Cần Thơ xây dựng chính quyền điện tử

75

Xây dựng chính quyền điện tử được thành phố Cần Thơ tập trung mấy năm qua, đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVD-19 năm nay. Chính quyền điện tử thúc đẩy bộ máy hành chính thay đổi lề lối, phong cách phục vụ người dân và người dân cũng được tiếp cận kỹ thuật tiên tiến. Quá trình xây dựng chính quyền điện tử là quá trình đổi mới liên tục, không ngừng hiện đại và quá trình này đang diễn ra mạnh mẽ ở Cần Thơ.

Bà Nguyễn Thị Hải cùng con cháu ở khu vực 3, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ vào Cổng Dịch vụ công thành phố

Đưa dịch vụ y tế gần với người dân

Sáng 25/8/2021, chị Phạm Thị H.L. được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ, rất phấn khởi vì hành trình đến kết quả như trong mơ. Chị ở phường An Thới (Bình Thủy, Cần Thơ), năm nay 24 tuổi có thai con đầu nhưng lúc đại dịch lại thất nghiệp nên không dám đi đâu, không dám đi khám thai định kỳ. Việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 chưa dám nghĩ tới, vì lúc này cả nước cũng đang thiếu vắc xin. Thế rồi chị được người thân nhắn vào đăng ký ở cửa điện tử của Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ để tiêm vắc xin theo chủ trương ưu tiên phụ nữ mang thai. Chị đăng ký thành công và ngày 22/8/2021 hồi hộp đi đến bệnh viện. Khám thai thì phát hiện thai yếu, tăng trở kháng động mạch rốn, cần nhập viện điều trị. Lo lắng dồn dập. Đến sáng 25/8/2021, thai ổn, xuất viện và trước khi về, chị H.L. được tiêm vắc xin, “thật là niềm vui trọn vẹn”, chị H.L. cười rạng rỡ. Chị H.L. là một trong 1.200 phụ nữ mang thai được tiêm vắc xin ở Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ trong tuần cuối tháng 8, qua đăng ký cửa điện tử.

Nhiều đợt tiêm vắc xin COVID-19 sau đó được thành phố Cần Thơ tổ chức đăng ký qua cửa điện tử đạt kết quả nhanh, chính xác. Lúc dịch đang bùng phát mạnh, ngày 18/9/2021, họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Tấn Hiển đánh giá “việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiêm chủng đã nâng cao hiệu quả, đảm bảo nhanh chóng, an toàn”. Qua nhiều đợt tiêm chủng, thành phố đạt được sự đồng thuận cao của người dân, tiêm nhanh và hết lượng vắc xin do Bộ Y tế phân bổ, không có trường hợp bị sốc phản vệ nặng.

Cổng Dịch vụ công thành phố Cần Thơ cũng đáp ứng trực tuyến nhiều hoạt động dịch vụ y tế. Ở đây, có thể nộp hồ sơ trực tuyến tham gia lĩnh vực “An toàn bức xạ và hạt nhân” do UBND thành phố cấp phép hoặc các lĩnh vực “Dược phẩm”, “An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng” do Sở Y tế cấp phép, lĩnh vực “Dân số – Sức khoẻ sinh sản” do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp phép. Công dân có nhu cầu, ngồi ở nhà thao tác trên máy tính nối mạng là được đáp ứng.

Hoạt động trực tuyến đã kéo các lĩnh vực dịch vụ y tế gần với người dân. Thống kê ở Cổng Dịch vụ công thành phố Cần Thơ, từ đầu năm đến sáng ngày 31/12/2021, Sở Y tế nhận 2.544 hồ sơ, đã giải quyết 2.317 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn 2.266 hồ sơ (97,8%). Trong điều kiện ngành y tế phải tập trung cao độ phòng chống dịch bệnh, kết quả này là thành công không nhỏ.

Trong những tháng giãn cách xã hội, nhân viên bộ phận “một cửa” của Sở KH&ĐT thành phố Cần Thơ làm việc trực tuyến với người dân

 

Dịch vụ công trực tuyến phát triển nhanh

Ngày 20/11/2020, UBND thành phố Cần Thơ có Quyết định số 2602/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý, sử dụng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử, áp dụng cho tất cả các cơ quan chuyên môn trong hệ thống hành chính. Theo đó, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố xây dựng tập trung, thống nhất để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đồng thời tích hợp thông tin và chia sẻ dữ liệu phục vụ tổ chức, cá nhân tra cứu. Bảo đảm 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được xử lý.

Nhờ kết quả xây dựng nền tảng kỹ thuật mấy năm qua, từ giữa tháng 7/2021 khi dịch bệnh bùng phát, hầu hết thủ tục hành chính đã được giải quyết trực tuyến. Bộ phận “một cửa” ở các cơ quan tạm ngừng hoạt động, chuyển sang làm việc trực tuyến và người dân thành phố cần giải quyết thủ tục hành chính chỉ ngồi ở nhà nộp hồ sơ qua cổng điện tử.

Thống kê ở Cổng Dịch vụ công trực tuyến thành phố Cần Thơ, tháng 8 tiếp nhận 28.623 hồ sơ, giải quyết 28.002 hồ sơ (trong đó đúng hạn 99,97%). Tháng 9 tiếp nhận 29.949 hồ sơ, giải quyết 28.863 hồ sơ (đúng hạn 99,81%). Tháng 10 tiếp nhận 54.866 hồ sơ, giải quyết 53775 hồ sơ (đúng hạn 99,59%). Tháng 11 tiếp nhận 44.585 hồ sơ, giải quyết 43.670 hồ sơ (đúng hạn 99,61%). Tháng 12 tính đến sáng ngày 31, tiếp nhận 55.644 hồ sơ, giải quyết 50.313 hồ sơ (đúng hạn 99,83%).

Tính từ đầu năm 2021 đến sáng ngày 31/12/2021, Cổng Dịch vụ công trực tuyến thành phố Cần Thơ tiếp nhận 665.554 hồ sơ, đã giải quyết 648.901 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn 647.281 hồ sơ (đạt 99,75%). Sự phát triển nhanh vì năm 2018 mới bắt đầu giải quyết trực tuyến chỉ tiếp nhận 3.963 hồ sơ, giải quyết 2.834 hồ sơ (đúng hạn 95,13%). Hai năm kế tiếp tăng liên tục để năm nay đủ năng lực vượt đại dịch.

Không ngừng nâng cao chất lượng

Để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến lên mức độ 4, ngày 4/6/2021, UBND thành phố Cần Thơ có Kế hoạch số 117/KH-UBND, yêu cầu các cấp, các ngành triển khai những công việc cụ thể. Mục tiêu: “Đảm bảo việc triển khai 100% các dịch vụ công đủ điều kiện nâng lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 khả thi, tiết kiệm, tạo thuận lợi tốt nhất để phục vụ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp”.

Về kỹ thuật như cấu hình dịch vụ công trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố và cập nhật, công khai trên Cổng Dịch vụ công thành phố cũng như bảo đảm đồng bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia do Sở TT&TT chịu trách nhiệm. Kinh phí từ ngân sách hàng năm và nguồn khác.

Ngày 23/9/2021, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 2046/QĐ-UBND phê duyệt danh mục 705 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021. Quyết định nhấn mạnh: “Cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ, không đạt tiến độ, yêu cầu theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, sẽ bị xử lý theo quy định”.

Tiếp theo, ngày 24/9/2021, Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường có Công văn số 4122/UBND-NC yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị “Chỉ đạo quản lý thực hiện và giám sát chặt chẽ quy trình quản lý văn bản đi, đến trong môi trường mạng”. Chủ tịch Trần Việt Trường cũng giao Chánh Văn phòng UBND thành phố “chủ động ban hành ngay văn bản yêu cầu hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định” đối với các hồ sơ, văn bản do các ngành, địa phương, đơn vị tham mưu không đảm bảo quy trình, chất lượng, thời hạn.

Kết thúc năm 2021, người dân đánh giá hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt điểm cao nhất chiếm 90,1%, trong lúc năm 2020 chỉ 89,1% và năm 2019 là 86%. Nhiều ngành và địa phương được đánh giá cao. Điển hình là Sở NN&PTNT, Sở VHTT&DL có 100% hồ sơ giải quyết đạt điểm cao nhất; quận Thốt Nốt có 99,97% hồ sơ đạt điểm cao nhất và ở quận này, 5/9 phường có 100% hồ sơ đạt điểm cao nhất.

                                                                                                SÁU NGHỆ