn địa điểm bố trí kỹ lưỡng. Trên cơ sở các phân khu được thiết lập, nhiều công trình kiến trúc hiện đại, mang đậm phong cách châu Âu, là công sở, văn phòng công ty và các công trình công cộng được xây dựng.

Mặc dầu được quy hoạch theo mô hình đô thị công nghiệp, nhưng trong giai đoạn này, Đà Nẵng được xây dựng và quản lý theo mô hình đô thị thực dân. Đô thị Đà Nẵng phát triển thiếu cân đối cả về không gian đô thị lẫn hạ tầng đô thị, thực chất chỉ được hình thành chủ yếu phía bên tả ngạn sông Hàn, tập trung vào ranh giới 5 xã theo đạo dụ 1888, nơi được xem là trung tâm thành phố, chỉ dành cho người Pháp. Hệ thống hạ tầng phát triển không đồng bộ, chỉ chú trọng đầu tư các công trình có thể khai thác thuộc địa nhanh nhất, sớm nhất là các công trình hạ tầng giao thông như hệ thống đường sắt, đường bộ.

Khu vực tả ngạn sông Hàn, khu vực người Việt sinh sống hầu không được đầu tư các điều kiện về hạ tầng thiết yếu vì vậy đời sống, sinh hoạt của người dân vẫn là khu vực nông thôn. Đô thị chưa hình thành bản sắc, phần lớn các công trình kiến trúc được xây dựng theo nguyên mẫu châu Âu. Được xem là đô thị loại II và là một trong 5 đô thị lớn của cả nước thời bấy giờ nhưng cho đến khi kết thúc thời gian là nhượng địa (1945), sau gần 60 năm phát triển Đà Nẵng cơ bản vẫn là một đô thị nhỏ, cả về không gian đô thị, dân số và qui mô kinh tế, không tương xứng với vị thế, tầm quan trọng của một đô thị được quy hoạch trở thành đô thị hàng đầu của khu vực Miền Trung.

 

(còn tiếp)

 

                                                                                      TS Đặng Việt Dũng

                                                                         Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam