Lời nói đầu:
TCVN 11843: 2017 “Bóng đèn LED, đèn điện LED và modul LED – Phương pháp thử” được dịch từ CIE S 025:2015. Có thể nói đây là tài liệu quan trọng nhất trong các TCVN về LED, bởi vì TC này trình bầy các phép thử nghiệm để đánh giá một sản phầm chiếu sáng LED đạt hay không đạt yêu cầu.
Để có thông tin trong bài viết này, chúng tôi đã có hai tài liệu quan trọng là bản tiếng Anh: CIE S 025:2015, “Test method for LED lamps, LED luminaires and LED modules” và bản Tiếng Việt của TC 11843:2017. Sau đây là những phát hiện:
1. Sai sót trong dịch thuật
Trước hết, khi chép lại bản tiếng Anh, thì nhóm dịch giả đã viết modules thành module, thành thử tên của TC trở nên không thật chính xác. Đúng phải là“ Các (loại) bóng đèn LED, đèn điện LED và modul LED – Phương pháp thử”
Thứ hai là, “LED luminaires” không thể dịch là “đèn điện LED” được mà phải dịch là “(bộ) đèn LED” hoặc “đèn LED”. (Ở đây, theo người viết, có lẽ dịch giả đã dịch theo google dịch vì theo đó thì “luminair” là “đèn điện” thì “LED luminair” nhất định phải là “đèn LED điện” chăng). Tiếc rằng sự buồn cười này không những chỉ diễn ra ở TCVN 11843: 2017 mà còn tồn tại trong tất cả các TCVN về LED, thậm chí cả trong các văn bản nhà nước có liên quan…)
Cụm từ “luminous intensity” là “cường độ sáng” được dịch thành “cường độ chói” thì cũng có thể đã dịch theo kiểu google mà không có sự kiểm soát của người làm chuyên môn. Ở mục 3.1, cụm từ “Electric light Source” cần được dịch đầy đủ là “nguồn sáng điện” để không nhầm lẫn với các nguồn sáng khác…
Mục 4.5.2 sự sai sót đã dẫn đến hiểu sai nghiêm trọng về kỹ thuật. Cụ thể là “nonspectraly selective” là “không có tính chọn lọc phổ” lại được dịch là “có tính chọn lọc phổ”. (Bản chất của vấn đề ở đây là yêu cầu lớp phủ của quả cầu tích phân phải phản xạ đều tức là không có tính chọn lọc với tất cả các bước sóng hay các vùng của quang phổ mà bộ đèn phát ra)
Và còn rất nhiều cụm từ tiếng Anh khác đã không được dịch chính xác
2. Không kiểm tra khi viết lại các công thức và trình bày văn bản (Xem các hình scan bản gốc và bản dịch)
Hình 1 cho ta thấy, ngoài việc không đánh dấu các công thức, mục 3.33 đã bỏ một đoạn trong bản gốc tiếng Anh: “Luminous flux emetted from a light source wthins specified cone angle α, determined from the luminous intencity distribution of the source” nghĩa là “(Là) quang thông phát ra từ nguồn sáng có góc nón xác định, được tính từ sự phân bố cường độ sángcủa nguồn sáng”. Đây là một mệnh đề để định nghĩa khái niệm quang thông từng phần. Cho nên việc quên không dịch câu này sẽ làm cho người đọc không biết khái niệm quang thông từng phần hay quang thông vùng, dẫn đến không thể hiểu ý nghĩa của biểu thức tích phân hai lớp (2). Ngoài ra, trong công thức (2), TCVN 11843 đã viết thiếu vi phân . Việc thiếu vi phân làm cho công thức không những sai về mặt toán học mà còn làm cho người đọc không hiểu được nội dung của kỹ thuật đo quang thông tổng của bộ đèn bằng góc kế quang học.
Tiếp đến là một đoạn dịch có rất nhiều sai sót. (Xem các hình scan bản gốc và bản dịch)
Ta thấy rằng, trong mục 6.3, ngoài việc “quên” không đánh số công thức, bản tiếng Việt đã làm mất trường hợp thứ ba khi i = k và một câu tiếng Anh (do scan không cẩn thận)
Kết luận:
TCVN 11843: 2017 là một tài liệu có nhiều sai sót về cả bốn khía cạnh hành văn, lời dịch và chuyên môn và kỹ thuật văn bản. Đặc biệt là có những sai sót đến mức không làm lại không được. Theo suy đoán của người viết thì nguyên nhân chính dẫn tới những sai sót trên là cơ quan biên soạn đã chưa (hoặc không) tổ chức được một Hội đồng chuyên gia có hiểu biết đầy đủ về lĩnh vực mà TCVN 11843: 2017 đề cập. Vì vậy, theo chúng tôi nếu chưa có một văn bản nào thay thế TCVN 11843: 2017 thì Viện Tiêu chuẩn thuộc Tổng cục TC-ĐL-CL cần tính đến việc tổ chức rà soát TC này.
TS. Lê Hải Hưng, ĐHBN Hà Nội – Ban KHCN Hội CSVN