Ngày 19/12/2022, Sở TT&TT thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số” có nhiều tham luận tập trung bàn về phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đô thị thông minh (IOC).
Giảng viên và sinh viên đại học chụp ảnh với Ban Tổ chức hội thảo
Chú trọng nguồn nhân lực
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội thảo: “Để thực hiện thành công chuyển đổi số gắn với IOC, thành phố mong muốn quy tụ nhiều nguồn lực từ các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt, nguồn nhân lực số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong triển khai và khẳng định tính hiệu quả chuyển đổi số của thành phố”.
Thành phố Cần Thơ đã cơ bản hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số như: Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/8/2021 của Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025; Kế hoạch của UBND thành phố Cần Thơ về Chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định chuyển đổi số đảm bảo trên 03 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời cũng xác định 09 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số của thành phố như: Y tế, Giáo dục, Tài chính – Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải logistics, Năng lượng,… Cần Thơ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số của thành phố và của các ngành, các cấp; Thành lập Tổ công tác, Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để triển khai thực hiện.
“Cần Thơ cũng xác định chuyển đổi số gắn với IOC, trên cơ sở đó khung pháp lý về phát triển IOC đã cơ bản hình thành như: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11 ngày 4 năm 2017 của Thành ủy “Về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành IOC, giai đoạn 2016 – 2025”, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án Xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành IOC giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định 10 lĩnh vực ưu tiên triển khai thực hiện như: Y tế, Giáo dục, Du lịch, Nông nghiệp”, Chủ tịch Trường cho hay.
Chủ tịch Trần Việt Trường phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, Trưởng phòng Chính sách Cục Chuyển đổi số quốc gia của Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Thảo đánh giá trong chuyển đổi số quốc gia “Dữ liệu là cốt lõi, nhân lực là cơ bản”. Về nhân lực, ông khuyến nghị cụ thể phát triển năng lực số:
Người dân được bồi dưỡng, phát triển kỹ năng số, đẩy mạnh hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Cán bộ công chức được bồi dưỡng nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số; kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu. Chuyên trách chuyển đổi số sẽ thu hút, duy trì, phát triển nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước; có chính sách hỗ trợ đào tạo, thu nhập cho cán bộ chuyên trách. Lực lượng lao động được phát triển kỹ năng, năng lực thích ứng với ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số tại các doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động theo công nghệ số.
Xây dựng IOC Cần Thơ
Tiến sỹ Vũ Thành Nam là Kiến trúc sư giải pháp của Khối giải pháp Chính phủ cho hay: “Một IOC bền vững là một đô thị sáng tạo, sử dụng các CNTT&TT và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả của các hoạt động, dịch vụ, và năng lực cạnh tranh, trong khi vẫn đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại và tương lai về mặt kinh tế, xã hội và môi trường”.
Trong xây dựng IOC thì việc xây dựng Trung tâm điều hành thông minh là rất quan trọng vì đây là bộ não của thành phố ra quyết định, cảnh báo, quản trị và chỉ huy.
Hạ tầng IOC gồm có Hạ tầng số – Digital Infrastructure: Công nghệ nền tảng tạo khả năng vận hành môi trường số của tổ chức, doanh nghiệp số. Bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, điện thoại thông minh, nền tảng điện toán đám mây, nền tảng danh tính số và các nền tảng về phần mềm, mạng vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, an toàn, an ninh mạng để cung cấp như một dịch vụ Cơ sở hạ tầng vật lý – Trung tâm dữ liệu. Cơ sở vật chất có thiết bị tính toán, mạng & truyền thông. Nền tảng điện toán đám mây là Private cloud, Public Cloud, Hybrid; Nền tảng IoT
Hạ tầng dữ liệu: Tiếp nhận, lưu trữ, xử lý, phân tích, khai thác. Đặc biệt về con người, quy trình, công nghệ.
Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam có tham luận kiến nghị việc triển khai Trung tâm điều hành IOC cho thành phố Cần Thơ, dựa vào Đề án xây dựng IOC của thành phố.
Giai đoạn 2021 – 2022 có mục tiêu hình thành Trung tâm điều hành IOC để tích hợp các dữ liệu hiện có về IOC là dân cư, lưu trú, công chức viên chức, camera, bảo hiểm y tế-xã hội; Tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án đã có kế hoạch và nguồn lực; Xây dựng chính sách PPP cho phát triển IOC; Ưu tiên các dự án thực hiện được PPP.
Giai đoạn 2023- 2025 mở rộng triển khai IOC trên các lĩnh vực ưu tiên, thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển IOC. Triển khai IOC cho các sở, ngành và địa phương; Chia sẻ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp; Đẩy mạnh triển khai dữ liệu mở trên các lĩnh vực để thúc đẩy sáng tạo trong triển khai các dịch vụ phục vụ IOC.
Tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu thành phố Cần Thơ trở thành một IOC trên các lĩnh vực ưu tiên, tham gia chuỗi liên kết IOC, là hạt nhân đầu tàu của vùng ĐBSCL trong chuỗi liên kết IOC cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tổng cộng Đề án đặt ra 32 nhiệm vụ, giai đoạn 2020-2022 có 23 nhiệm vụ, giai đoạn 2023-2025 có 9 nhiệm vụ. Số nhiệm vụ đã hoàn thành 4/23, đang triển khai 10/23.
Sản phẩm số giới thiệu tại hội thảo
Đề xuất cách thức triển khai tập trung vào xây dựng cơ cấu tổ chức vận hành Trung tâm IOC, gồm 5 nội dung chính. 1/Xây dựng quy trình vận hành: Quy chế phối hợp xử lý phản ánh hiện trường phục vụ phát triển IOC. 2/Quy chế phối hợp về xử lý vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông. 3/Quy chế phối hợp về xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường, du lịch, y tế, giáo dục, hành chính công, quản lý đô thị, đất đai, phản ánh kiến nghị của người dân, ATTT. 4/Quy chế phối hợp với các ngành: thuế, hải quan, kho bạc, công an, thống kê, bảo hiểm xã hội, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương. 5/Hợp tác với các Bộ ngành để kết nối, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống dùng triển khai trên phạm vi toàn quốc.
“Các yếu tố thành công: Xây dựng dòng chảy dữ liệu và lãnh đạo ra quyết định bằng dữ liệu”, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam kết luận.
NGỌC DUYÊN
(Theo Sở TT&TT thành phố Cần Thơ)