ĐBSCL phát triển lợi thế năng lượng tái tạo

31

Sáng 21/6/2022, tại thành phố Cần Thơ, diễn ra Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐĐBSCL thời kỳ 2021-2030 do Bộ KH&ĐT tổ chức có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự. Tại Hội nghị, Hồ sơ quy hoạch đã trao cho lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL trong đó chú trọng phát huy lợi thế năng lượng tái tạo để đảm bảo chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị

Lợi thế cần phát triển thành nguồn lực

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị đã nhấn mạnh, ĐBSCL có thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và đây là một tiềm năng, lợi thế to lớn cần được phát triển thành nguồn lực, cần được khai thông, tháo gỡ có hiệu quả hơn nữa.

Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng chỉ đạo: Có chương trình, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Tăng cường đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu, nhất là chống sạt, lún, xâm nhập mặn, chiều cường; bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản.

“Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Những việc cụ thể khai thác tiềm năng lớn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giới thiệu: “Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ, dự kiến tỉ lệ công suất nguồn năng lượng gió, mặt trời chiếm tỉ trọng 18-23% tổng công suất hệ thống. Theo danh mục nguồn điện trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, khu vực Nam Bộ (bao gồm cả ĐBSCL) dự kiến đến năm 2030 phát triển khoảng gần 8.000 MW điện gió trên bờ và ngoài khơi; điện mặt trời phát triển giai đoạn sau năm 2030. Quy hoạch lần này chỉ quy hoạch tổng quy mô công suất theo vùng, miền, không  quy hoạch dự án cụ thể. Sau khi Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Riêng các dự án mua bán điện trực tiếp và sử dụng tại chỗ, Bộ đang trình các cấp có thẩm quyền cho phép để triển khai thực hiện”.

Bộ trưởng Diên đề nghị các địa phương 4 nội dụng cụ thể: “ Sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc khảo sát, đề xuất các dự án phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, chú trọng các dự án liên kết vùng, tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước để sớm trở thành trung tâm về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của đất nước. Tập trung cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng cho các dự án. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng”.

Tạo thương hiệu cho nông sản ĐBSCL

Chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ hội rất lớn cho phát triển năng lượng tái tạo của ĐBSCL.

Trước cơ hội lớn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phấn khởi phát biểu: “Sản xuất nông nghiệp ít nhiều tác động đến biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới, COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia có nền kinh tế cân bằng các-bon. Nếu nói biến đổi khí hậu là một thách thức, thì từ góc nhìn tích cực, khi giải quyết được thách thức này, lại tạo ra thương hiệu cho ĐBSCL, mặc dù chịu tác động lớn của thiên nhiên, nhưng biết cách chủ động thích ứng, và phát triển một cách thông minh, hài hòa, thuận thiên”.

Địa phương kiến nghị và phấn đấu

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho hay: Về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, Cà Mau có 16 dự án điện gió trong quy hoạch được phê duyệt với tổng công suất 1.000 MW, đã đầu tư hoàn thành 3 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 100 MW, đồng thời tỉnh đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 24 dự án điện gió với tổng công suất 12.000 MW. Ông Việt nói: “Nhân hội nghị này, Cà Mau có kiến nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư để triển khai nhanh các dự án điện gió đã có chủ trương đầu tư”.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường chia sẻ về vai trò, vị trí của Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL trong liên kết phát triển vùng. Ông Trường bày tỏ: “Để phát huy vai trò, vị trí của Cần Thơ, chúng tôi chú trọng phát triển chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số và tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo”.

Cơ hội lớn cho nhà đầu tư

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu: Quy hoạch ĐBSCL là nhằm cụ thể hóa và triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho ĐBSCL.

Theo Bộ trưởng Dũng, Quy hoạch xác định đột phá mang tính chiến lược hàng đầu là: Phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế – xã hội – môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh.

Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: đầu tư PPP phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp du lịch, nông nghiệp giá trị cao; công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, các ngành hỗ trợ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi số; dịch vụ vận tải logistics; dịch vụ y tế, giáo dục; du lịch và bất động sản.

“Chủ trương trên đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư tại ĐBSCL cho cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước” Bộ trưởng Dũng nói.

                                                                                                  SÁU NGHỆ