Đèn LED chuyên dụng cho nghề lưới vây

9

Ngày 13/11/2020, tại hội thảo “Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức ở Cần Thơ, Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam trình bày ứng dụng đèn LED chuyên dụng cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng.

Khái quát công nghệ

Đèn LED cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng có công suất 200W và 300W, để thay thế đèn truyền thống của ngư dân có công suất tới 1.300W. Đấu nối với nguồn điện xoay chiều từ máy phát điện 220V trên tàu, mỗi đèn LED được nối với một công tắc của bộ điều khiển hệ thống để bật/tắt trong quá trình chong đèn tập trung cá và điều khiển đèn gom cá để đánh bắt.

Cấu tạo của đèn LED (a) – Bộ đèn LED 200W và (b) – Bộ đèn LED 300W. Gồm có (1)  Chíp LED phát sáng; (2) Vỏ tản nhiệt; (3) Thấu kính quang học; (4) Đai bảo vệ; (5) Nguồn LED; (6) Quai treo đèn; (7) Bu lông điều chỉnh góc chiếu; (8) Bu lông cố định góc chiếu; (9) Giá đỡ quai treo

Bộ điều khiển hệ thống đèn LED trên tàu lưới vây được thiết kế bao gồm các CB-10A (Aptomat hay còn gọi là cầu dao tự động) để điều khiển tắt/mở cho hệ thống đèn LED phù hợp với quá trình vận hành của nghề lưới vây khi giảm đèn gom cá.  Hệ thống điện trên tàu cung cấp cho hệ thống đèn LED từ máy phát điện xoay chiều 3 pha. Bộ điều khiển được thiết kế để tắt/mở cho 3 cụm đèn LED phân bố đều trên 3 pha. Các CB được đấu nối với nguồn điện theo nguyên tắc 1 – 2 – 3 tương ứng với các pha A – B – C, nhằm khắc phục hiện tượng lệch pha khi tắt đèn gom cá.

Hệ thống đèn LED được bố trí đều hai bên mạn tàu và phía sau lái, lắp đặt phía trên cabin tàu cố định vào khung thép hoặc gỗ tùy theo kết cấu của tàu. Khung lắp hệ thống đèn được thiết kế với cơ cấu trục ngang dễ dàng đẩy ra/thu vào cách mép cabin tàu 1,0 m.

Hiệu quả của công nghệ

So với công nghệ phổ biến hiện nay, năng suất khai thác trung bình của tàu lưới vây sử dụng đèn LED đạt 2,8 tấn/mẻ, cao hơn tàu tàu lưới vây sử dụng đèn truyền thống 0,2 -0,9 tấn/mẻ. Sản lượng trung bình đạt 23,6 tấn/chuyến/tháng, cao hơn sản lượng trung bình của tàu sử dụng đèn truyền thống khoảng 2 tấn/chuyến/tháng. Nhiện liệu dầu diesel sử dụng cho máy phát điện để chong đèn thu hút cá của tàu lưới vây sử dụng đèn LED tiết kiệm được 56,4% lượng nhiên liệu so với tàu sử dụng đèn truyền. Mỗi đêm trung bình tiết kiệm bình quân khoảng 57 lít dầu, tương đương mỗi chuyến biển tiết kiệm trung bình khoảng 1.100 lít dầu diesel.

Đại biểu dự hội thảo quan tâm tới đèn LED dùng cho nghề biển

Đèn LED có tuổi thọ thấp nhất là 20.000 giờ, gấp 2,5 – 3 lần so với đèn truyền thống, thời gian sử dụng đèn LED đánh bắt thủy sản khoảng 5 – 6 năm. Sản phẩm đánh bắt chủ yếu là các loài cá có giá trị kinh tế chiếm tỷ lệ cao: cá ngừ (cá ngừ chù, cá ngừ chấm, cá ngừ vắn) chiếm 82,4% sản lượng, cá nục chiếm 2,1%, cá thu (cá thu vạch, cá thu chấm) chiếm 1,7%, các khác chiếm 13,8%. Kích cỡ cá tương đồng với các tàu khác đánh bắt trong cùng ngư trường.

Hiệu quả kinh tế xã hội

Chi phí trung bình của chuyến biển đối với tàu lưới sử dụng đèn LED chỉ chiếm khoảng 81,5% so với tàu sử dụng đèn truyền thống. Doanh thu của tàu lưới vây sử dụng đèn LED cao hơn khoảng 8,9% so với tàu sử dụng đèn truyền thống.

Với khả năng tập trung đàn cá và sản lượng đánh bắt tương đương nhau thì lợi nhuận trung bình của chuyến biển đối với tàu sử dụng đèn LED cao hơn 25,3% so với tàu sử dụng đèn truyền thống, khoảng 70,4 triệu đồng/chuyến/tháng. Đây là khoản lợi nhuận từ việc tiết kiệm chi phí từ nhiên liệu chạy máy phát điện và sản lượng đánh bắt trong chuyến biển. Qua đó có thể thấy thu nhập của thủy thủ và chủ tàu (theo tỷ lệ chia 5:5) cũng tăng thêm khoảng 25,3%.

Kết quả áp dụng 

Các tàu khai thác kết hợp ánh sáng (lưới vây, lưới chụp, câu) khai thác hải sản sản ở vùng biển xa bờ Việt Nam đều có thể áp dụng công nghệ này. Kết quả từ năm 2016 đến nay đã có hơn 100 tàu ở các tỉnh Khánh Hòa, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu áp dụng.

THANH HẢI