ĐBSCL: Nhân lực chất lượng cao phục vụ liên kết không gian du lịch

9

Tạp chí Ánh Sáng và Cuộc Sống từng thông tin Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp với báo Công Lý tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL” vào ngày 20/9/2024 tại thành phố Cần Thơ. Nội dung tập trung bàn giải pháp phát triển nguồn nhân lực gắn với không gian và sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL, góp phần giải bài toàn nhân lực du lịch chất lượng cao.

Thực tiễn yêu cầu nhân lực

Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng, du lịch ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển xét trên 3 trụ cột: Không gian, sản phẩm và nguồn nhân lực. Song, cần phải nhìn nhận là chưa được đầu tư đúng mức cũng như khai thác có hiệu quả. Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch còn yếu và thiếu tính chuyên nghiệp; hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ; điểm đến du lịch chưa nhiều và công tác quản lý điểm đến còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết. Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch là ba điểm yếu, thách thức cần dồn tâm sức nhiều hơn để tạo nên bứt phá, trong đó nổi lên là nhân lực phục vụ du lịch thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng.

Không gian du lịch phía Tây ĐBSCL được xác định gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau có định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm nghỉ dưỡng ở Cần Thơ, nghỉ dưỡng biển đảo; tham quan đất Mũi, sinh thái; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa.

Từ đó, bức thiết đặt ra yêu cầu và nội dung liên kết phát triển nguồn nhân lực gắn với không gian, tích hợp sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL. Phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhiều ý kiến cho rằng, cần chú trọng đầu tư phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao, đặc biệt là năng lực, nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ. Điều đó là cần thiết, song đặt vào yêu cầu thực tiễn chung của vùng ĐBSCL, cần được xem xét thấu đáo. Không nên chỉ đặt vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (theo nghĩa có bằng cấp chuyên môn, chuyên ngành du lịch từ bậc đại học trở lên), mà cần đặt vấn đề cung ứng nhân lực theo nhu cầu thị trường du lịch và định hướng phát triển du lịch của các địa phương.

“Đặc biệt, là nhân lực phục vụ cho “không gian du lịch” bao gồm các tuyến, điểm du lịch và cung ứng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng để không “lệch pha” trong đào tạo và sử dụng, bất cập cung – cầu, lãng phí nguồn lực. Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động trực tiếp trong ngành du lịch, đảm bảo kiến thức, kỹ năng, chuyên môn theo từng chuyên ngành du lịch, trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng mềm, kiến thức bản địa”, Tiến sỹ Hiệp nhấn mạnh.

Liên kết không gian du lịch

Tiến sỹ Hiệp phân tích thêm: “Phát triển nguồn nhân lực, liên kết không gian và tích hợp sản phẩm du lịch đặc thù chính là cách thức gắn kết, làm cho du lịch của từng địa phương trở nên hấp dẫn hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Theo đó, cần phát huy các “lợi thế dùng chung” và tạo ra “sản phẩm du lịch đặc thù”. Ba trụ cột phát triển này cần chú trọng 5 nội dung: Liên kết phát triển sản phẩm du lịch; Xây dựng thương hiệu; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; Phát triển hạ tầng du lịch; Liên kết xây dựng chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng và địa phương”.

Từ đó, một chương trình liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch là cần thiết.

Cụ thể, Tiến sỹ Hiệp đề xuất một số nội dung cần tập trung thực hiện thời gian tới:

1/Thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch ĐBSCL, nhiệm vụ chính là điều phối hoạt động du lịch chung của cả vùng ĐBSCL và thống nhất kế hoạch phát triển của các địa phương theo kế hoạch, định hướng phát triển du lịch chung của cả vùng. Trong đó, có chương trình liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng theo nhu cầu phát triển du lịch của 2 cụm phía Đông và phía Tây và các địa phương.

