Đào tạo báo chí thời 4.0: Cần thiết những nhà báo đa năng

119

Nhà báo thời đại số giống như những người “nông dân cổ cồn”. Họ “gieo cấy” không chỉ ở trên “cánh đồng chữ nghĩa” bằng các phương tiện, công cụ thô sơ là ngòi bút, trang giấy như thế hệ cha ông làm báo trước đây. Họ phải làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới – đó là công cụ để sáng tạo ra những sản phẩm báo chí hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của công chúng, nhất là lớp công chúng mới hiện nay.

Đó là ý kiến được trao đổi tại Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành tổ chức sáng 16/12, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu địa phương.

Cơ hội, thách thức trong kỷ nguyên số

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay, sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cũng như cả những thách thức và đang làm thay đổi về cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động, trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Nhân lực làm việc trong lĩnh vực này không chỉ cần về năng lực chuyên môn cao mà còn cần phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn đạo đức rất cao về tính chính xác, tính độc lập, tính công bằng, tính bí mật, tính nhân văn, tính trách nhiệm và tính minh bạch.

Toàn cảnh Diễn đàn

Trên thực tế, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông đã có nhiều nỗ lực và tích cực đổi mới, tuy nhiên công tác đào tạo vẫn tiến hành theo phương thức truyền thống, đến nay phải “gồng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số.

Kết quả là nhiều sinh viên báo chí ra trường, trở thành nhà báo nhưng chưa được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng cho tác nghiệp báo chí số. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông cần đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên số.

Dẫn một nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mitchell, 2018) cho biết rằng, 34% người Mỹ muốn nhận tin tức của họ từ mạng xã hội, trang web và ứng dụng, lãnh đạo Báo Vietnamnet cho rằng, ở Việt Nam, xu hướng này cũng diễn ra tương tự. Chính vì vậy, các tòa soạn phải chuyển mình mạnh mẽ hơn. Điều đó đòi hỏi, các nhà báo trong kỷ nguyên kỹ thuật số phải chuyên nghiệp hơn. Không chỉ viết các bài báo, chỉnh sửa video, đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội, theo dõi phân tích…, các nhà báo kỹ thuật số phải chuẩn bị để viết về bất kỳ chủ đề nào ngay lập tức.

Cùng quan điểm, ThS.Vũ Hải Quang – Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cũng nhấn mạnh, hiện nay các cơ quan báo chí không thể không đưa các ứng dụng IoT, Big Data, AI, Cloud Computing vào việc quản trị, sản xuất tin bài và phân phối nội dung và các công nghệ như thực tế ảo (Virtual Reality – VR) và thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality – AR) cho việc sản xuất các nội dung giải trí hoặc mô phỏng nhân vật, sự kiện.

Cũng nhờ đó mà chúng ta có thể “lắng nghe” từ mạng xã hội, các nhà báo sẽ nhanh chóng phát hiện những xu hướng được độc giả yêu thích nhất, chia sẻ nhanh nhất và nhiều nhất để từ đó tập trung vào các nội dung được công chúng quan tâm và có biện pháp khắc phục đối với những nội dung của mình kém được ưa thích hơn.

Khác với báo chí truyền thống, trong kỷ nguyên số cách tiếp cận thông tin của công chúng đã thay đổi rất nhiều, do đó báo chí phải đổi mới về duy duy làm báo, đổi mới công nghệ, đổi mới thói quen tác nghiệp, vì vậy việc đào tạo báo chí truyền thông cũng phải thay đổi mạnh mẽ.

Nếu như trước đây nhà báo chỉ làm từng mảng riêng rẽ như báo giấy, hoặc phát thanh, hoặc truyền hình, hoặc báo điện tử thì hiện nay trước xu hướng hội tụ truyền thông, một ekip phóng viên phải làm đủ các loại hình, biết sử dụng các phương tiện tác nghiệp hiện đại như Flycam, Livestreaming, chuyển đổi văn bản thành giọng nói và ngược lại, phải biết vừa lên sóng vừa điều khiển bàn trộn âm thanh trong phòng thu hoặc sử dụng công cụ viết tin tự động.

