Bảo đảm trật tự kỷ cương và an toàn cho người tham gia giao thông

16

Đứng trước yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự an toàn giao thông và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại. Trên cơ sở các luận cứ khoa học và đòi hỏi của thực tiễn, Chính phủ đã thống nhất xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Từ chủ trương đúng đắn, hai dự án luật thể hiện sự thống nhất, quyết tâm trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Trong đó, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng, soạn thảo được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là có cách tiếp cận với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn, đưa ra thể chế pháp luật đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch và có tính ổn định cao. Giải quyết được 6 chính sách lớn, hướng tới mục tiêu kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông và các vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

Đồng tình với Chính phủ, khi thống nhất xây dựng hai dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008, GS.TS Đỗ Đình Hòa, một chuyên gia trong lĩnh vực khoa học an ninh khẳng định, sau hơn 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã không thể đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Một trong những hạn chế lớn nhất của luật, là không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ. Nhất là giữa cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh trật tự và cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng, kỹ thuật.

Quá trình xây dựng dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, cơ quan soạn thảo cũng đã trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia. Cho thấy không có quốc gia nào ban hành luật giao thông đường bộ bao gồm cả 3 lĩnh vực: an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ như Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Hạn chế này đã được sửa đổi trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, xác định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, khắc phục những bất cập hiện nay; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, đảm bảo tính chuyên nghiệp, tránh chồng chéo.

Tại các diễn đàn trao đổi với nhân dân, cơ quan soạn thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng khẳng định: Lợi ích của nhà nước, lợi ích của nhân dân. Duy trì xã hội trật tự kỷ cương, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. Chính là mục tiêu lớn nhất mà Dự thảo Luật hướng tới.

Đưa ra 6 nhóm chính sách trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an cũng đề xuất các chế định cụ thể, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh. Xác định công tác quản lý người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, từ kiến thức, ý thức pháp luật; năng lực hành vi; kỹ năng điều khiển phương tiện đến quá trình chấp hành pháp luật… là một nội dung quan trọng, xuyên suốt, có ý nghĩa then chốt để bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Các chuyên gia cũng đánh giá cao, khi dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ không chỉ quy định rõ quyền, trách nhiệm của người tham gia giao thông. Mà đã đưa ra những chế định cụ thể để đảm bảo tính công khai, minh bạch đối với lực lượng thực thi pháp luật trong giải quyết, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.