2/Kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các “Cluster – cụm ngành du lịch”: trên cơ sở các sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng và cấp quốc gia với sự tham gia của “Nhà nước” – hoạch định cơ chế, chính sách, quy hoạch, tăng cường quản lý nhà nước, tạo môi trường du lịch; các hiệp hội ngành, nghề với vai trò tập hợp, liên kết, hỗ trợ; doanh nghiệp du lịch – hạt nhân quan trọng của các “Cluster du lịch”. Tổ chức, cá nhân làm du lịch, các cơ quan truyền thông và công chúng tham gia xây dựng sản phẩm du lịch với cách tiếp cận đa ngành. Phát triển nguồn nhân lực du lịch gắn với nhu cầu thị trường.

3/Có chương trình cấp vùng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo trọng tâm, trọng điểm ưu tiên phát triển kiến thức, kỹ năng du lịch, ngoại ngữ, kiến thức du lịch bản địa gắn với phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù tại các cụm – không gian du lịch vùng được xác định.

Trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi khi được liên kết khoa học sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL hấp dẫn du khách

4/Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ và công nghệ thông tin vào ngành du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi, cung cấp thông tin đầy đủ, sinh động về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; tích hợp các ứng dụng hỗ trợ du khách xây dựng chương trình, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến theo nhu cầu cá nhân; tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch. Nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến, phát triển điểm đến du lịch thông minh. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân số hóa, phát triển ứng dụng, kết nối dịch vụ du lịch; phát triển và cung cấp dịch vụ du lịch trên sản giao dịch du lịch điện tử của Việt Nam.

“Liên kết không gian du lịch và tích hợp sản phẩm du lịch đặc thù vùng, cùng với hạ tầng du lịch, nhân lực du lịch là các trụ cột của ngành “công nghiệp không khỏi” đang được kỳ vọng giải bài toán nhân lực du lịch ĐBSCL từ nhu cầu và thực tiễn của vùng ĐBSCL”, Tiến sỹ Hiệp kết luận.

Tham luận tại hội thảo

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường thống nhất với phân tích của Tiến sỹ Hiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ số phát triển du lịch thông minh: Nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến, kết nối dịch vụ, cung cấp dịch vụ du lịch trên sản giao dịch du lịch điện tử và tạo diễn đàn trao đổi, hợp tác, giải quyết các vấn đề trong quá trình phát triển.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Trưởng tiểu ban Nội dung Lê Minh Sơn cho biết, đã có 24 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp gửi đến hội thảo, đề cập khá toàn diện những vấn đề thực tiễn ngành du lịch ĐBSCL đang đặt ra. Những bài này sẽ chọn trình bày ở hội thảo và đăng kỷ yếu, trong đó, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL duyệt 14 bài và báo Công Lý duyệt 10 bài.

Nhiều công trình vừa xây dựng như Cống thủy lợi Cái Lớn, Âu thuyền Cái Khế, cầu Trần Hoàng Na với hệ thống chiếu sáng hiện đại đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, nếu được liên kết cũng tạo nên tour du lịch ấn tượng  

Đáng chú ý, tham luận “Bài toán nhân lực du lịch ĐBSCL – Góc nhìn từ nhu cầu và thực tiễn” có tính lý luận và thực tiễn toàn diện, sâu sắc. Bài “Lễ hội Ooc om Booc và đua ghe ngo ở Sóc Trăng – Lễ hội văn hóa đặc sắc – Tài nguyên du lịch độc đáo cần được tiếp tục nghiên cứu phát huy” phân tích một nét đặc trưng văn hóa du lịch ĐBSCL. Bài “Pháp luật về du lịch sản phẩm du lịch mạo hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch: Thực trạng từ khu vực ĐBSCL” đề cập một vấn đề rất mới.

Ban Tổ chức cho biết, trong hội thảo, bên cạnh trình bày các tham luận, có thể có tọa đàm để thảo luận, trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề đặt ra.

SÁU NGHỆ (theo mota.com.vn)