ĐBSCL: Chiến lược phát triển chú trọng năng lượng tái tạo

22

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu tại Hội nghị

Sáng 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị nhấn mạnh xoay trục chiến lược phát triển ĐBSCL sang thủy sản – trái cây – lúa gạo và chú trọng đến năng lượng tái tạo.

 

Kiến nghị của các ngành, địa phương

Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ: “Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường có công nghệ xử lý rác thải đô thị, nông thôn phù hợp. Đảm bảo an toàn năng lượng thông qua phát triển, sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo khu vực ven biển, phù hợp với yêu cầu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai”.

Tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ: “Quan tâm và có giải pháp thực hiện hiệu quả đối với các vấn đề chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp mạnh mẽ hơn để tăng khả năng thu hút đầu tư một số lĩnh vực công nghiệp phù hợp cho vùng ĐBSCL (công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động…), để giải quyết việc làm tại chỗ, giảm tỷ lệ xuất cư, góp phần cho tăng trưởng kinh tế”.

Tỉnh Sóc Trăng “kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc chuyển đổi phương án từ nhiệt điện than sang điện khí hoá lỏng (LNG) đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 và Long Phú 3 nhằm góp phần hạn chế tác động đến môi trường; các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ, đưa Dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 sớm đưa vào vận hành”.

Tỉnh Long An kiến nghị cụ thể Chính phú “Ban hành Quyết định mới về giá mua điện mặt trời; mua hết công suất điện mặt trời của các dự án đã thực hiện; tiếp tục xem xét bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2015 – 2020; Bổ sung các hạng mục công trình cấp điện cho đồn, trạm biên phòng để đưa dân ra sinh sống trên tuyến biên giới vào vào Quyết định 2081/QĐ-TTg và Quyết định số 1740/QĐ-TTg”.

Nhà máy điện mặt trời Đông Hải 1 ở tỉnh Trà Vinh

Phương hướng phát triển chiến lược

Ban Kinh tế Trung ương báo cáo về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo.

Trong phát triển công nghiệp: “Tập trung phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển đặc biệt là năng lượng gió, mặt trời (…) Phát triển mạnh, đầu tư có trọng điểm đối với ngành công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng gió, mặt trời hướng tới vùng sản xuất và bán điện chính cho mạng lưới điện quốc gia”.

Về nhiệt điện than, báo cáo nêu cụ thể: “Chưa phát triển thêm nhiệt điện than ngoài các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình xây dựng ở Duyên Hải II (Trà Vinh), Long Phú 1 (Sóc Trăng), Sông Hậu 1 (Hậu Giang) ngoài các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình xây dựng và các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ký hợp đồng với bên phát triển dự án”.

Điện mặt trời lắp trên ao nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu

Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cũng chú trọng năng lượng tái tạo: “Thực hiện tốt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia các giai đoạn, đảm bảo hạ tầng cung ứng điện và giải tỏa công suất tiềm năng năng lượng tái tạo đến trung tâm phụ tải (khu vực Đông Nam Bộ); quan tâm đầu tư hệ thống điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản”.

Để phát triển năng lượng tái tạo, chú ý nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng việc “Xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao một cách cụ thể, chi tiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, công nghiệp năng lượng tái tạo”.

Công tác phát triển khoa học và công nghệ cũng phải: “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng, góp phần đưa vùng ĐBSCL trở thành vùng phát triển khá so với cả nước tập trung vào công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch”.

                                                                                                SÁU NGHỆ