Nhà báo hiện đại phải đáp ứng “3K”

Theo ThS.Vũ Hải Quang, công tác đào tạo báo chí hiện nay phải đáp ứng được 3 chữ “K”, bao gồm: Kiến thức – Kỹ năng – Kỹ thuật và công nghệ. Nếu hội tụ đủ 3 chữ “K”, một cách chuẩn chỉ thì học viên tốt nghiệp ra làm nghề sẽ “vững như kiềng 3 chân”.

Môi trường báo chí hiện đại cần thiết những nhà báo đa năng

Trong đó, kiến thức là một trong ba trụ cột quan trọng của một con người, nhất là đối với những người tham gia vào các hoạt động sáng tạo. Không có kiến thức, con người khó có thể phát triển hoặc làm gì cũng mò mẫm, khó đạt được mục tiêu mong muốn. Chữ “K” kỹ năng ở đây đối với các nhà báo trẻ chính là việc chịu khó học tập, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp báo chí ngay từ khi còn ở trên “thao trường, bãi tập”. Trong dạy nghề, có 2 nhóm kỹ năng mà các nhà trường chú trọng, đó là những kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.

Cuối cùng, muốn làm chủ kỹ thuật và công nghệ ứng dụng trong làm báo, không có cách nào khác là các nhà báo trẻ phải đi học và tự học. Khám phá thế giới công nghệ và ứng dụng tốt vào công việc làm báo thì nhà báo trẻ sẽ làm chủ được việc sáng tạo báo chí trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Về phía các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông, PGS, TS. Đặng Thị Thu Hương – Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu của các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông là phải trang bị kiến thức nền tảng vững chắc để người làm báo có bản lĩnh nhận diện thấu đáo vấn đề và truyền tải thông tin đến công chúng một cách nhân văn nhất.

Chính vì vậy, bên cạnh kiến thức chuyên sâu về pháp luật và đạo đức báo chí, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông cần cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc nhất về văn hóa, triết học, lịch sử, chính trị học, xã hội học, tâm lý học,… những phông nền kiến thức quan trọng và quý báu giúp các nhà báo tương lai có nhiều bài viết đi vào lòng người với chiều sâu văn hóa và sự hiểu biết xã hội toàn diện.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn nhân lực cho ngành báo chí truyền thông hiện nay không chỉ do các cơ sở đào tạo báo chí tại trường đại học công lập cung cấp. Rất nhiều trường đại học ngoài công lập cung cấp các chương trình đào tạo về truyền thông, và sinh viên ra trường vẫn có thể xin việc tại các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, một lực lượng hùng hậu người làm báo tốt nghiệp từ các ngành khác với ngành báo chí.

Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu để ban hành quy định đối với các nhà báo không tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo báo chí trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, bắt buộc phải có chứng chỉ nghề nghiệp báo chí.

Còn theo PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đào tạo báo chí, truyền thông có 3 phần cơ bản: Lý thuyết, kỹ năng và thái độ thái độ. Phần lý thuyết nên xây dựng kho dữ liệu bài giảng để người học tự nghiên cứu nhiều hơn. Tăng cường thực hành gắn với thực tế để người học phát huy khả năng sáng tạo; gắn với các dự án, chuyên đề để có cơ hội mời các nhà báo giỏi và doanh nghiệp tham gia. Trong bối cảnh chuyển đổi số, cần tăng cường khả năng sáng tạo nội dung trên nền tảng số của sinh viên, không đơn thuần là chữ viết, mà cần tư duy về con số, dữ liệu, cách xử lý bằng các loại hình ảnh để tác phẩm đến với người đọc hấp dẫn hơn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, việc chuyển đổi số không chỉ là đầu tư công nghệ mà trước hết là chuyển đổi tư duy, vận hành của đội ngũ lãnh đạo báo chí, từ đó đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Vì thế, việc đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số không chỉ hạn chế trong môi trường nhà trường mà còn cần thực hiện đào tạo thường xuyên ngay trong các cơ quan báo chí, liên tục cập nhật xu hướng báo chí của thế giới.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang