Chân dung bà Kamala Harris, Phó tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam

35

Bà Kamala Harris sẽ là phó tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam vào tuần tới. Theo Washington Post, bà Harris đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đêm 20/8 (giờ địa phương) đã lên máy bay để bắt đầu chuyến công du tới Singapore và Việt Nam.

“Tôi hy vọng một chuyến thăm hiệu quả”, bà Harris thông báo trên tài khoản Twitter chính thức.

Theo lịch trình, bà Harris bắt đầu chương trình làm việc tại Singapore ngày 23/8, chiều 24/8 bà sẽ tới Việt Nam trước khi kết thúc chuyến công du vào ngày 26/8.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết chuyến đi của bà Harris cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tập trung cho các nỗ lực “hồi sinh” mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác trên khắp thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam  Á.

Nữ phó tổng thống gốc Á đầu tiên trong lịch sử Mỹ

Bà Kamala Harris (57 tuổi) là người phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên và người gốc Á đầu tiên trở thành phó tổng thống Mỹ trong 232 năm qua.

Bà Harris sinh ngày 20/10/1964 tại Oakland, bang California, Mỹ. Mẹ bà, Shyamala Gopalan, là một nhà nghiên cứu về bệnh ung thư đã di dân từ Ấn Độ sang Mỹ vào năm 1960. Trong khi đó, cha của bà, giáo sư kinh tế học Donald J.Harris, là người Jamaica và đến Mỹ năm 1961.

Mẹ của bà Harris được coi là người có ảnh hưởng quan trọng đối với cuộc đời của bà. Bà Shyamala đã nuôi dạy các con gái rằng thế giới sẽ luôn coi họ là phụ nữ da màu, và đó cũng là cách bà tạo dựng hình ảnh của mình hiện nay.

Bà Harris từng chia sẻ mẹ chính là người giúp bà tìm thấy lý tưởng trong công cuộc đấu tranh cho lẽ phải. Bên cạnh đó, những nhà lãnh đạo can đảm như Thurgood Marshall, Constance Baker Motley và Charles Hamilton Houston cũng là nguồn cảm hứng khiến bà Kamala Harris quyết tâm dành cả cuộc đời để bênh vực những người không thể tự vệ.

Bà Harris đã tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình khi theo học chuyên ngành khoa học chính trị và kinh tế tại Đại học Howard ở Washington D.C, một trường đại học đầu tiên được thành lập dành cho phụ nữ da màu ở Washington vào năm 1986.

Năm 1989, bà tốt nghiệp trường Luật Hastings của Đại học California. Bà Harris cũng thi đỗ và gia nhập văn phòng công tố quận Alameda với tư cách trợ lý luật sư quận vào năm 1990. Từ đó, bà bắt đầu dấn thân vào con đường chính trị.

Hoạt động chính trị không mệt mỏi

Bà Kamala Hariss đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình ở tuổi 26 khi đảm nhận vị trí chưởng lý quận bang California. Tới năm 2010, bà trở thành tổng chưởng lý bang và cũng là người phụ nữ đầu tiên được tín nhiệm cho vị trí này.

Năm 2015, bà Harris tuyên bố ứng cử vào Thượng viện Mỹ, bà nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều thành viên Dân chủ, bao gồm Tổng thống lúc bấy giờ Barack Obama và ông Joe Biden với vai trò phó tổng thống.

Năm 2016, bà Kamala Harris trở thành người phụ nữ da màu thứ hai được bầu làm thượng nghị sĩ Mỹ.

Năm 2017, bà Kamala Harris trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên và phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên phục vụ trong cương vị thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, đại diện cho bang California.

Tại Thượng viện, bà đảm nhiệm các vị trí trong nhiều tiểu ban quan trọng, trong đó có Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ, Ủy ban Đặc biệt về Tình báo, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Phân bổ Ngân sách.

Ông Joe Biden từng mô tả bà Harris là “chiến sĩ quả cảm đấu tranh cho những người yếu thế, và là một trong những công chức tốt nhất của đất nước”.

Cánh tay phải đắc lực của Tổng thống Joe Biden

Được cho là cánh tay phải đắc lực cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, bà Harris đang nỗ lực giúp đỡ tổng thống xử lý các vấn đề trong hoạt động đối ngoại để ông chủ Nhà Trắng tập trung giải quyết những nhiệm vụ cấp bách trong nước như kiểm soát đại dịch và phục hồi nền kinh tế.

Theo Washington Post, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng kể từ khi chính quyền mới hoạt động, bà Harris đã điện đàm riêng với 6 nhà lãnh đạo nước ngoài. Mật độ điện đàm của bà Harris nhiều hơn so với các phó tổng thống trước đây khi mới nhậm chức.

Ngoài ra, bà Harris cũng tham gia Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau theo hình thức trực tuyến.

Khi ông Joe Biden đến thăm Bộ Ngoại giao Mỹ vào đầu tháng 2 để có bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại, bà Harris cũng có bài phát biểu.

Tờ Washington Post dẫn một số nguồn tin trong Nhà Trắng cho biết, bà Harris đã tham gia vào các quyết định quan trọng của chính quyền Mỹ, chẳng hạn như cuộc không kích nhằm vào lực lượng thân Iran ở Syria vào cuối tháng 2 vừa qua.

Một nguồn tin trong Nhà Trắng tiết lộ, trong một vài cuộc họp, chỉ có bà Harris thảo luận các vấn đề với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley cùng một số quan chức cấp cao khác.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng có mặt trong cuộc họp thì cho biết bà Harris thực sự tập trung vào câu hỏi làm thế nào để tìm ra một số biện pháp răn đe trong khi kiềm chế leo thang khi thảo luận với Bộ trưởng Austin và tướng Milley.

Bà Harris cũng được xem báo cáo hàng ngày của tổng thống và tham gia các cuộc báo cáo trực tiếp lên Tổng thống Biden.

Theo Washington Post, bà Harris là một nhà lãnh đạo mẫn cán của chính quyền Tổng thống Joe Biden và ủng hộ những mục tiêu mà ông chủ Nhà Trắng theo đuổi.

Theo VietnamFinance