Đà Nẵng: Phương án dùng lưới để ngăn sạt lở đất, đá trên những cung đèo trên Bán đảo Sơn Trà liệu có khả thi?

125

Sau nhiều lần khắc phục sạt lở đá trên Bán đảo Sơn Trà, nhiều đơn vị đã đề xuất sử dụng lưới để ngăn sạt lở trên tuyến đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho du khách khi đi lên Bán đảo Sơn Trà tham quan…

  

Cung đường đi lên Bán đảo Sơn Trà với một bên là dốc núi cao, thẳng đứng còn phía bên kia là biển

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều người dân khi đi trên cung đường Hoàng Sa đã nhiều lần chứng kiến cảnh tượng đá từ vách núi rơi xuống ta luy lòng đường, đặc biệt vào ngày 14/4/2022 và gần đây nhất là ngày 9/5.

Hình ảnh và video về những trận sạt lở đất, đá sau đó đã được nhiều người chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội và được dư luận cực kỳ quan tâm, nhiều người đã thể hiện sự quan ngại về vấn đề này bằng cách bình luận, thể hiện quan điểm ngay trên những hình ảnh, video đó.

Anh Nguyễn Thái Lâm (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi được chứng kiến cảnh sạt lở đất, đá ở tại Bán đảo Sơn Trà, tuy rằng mỗi lần sạt lở chỉ có một lượng ít đất đá rơi xuống nhưng tôi vẫn thấy rất nguy hiểm nếu chẳng may nó rơi trúng ai đó. Tôi cũng đã cân nhắc hơn về việc đi lên đây để ngắm cảnh, trải nghiệm không khí trong tương lai nếu như chính quyền, Ban Quản lý không có cách khắc phụ sự việc này”.

Tuy rằng thời tiết nắng ráo không có mưa hay gió to nhưng vẫn xảy ra cảnh đá lăn từ trên đồi xuống mặt đường gây nguy hiểm cho du khách

Thông tin từ Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển là đơn vị trực tiếp quản lý, khắc phục sự cố sau những trận sạt lở cũng cho hay: “Sau khi tiếp nhận những thông tin phản ánh về những lần sạt lở đất, đá từ người dân và khách du lịch, Ban quản lý đã cắt cử nhân viên nhanh chóng kiểm tra thực tế hiện trường, giăng dây giới hạn, đặt bảng cảnh báo, bố trí nhân viên trực hướng dẫn khách di chuyển qua khu vực. Đồng thời thông báo cho Công ty cổ phần quản lý cầu đường TP.Đà Nẵng xử lý, khắc phục và có văn bản báo cáo lãnh đạo thành phố về hiện tượng trên”.

Nắm rõ được tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như lo ngại rằng vấn đề sạt lở đất đang trực tiếp đe dọa tới sức khỏe, tính mạng du khách cũng như an toàn giao thông, phát triển du lịch, nhiều đơn vị đang trực tiếp quản lý đã cùng phối hợp để bàn những giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề này. Mà phương án được cho rằng hiệu quả và có lợi đối với hệ sinh thái nhất là việc sử dụng lưới mắt lớn để ngăn sạt lở của những tảng đá khối lượng hàng tạ, hàng tấn xuống tuyến đường du lịch lên Bán đảo Sơn Trà.

Đây là tuyến đường có nhiều cảnh đẹp, là tuyến du lịch trọng tâm của TP.Đà Nẵng nên không thể cấm tuyệt đối lưu thông trên tuyến đường mà chỉ có thể cắm biển cảnh báo, cấm dừng đỗ tại các điểm hay xảy ra đá rơi”.

Ông Trần Từ Hải – Phó Giám đốc Công ty Quản lý cầu đường TP Đà Nẵng, đây là đơn vị chịu trách nhiệm tuần tra, duy tu, bảo dưỡng tình trạng các điểm có đá rơi cho biết: “Trước tiên, nếu muốn giữ nguyên cảnh quan thiên nhiên, các bên liên quan đã phối hợp và đề xuất phương án tốt nhất là sử dụng lưới để bao trùm lại khu vực hay xảy ra đá rơi, điều đó là phương án hiệu quả nhất mà chúng tôi đã nghiên cứu từ lâu”.

Theo đó, đây là loại lưới mắt lớn Nhật Bản, chất liệu an toàn với thiên nhiên. Toàn bộ khu vực bao phủ lưới nằm trong khoảng 200-400m chiều dài và trên 30m chiều rộng, sau khi đơn vị thi công khoan địa chất lưới sẽ được neo giữ lại.

Khi đưa vào hoạt động, những tấm lưới sẽ mang lại sự an toàn cho du khách khi lên đây trải nghiệm, tham quan Bán đảo Sơn Trà (Ảnh minh họa)

“Không chỉ có tuyến đường Hoàng Sa đoạn chạy lên bán đảo Sơn Trà bị rơi đá mà các tuyến đường khác như đường lên Bà Nà- Suối Mơ cũng xảy ra tình trạng trên. Đó là một vấn đề rất lớn cần phải có những nghiên cứu, luận án để tìm ra phương án giải quyết dứt điểm chứ không thể giải quyết ngay trong ngày một, ngày hai được”, Ông Trần Từ Hải cho biết thêm.

Phương án sử dụng lưới mắt lớn để ngăn sạt lở các tảng đá với khối lượng hàng tấn xuống tuyến đường du lịch lên bán đảo Sơn Trà, đá sẽ được neo giữ lại còn cây cối, thảm thực vật vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, không ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên. Đây là biện pháp đầu tiên được sử dụng tại Đà Nẵng.

Tuy rằng tính hiệu quả của phương pháp này tại Bán đảo Sơn Trà vẫn chưa rõ ràng nhưng ở quốc gia thường xuyên hứng chịu thiên tai, động đất như Nhật Bản, phương án sử dụng lưới để ngăn đá rơi là một phương án hiệu quả nằm trong Bộ Quy trình phòng chống đá rơi, sạt lở đất và lũ quét tại Nhật Bản.

    Sơ đồ quy hoạch các giải pháp phòng chống đá rơi, sạt lở đất và lũ quét tại Nhật Bản

Nhật Bản luôn được xem là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm ứng phó với thiên tai, những hiệu quả từ những giải pháp phòng chống đá rơi, sạt lở đất và lũ quét mà Nhật Bản đang áp dụng có thể sẽ là một bài học hữu ích cho nước ta tiếp thu, học hỏi. Có thể trong hiện tại vẫn chưa rõ tính khả thi, hiệu quả của phương pháp sử dụng lưới để ngăn đất, đá do sạt lở gây ra ở trên Bán đảo Sơn Trà nhưng chúng ta đều rằng điều đó sẽ là hiệu quả trước mắt để tăng thêm sự an toàn giao thông dành cho những du khách khi lên đây trải nghiệm, tận hưởng dịch vụ, thiên nhiên nơi này.

       Chiến Thắng