Nghệ An: Chuyện về một doanh nhân cựu chiến binh

5

Là thương binh, nay tuổi đã cao lại mang trong mình nhiều bệnh tật. Thế nhưng cựu chiến binh Lê Mạnh Hải vẫn luôn yêu đời, sống có trách nhiệm với xã hội.

Với đồng đội ông dành một tình cảm trĩu nặng nghĩa tình. Với nhân dân Tây Nguyên – Nơi chiến trường xưa ông đã từng sống và chiến đấu, ông dành những đồng tiền tiết kiệm “Mồ hôi, nước mắt” của mình ủng hộ, giúp đỡ đồng bào. Việc kinh doanh, luôn lấy chữ tín làm đầu bằng đạo lý ” Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.”

Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong

Chiến binh Lê Mạnh Hải hiện nay là Tổng giám đốc Công ty Phú Nguyên Hải

Năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt, Lê Mạnh Hải đã viết đơn xung phong lên đường bảo vệ quê hương. Vào bộ đội, ông đã từng tham gia chiến dịch Xuân Hè 1972, góp phần cùng toàn mặt trận giải phóng Đắc Tô -Tân Cảnh, giải phóng được một vùng rộng lớn Tây Nguyên . Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông tham gia đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, theo mũi tấn công của Sư đoàn đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, cùng 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước thống nhất, ông cùng đồng đội tham gia chiến dịch đánh trả lực lượng Pôn – Pốt lấn chiếm biên giới Tây Nam. Làm nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng.

Năm 1982, sau 11 năm chinh chiến trên khắp các chiến trường, mình mang nhiều thương tích, cựu chiến binh, thương binh Lê Mạnh Hải được chuyển ngành về công tác tại Sở Công nghiệp Nghệ An và nghỉ hưu năm 2007. Với bản chất người lính được tôi luyện trong quân ngũ, trải qua những trận chiến sống mái với kẻ thù, khi rời quân ngũ, ông Lê Mạnh Hải đã nỗ lực hết mình để lo tròn việc nước, đảm việc nhà. Ông thành lập Công ty TNHH Phú Nguyên Hải để tạo việc làm cho nhiều con em các cựu chiến binh cùng ông một thời “Vào sinh ra tử”. Với ý chí ”Dân giàu, nước mạnh” cán bộ nhân viên công ty và bản thân ông luôn luôn sáng tạo, không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả công việc để đưa công ty ngày càng phát triển, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh. Trên cương vị là Giám đốc doanh nghiệp, Trưởng ban Liên lạc Đại đoàn Đồng bằng Sư đoàn 320 tại Nghệ An – Hà tĩnh. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng bất kỳ ở đâu, lúc nào những ký ức về Tây Nguyên, Sa Thầy, Sạc Ly, Đen Ta…cũng hiện ra trong trái tim ông. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tri ân những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường Tây Nguyên năm xưa, ông Hải cùng các CCB trong Ban liên lạc đã đứng ra khởi xướng xây dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ. Từ ý tưởng đó, ông Hải và các Cựu chiến binh già quê ở Nghệ An -Hà Tĩnh đã khăn gói vào chiến trường xưa xây nhà bia tưởng niêm tri ân đồng đội.Ở nơi rừng thiêng nước độc, nhưng với trách nhiệm Trưởng ban liên lạc và trên hết là ý chí quyết tâm vì đồng đội, ông đãcùng đồng đội hoàn thành tâm nguyện với các liệt sỹ. Sau 3 năm miệt mài lao động của các cựu chiến binh, của cán bộ công nhân viên Công ty TNHH Phú Nguyên Hải, một số cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 320, cộng với hàng tỷ đồng tiền ” Mồ hôi nước mắt” đóng góp của gia đình Lê Mạnh Hải và đồng đội, bốn nhà bia tưởng nhớ tri ân đồng đội đã được xây dựng. Hiện nay công trình nhà bia Chư Bồ -Đức Cơ và 1049, 1015 đã được UBND tỉnh Kon Tum xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Được địa phương chọn ngày 21/4 làm ngày lễ hội ( Giổ trận) để nhân dân cả nước đến thăm viếng, tri ân

Nặng lòng với những kỷ vật trong chiến tranh

Cựu chiến binh, thương binh Lê Mạnh Hải, Giám đốc công ty TNHH Phú Nguyên Hải trú tại khối 5, phường Lê Lợi, TP Vinh hiện là Trưởng ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng bằng Sư đoàn 320 khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh. Trở về với cuộc sống đời thường, ông dành thời gian sưu tầm, tập hợp các kỷ vật của chiến trường nhằm ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Phòng làm việc của ông tại Công ty trở thành phòng lịch sử trưng bày hàng trăm hiện vật chiến trường và nơi đây cũng là nơi sinh hoạt của Ban Liên lạc sư đoàn 320. Mỗi kỷ vật là một báu vật gắn với mỗi cuộc chiến đấu ông được tham gia, mỗi chiến trường ông bước chân đến. Mỗi khi có khách ghé thăm ông trở thành hướng dẫn viên nhiệt tình truyền cảm hứng, ý chí quật cường của các chiến sỹ Giải phóng quân. Điểm nhấn của bộ sưu tập anh giải phóng quân là bộ quân trang, quân dụng, các trang bị cá nhân của người lính trong chiến tranh. Những khẩu súng, chiếc ba lô đựng vật dụng cá nhân, bi đông đựng nước, ăng gô đựng thức ăn, lá cờ Giải phóng nửa xanh nửa đỏ…Những dụng cụ sản xuất của đồng bào Tây Nguyên được các cô gái Pa Cô trao tặng. Nhìn chiếc mũ tai bèo của người lính bị mảnh bom xé nát, chiếc bút Trường Sơn dùng để viết thư trong chiến trường khói lửa… lòng ông lặng đi bồi hồi xúc động. Đi qua sinh tử trong chiến tranh, những ký ức về đồng đội trong ông vẫn là niềm đau đáu. Khi công việc áp lực,lúc đau do vết thương cũ tái phát ông lại ngắm nhìn những kỷ vật để quên đi nỗi đau, để được trở về với những năm tháng tuổi trẻ oanh liệt, hào hùng. Ở đó có gian khổ, có hiểm nguy và niềm vinh quang chiến thắng, có nghĩa tình đồng đội đằm thắm bền lâu. Nhớ về đồng đội, ông mở băng tiếng thơ qua giọng ngâm của Nghệ Sỹ Thanh Hương bài Hoan hô anh Giải phóng quân: Hoan hô anh Giải phóng quân/ Kính chào anh con người đẹp nhất/ Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang bất khuất trên đời/ Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi/ Một dây ná một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ/ Không tự ngắm mình, Anh chẳng hay đâu hỡi chàng dũng sỹ/ Cả năm châu chân lý đang nhìn theo.

Đi qua sinh tử trong chiến tranh, những ký ức về đồng đội trong ông Lê Mạnh Hải vẫn luôn là nỗi niềm đau đáu. Bởi thế, ngoài công việc kinh doanh, ông dành phần lớn thời gian và tâm huyết trong các hoạt động giúp đỡ, tri ân đồng đội.

Tấm lòng của doanh nhân vàng bạc Hải Phú Nguyên

Là người lính từng vào sinh ra tử, người “Thương binh tàn nhưng không phế” nay tuổi đã cao lại mang trong mình nhiều bệnh tật nhưng Doanh nhân vàng bạc Phú Nguyên Hải vẫn luôn yêu đời, yêu người, sống nhiệt thành và đầy trách nhiệm với xã hội. Đối với những đồng đội đã ngã xuống ông dành một tình cảm hết sức đặc biệt, trĩu nặng nghĩa tình. Việc kinh doanh luôn lấy chữ tín làm đầu với chân lý “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong ”.

Có bà mẹ ở huyện Đô Lương đã 90 tuổi, ở cái tuổi “gần đất xa trời”, mẹ chỉ có một ước nguyện là tìm được hài cốt của người con Trần Thanh Hải hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lúc đó mẹ mới nhẹ nhàng “nhắm mắt xuôi tay”. Qua kết nối với người con trai của mẹ là anh Trần Phi Hổ, ông Hải đã tìm tòi kết nối với Nhà văn Võ Minh qua hồi ký “Có một thời như thế”. Qua các thông tin ít ỏi và kinh nghiệm trận mạc của mình cùng lời hứa với người mẹ Liệt sỹ, ông Hải và đồng đội cũ đã tìm được hài cốt của liệt sỹ Trần Thanh Hải đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà trong niềm vui vỡ òa của mẹ liệt sỹ và người thân trong gia đình cùng bà con làng xóm.Trong kháng chiến chống Mỹ, tuổi trẻ của ông Hải đã nhiều lần đi qua sông Lam bằng đò ngang đoạn xã Hưng Xuân qua cầu Yên Xuân về Đức Thọ quê ông. Hình ảnh hai ông bà già hàng ngày chèo đò chở khách, bộ đội qua sông dưới mưa bom bão đạn đã đọng mãi trong ông hình ảnh hai cụ vừa chèo thuyền vừa nhìn lên trời canh chừng máy bay Mỹ đánh phá. Và trong một lần máy bay Mỹ bắn phá bến đò, ông bà đã vĩnh viễn nằm lại trên dòng sông quê hương. Ngày 22/10/2022, Báo Nghệ An đăng bài ” Ký ức về Bến đò Cố Xin bên dòng Lam” của tác giả Công Kiên, Ông Lê Mạnh Hải đã tìm về quê ông bà cố Xin thắp hương cho hai cụ và tặng gia đình món quà nhỏ tri ân các cụ, giúp quê hương củng cố thêm tư liệu góp phần đưa di tích Bến đò Cố Xin sớm được công nhận là Di tích Lịch sử. Hàng năm vào dịp Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7), ông cùng đồng đội vào Tây Nguyên thắp hương tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sỹ, ông đã dành hàng trăm triệu đồng mua quần áo tặng các cụ già, mua sách vở tặng các cháu học sinh, mua gạo, tặng quà các gia đình chính sách. Để góp phần giúp dân trong thiên tai lũ lụt, ông Hải đã mua nhiều xuồng máy, xuồng cao tốc để cứu hộ cứu nạn. Những thuyền này ông Hải cùng các công nhân Công ty đã duy tu, bảo dưỡng chu đáo và đặt những cái tên rất nhân văn như: Thiên Nhẫn, Ngàn Phố, Đại Huệ…

Từ hy sinh trong chiến đấu, trở về với đời thường sự nỗ lực hết mình đã giúp ông gặt hái nhiều thành công trên mặt trận kinh tế, nhưng ông Lê Mạnh Hải không quên những ngày tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử, những người đã đổ xương máu, những người đã ở lại vĩnh viễn trên chiến trường…đến nay tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn luôn miệt mài, tâm huyết trong kinh doanh và các hoạt động xã hội, tri ân đồng đội – đó là khí chất doanh nhân của một chiến binh – thương binh xứ Nghệ phẩm chất bộ đội cụ Hồ luôn nêu cao ý chí “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Nguyễn Sơn (Theo hội doanh nhân cựu chiến binh Nghệ An)