Điện gió, mặt trời sẽ phát triển ra sao sau cam kết COP 26?

66

Các nguồn điện sạch, gồm điện khí, gió, mặt trời… sẽ chiếm tỷ trọng 75% tổng công suất, góp khoảng 70% sản lượng hệ thống đến năm 2045.

Thông tin này được ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo chia sẻ tại diễn đàn Công nghệ và năng lượng, chiều 30/11. Đây là một trong những nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch của Việt Nam, sau cam kết về mục tiêu đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP 26.

Theo ông Dũng, tính toán mới nhất của Bộ Công Thương về kịch bản phát triển nguồn điện đến năm 2030, tầm nhìn 2045, năng lượng tái tạo sẽ phát triển mạnh, tăng nhiều so với quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Chẳng hạn, năm 2030 dự kiến công suất điện gió khoảng 20.000 MW; điện mặt trời (gồm điện mặt trời mái nhà) sẽ đạt công suất tương tự. So với quy hoạch VII điều chỉnh, các nguồn điện này tăng lần lượt 14.000 MW và 8.000 MW.

Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh tới nguồn điện gió ngoài khơi, vốn trước đây chưa được phát triển do các yếu tố liên quan kỹ thuật, điều kiện kinh tế, công nghệ… thì trong dự thảo quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu 4.000 MW vào năm 2030.

“Việt Nam sẽ chuyển dịch từ sử dụng các nguồn năng lượng hoá thạch (điện than), sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Mục tiêu là tổng công suất các nguồn điện sạch chiếm tỷ trọng 75% vào tổng hệ thống và góp 70% sản lượng điện”, ông Dũng chia sẻ.

Các diễn giả tham gia diễn đàn Công nghệ và năng lượng Việt Nam 2021, chiều 30/11. Ảnh: Anh Minh

Về tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cho hay, nước ta có tiềm năng phát triển điện gió trên bờ khoảng 217 GW, điện gió ngoài khơi 160 GW; điện mặt trời (gồm điện mặt trời mái nhà) khoảng 434 GW, điện sinh khối 5 GW…

Theo ông, việc triển khai năng lượng tái tạo sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Đầu tiên là giúp giảm chi phí, như với thủy điện có chi phí thấp nhất trong các nguồn điện.

Các công nghệ điện mặt trời và gió cũng đã đạt được lợi thế cạnh tranh do tiến bộ công nghệ và tăng cường đầu tư; điện mặt trời và điện gió hiện đã cạnh tranh được với nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu. Dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo tiếp tục giảm chi phí đáng kể trong những thập kỷ tới, trong khi chi phí của nguồn nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có xu hướng tăng do các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.

“Việt Nam phải đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ mới, công nghệ xanh trong lĩnh vực năng lượng với các chính sách ưu tiên và dành nguồn lực xứng đáng để phát triển, nhận chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng này”, ông nói.

Ngoài tăng nguồn điện sạch, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Môi trường và Biến đổi khí hậu (UNDP) góp ý, Việt Nam cần sử dụng điện hiệu quả hơn, cường độ năng lượng tạo ra GDP hiện gấp 1,5-1,7 lần so với các nước trong khu vực. Cùng đó, Việt Nam cần tăng hấp thụ và giảm phát thải từ các khu vực sản xuất chính như công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng… xuống một nửa hiện nay, để đạt mục tiêu trung hoà khí nhà kính trong tương lai.

Ở khía cạnh này ông Trần Văn Tùng đồng tình và cho hay một bản kế hoạch cơ cấu lại phát triển khoa học công nghệ. Trong đó, có công nghệ trong năng lượng đang được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cho giai đoạn 2021-2025, hướng tới mục tiêu chuyển đổi, ứng dụng công nghệ mới trong phát triển năng lượng tái tạo.

Theo ông, hiện khoa học công nghệ đã tiến bộ, giúp giảm thiểu rủi ro, tăng khả năng sản xuất điện với các nguồn năng lượng tái tạo, giúp giảm thiểu phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết. Các công nghệ kỹ thuật số mới, chẳng hạn như lưới điện thông minh, công nghệ lưu trữ năng lượng cũng được phát triển rất nhanh, góp phần quan trọng trong ổn định hệ thống điện có các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi chiếm tỷ lệ cao.

Dù vậy, để đa dạng hoá nguồn điện và đạt mục tiêu đưa ra tại COP 26, các chuyên gia khuyến nghị, nhà quản lý cần có chính sách đảm bảo kết nối giữa nguồn và lưới điện; môi trường đầu tư ổn định và ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn dùng công nghệ trong năng lượng tái tạo.

Ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, khi tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, hệ thống đấu nối, lưới điện cần đầu tư nhiều hơn. “Quy hoạch điện VIII sẽ quy hoạch đồng bộ nguồn và lưới điện. Tới đây, việc thực hiện đúng tiến độ xây dựng nguồn và lưới thì giải toả công suất không phải vấn đề quá lớn”, ông nhấn mạnh.