Điện gió trong ánh bình minh

74

 

Năm 2021 ghi nhận sự thành công “Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu” (COP26) ở Vương quốc Anh, bắt đầu hôm 1/11 và kết thúc hai tuần sau đó. Nhiều thỏa thuận được ký kết, trong đó, ngày 4/11/202, Việt Nam cùng 46 quốc gia khác ký Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch. Quá trình chuyển đổi này ở nước ta đã sôi động với nhiều dự án điện mặt trời, điện gió và đầu Xuân 2022 xin giới thiệu vài nét về kết quả COP26 cùng chùm ảnh điện gió trong ánh bình minh.

Nhà máy điện gió trên đất liền

Kết quả COP26

Phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 có 147 quốc gia (Trung quốc, Ấn Độ, Nga, Úc, Việt Nam…) cam kết. Có 25 quốc gia (Canada, Denmark, Italy, Hoa Kỳ, G7…) và nhiều định chế tài chính Tuyên bố chung dừng sử dụng nguồn lực công hỗ trợ phát triển điện than phát CO2 ra khí quyển từ năm 2022; có 46 quốc gia (Việt Nam…), 5 khu vực, 26 công ty toàn cầu ủng hộ tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch. Có 103 quốc gia (Việt Nam…) cam kết tham gia giảm phát thải ít nhất 30% khí mê-tan toàn cầu vào năm 2030.

Nhà máy điện gió trên đất liền

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Chính phủ nước ta nhấn mạnh: Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Tại sự kiện công bố cam kết mê-tan cùng 103 nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng nước ta kêu gọi: Tất cả các nước giàu, các nước phát triển chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo trong việc hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo; bố trí tài chính xanh phù hợp và hiệu quả; chia sẻ công nghệ xanh; quản trị quốc gia để cắt giảm mê-tan.

Ý kiến chuyên gia

Ngày 23/12/2021, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh tổ chức Hội thảo “Khởi tạo hành trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 ở Việt Nam”, chuyên gia Phạm Văn Tấn nhận xét: Việt Nam đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ cao. Việc cam kết đưa phát thải ròng về 0 và tham gia cam kết mê-tan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển. Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhà máy điện gió trên biển và việc thi công móng trụ

“Cần tiếp tục khơi dậy tiềm năng, huy động và tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển các cơ chế tài chính, thị trường cac-bon; thúc đẩy xu hướng chuyển dịch đầu tư cho các ngành kinh tế xanh, cac-bon thấp sử dụng hợp lý nguồn lực của Nhà nước, phát huy nguồn lực của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và khai thác hiệu quả nguồn lực quốc tế cho ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”, chuyên gia Phạm Văn Tấn kết luận.

Công nhân vào ngày mới lúc 7 giờ 17 phút hôm 19/11/2021

Điện gió trong ánh bình minh

          Những bức ảnh cộng tác viên của Ánh Sáng và Cuộc Sống chụp tua bin điện gió trong ánh bình minh ở miền Trung và miền Nam, trên đất liền và trên biển nước ta với công nhân vào ngày mới.

                                                                                                THANH THÚY