ĐÔ THỊ ĐÀ NẴNG QUA CÁC THỜI KỲ QUY HOẠCH

581

Từ một vùng đất hoang vu, nằm hai bên bờ con sông Hàn, sát bờ biển những năm đầu thế kỷ thứ XIV, đến hôm nay Đà Nẵng đã trở thành một trong những đô thị hiện đại của cả nước và khu vực, là điểm đến của đông đảo du khách quốc tế. Tạp chí Ánh Sáng & Cuộc Sống  xin giới thiệu bài kết luận của Tiến sĩ Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng) nhân kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc  Trung ương (1/1/1997-1/1/2022).

  1. Giai đoạn đô thị trực thuộc Trung ương ( 1997 – Nay) : Sau một thời gian dài kiên trì đề xuất kiến nghị, bắt đầu từ năm 1983 với đề xuất mở rộng địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng thông qua việc sát nhập 6 xã thuộc huyện Hòa Vang chưa được chấp nhận, đến năm 1992 Đà Nẵng mới được hưởng quy chế 344 về thực hiện nhiệm vụ như một cấp ngân sách và kế hoạch và cho đến ngày 1.1.1997, Đà Nẵng chính thức là đô thị trực thuộc Trung ương trên cơ sở sát nhập thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa với diện tích tự nhiên là 128.340 ha, gấp 13,4 lần về diện tích tự nhiên và dân số là 633.115 người, tăng hơn 113.731 người so với thành phố Đà Nẵng (cũ). Giai đoạn này của Đà Nẵng có thể chia thành hai thời kỳ phát triển.

 

Thời kỳ 1997-2003, Đà Nẵng là đô thị loại II trực thuộc Trung ương với 5 quận, 2 huyện, 33 phường, 14 xã, là đô thị lớn thứ 4 của cả nước. Đà Nẵng được xác định là đô thị hạt nhân, động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Thời kỳ này, Đà Nẵng được xây dựng và phát triển theo đô án quy hoạch chung năm 1993 với quan điểm lấy đầu tư hạ tầng là khâu đột phá. Các khu chức năng đô thị như các khu vực công nghiệp tập trung ở Liên Chiểu, Hòa Khánh, An Đồn, các khu dân cư mới bên bờ Đông sông Hàn, Nam Sân bay, khu vực Vĩnh Trung, các trung tâm hành chính mới của các quận hình thành rõ nét.

Nhiều tuyến đường giao thông nội thị được nâng cấp, mở rộng, một số tuyến đường trục được mở mới nhằm thúc đẩy sự phát triển không gian đô thị theo quy hoạch. Một cuộc cách mạng về chỗ ở cho người dân khi khu “ nhà chồ” bên sông Hàn được giải tỏa nhường lại không gian để xây dựng tuyến đường Bạch Đằng Đông và hệ thống công viên. Cầu Sông Hàn được khánh thành năm 2.000, thúc đẩy quá trình đô thị hóa bên bờ Đông, trở thành biểu tượng của một giai đoạn phát triển. Dân số đô thị tăng nhanh từ 690.044 người (1998) lên 760.724 người năm 2003, trung bình 15.000 người/năm. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 465/2002/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung cho TP Đà Nẵng (mới) với việc xác định Đà Nẵng là đô thị loại I quốc gia, trung tâm kinh tế trọng điểm miền Trung có diện tích đất tự nhiên là 128.340 ha.

 

Thời kỳ 2003 – nay, Đà Nẵng trở thành đô thị loại I quốc gia (2003) với 6 quận, 2 huyện, 56 phường, xã.  Thời kỳ này, Đà Nẵng đã 2 lần điều chỉnh quy hoạch vào các năm 2013 và 2021. Quy mô đô thi đã có sự phát triển vượt bậc. Diện tích đất đô thị vào khoảng 7000 ha năm 2005 tăng lên 12.502 ha năm 2010 và 18.396 ha năm 2019, gấp gần 4 lần năm 1997. Dân số đô thị tăng từ 784.834 người (2004) lên 805.613 người (2010) và 1.134.310 người (2019),[5] gấp gần 2 lần năm 1997. Không gian đô thị được mở rộng không ngừng trên quan điểm quay mặt ra biển, tựa lưng vào núi, kéo dài dòng sông, kéo dài bờ biển. Bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày với rất nhiều công trình kiến trúc cao tầng, công trình giao thông độc đáo. Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, hiện đại của cả nước và khu vực.

Thay lời kết

Với hành trình hơn 100 năm phát triển đô thị, Đà Nẵng đã trải qua nhiều thăng trầm mà một bài báo ngắn không thể có cơ hội lột tả một cách đầy đủ. Chỉ riêng trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, mặc dầu mới được thực hiện một cách bài bản trong những năm gần đây nhưng cũng rất cần nhiều thời gian, tài liệu và trang viết để có thể đánh giá một cách toàn diện nhất, khách quan nhất những ý tưởng đột phá, sáng tạo, có tầm nhìn trong quy hoạch đô thị Đà Nẵng, và kể cả những vấn đề hiện vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên chúng ta có thể tạm rút ra một số nhận xét như sau :

  1. Quá trình hình thành và phát triển của đô thị Đà Nẵng, các yếu tố tự nhiên bao gồm sông, núi, biển, rừng luôn được coi trọng như là các bộ phận cấu thành cơ thể đô thị, trong đó sông Hàn luôn được các nhà quy hoạch, thiết kế phát triển đô thị xem là báu vật, là nền tảng để phát triển ý tưởng, là trục không gian chính để hình thành nên khung kiến trúc đô thị. Ngay từ bản quy hoạch đầu tiên, điểm khởi đầu để phát triển đô thị được xuất phát từ tả ngạn sông Hàn, dần phát triển qua hữu ngạn sông Hàn và mở rộng dần sang phía Tây, phía Đông, phía Nam để chúng ta có một quy mô đô thị như hôm nay.

 

  1. Đô thị Đà Nẵng được xây dựng trên ý tưởng phát triển đô thị công nghiệp với việc đầu tư hạ tầng giao thông đi trước. Ở trong tất cả các giai đoạn quy hoạch, hệ thống giao thông đầu mối như cảng, sân bay, mạng lưới đường đối ngoại, hệ thống đường nội thị luôn được ưu tiên đầu tư, hình thành nên bộ khung phát triển.

 

  1. Các bản quy hoạch, cẩm nang để phát triển đô thị, được nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán khoa học, có tính khả thi rất cao. Nguyên tắc quy hoạch được tuân thủ chặt chẽ, linh hoạt phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Đô thị Đà Nẵng được hình thành trên các bản đồ quy hoạch này đã trở thành một đô thị hiện đại, năng động, giàu bản sắc, khẳng định vị thế trong hệ thống đô thị cả nước và khu vực.

 

  1. Năm 1985, là giai đoạn thành phố Đà Nẵng xin được mở rộng đô thị, tỷ lệ diện tích đất đô thị / trên diện tích đất tự nhiên là 44%, mật độ dân số là 61,87 người/ ha. Năm 2019, tỷ lệ diện tích đất đô thị / trên diện tích đất tự nhiên (không tính diện tích lâm nghiệp, huyện đảo) là 54%, mật độ dân số là 61,66 người/ha, cho thấy để Đà Nẵng có thể trở thành một thành phố của Châu Á thì cần sớm cân nhắc việc mở rộng diện tích đô thị, hình thành cụm đô thị trong chuỗi đô thị tại khu vực ven biển miền Trung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

——————————————————————————————————————–
[1]. Hội khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng (2007) “ Lịch sử Đà Nẵng (1858-1945)”, Nhà xuất bản Đà Nẵng.

[2]. Võ Văn Dật (2007) “ Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975”, Nhà xuất bản Hồng Đức.

[3]. Ngọc Đà (1971) “ Đà Nẵng trên đường phát triển”. Bản điện tử.

[4]. Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng : “Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng qua các thời kỳ” (1930-2005), Nxb. Đà Nẵng.

[5]. Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2015) “ 40 năm Đà Nẵng thế và lực”, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

                                                                           TS Đặng Việt Dũng

(Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam)