Tình hình báo chí cả nước năm 2024

4

Ngày 16/12/2024, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Báo cáo tại hội nghị cho biết khá toàn diện tình hình báo chí cả nước năm 2024.

Có 884 cơ quan báo chí với tình hình tài chính và nhân lực

Gồm 812 báo, tạp chí và 72 đài PTTH. Trong 812 cơ quan báo, tạp chí có 137 báo và 675 tạp chí; về báo có 73 báo địa phương, 64 báo trung ương; về tạp chí có 323 tạp chí khoa học, 275 tạp chí thuộc tổ chức hội, 77 tạp chí thuộc cơ quan khác (bộ, ngành, tôn giáo). Trong 72 cơ quan đài PTTH phát thanh, truyền hình có 2 đài quốc gia (Đài Tiếng nói Việt Nam – VOV và Đài Truyền hình Việt Nam – VTV), 64 đài PTTH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 1 đài truyền hình kỹ thuật số VTC trực thuộc VOV và 5 đơn vị hoạt động truyền hình (Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Truyền hình Công an nhân dân, Truyền hình Thông tấn – Vnews, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam). Có 3 đài/đơn vị là VTV, Vnews và Đài Truyền hình TPHCM được cấp giấy phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài để biên tập 49 kênh truyền hình nước ngoài.

Đoàn chủ tọa hội nghị

Mức độ tự chủ tài chính: Báo chí in, báo chí điện tử có 39% tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên, 36% tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, còn 25% do ngân sách bảo đảm chi thường xuyên. Đài PTTH có 6,9% tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 29,17% tự bảo đảm chi thường xuyên, còn 63,93% tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Riêng VTV có cơ chế tài chính đặc thù như doanh nghiệp nên không phê duyệt phương án tự chủ, nhưng vẫn được NSNN cấp chi thường xuyên một số nhiệm vụ và một số dự án đầu tư.

Doanh thu năm 2024: Báo chí in, báo chí điện tử ước đạt 8.080 tỷ đồng, giảm khoảng 6,1% so với năm 2023, trong đó quảng cáo giảm 5,6%. Đài PTTH đạt khoảng 12.524,2 tỷ đồng (tăng 1,7% so với năm 2023 đạt 12.049 tỷ đồng), trong đó, thu từ hoạt động dịch vụ đạt khoảng 7.501,24 tỷ đồng, thu từ quảng cáo đạt khoảng 3.426,24 tỷ đồng (nguồn thu dịch vụ năm 2024 giảm 2,2% so với năm 2023 đạt 7.669,33 tỷ đồng; thu quảng cáo năm 2024 giảm 36,4% so với năm 2023 đạt 5.387,48 tỷ đồng).

Hoạt động quảng cáo ở các đài PTTH: Trừ một số Đài như VTV, Vĩnh Long, HTV…, còn hầu hết không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật quảng cáo (10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh THTT). Có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày. Một số đài ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, nguồn thu quảng cáo dưới 1 tỷ đồng/năm.

Các cơ quan báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối PTTH xấp xỉ 16.500 người. Tính đến tháng 12/2024, có khoảng 21.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo. Trong đó, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành báo chí là 31,25%, bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khác là 68,75%.

Tình hình thông tin trên báo chí

Ưu điểm: Về cơ bản, các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo đồng thuận của xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, cùng hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các đại biểu dự hội nghị

Báo chí bám sát, phản ánh khách quan các vấn đề dân sinh; giá cả thị trường; an toàn thực phẩm; công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ; an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ… Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền về bão số 3, cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền đổ bộ trực tiếp vào nước ta, song công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong đó có hệ thống thông tin, tuyên truyền…, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại của cơn bão.

Có 13.178 đầu mối cung cấp thông tin cho báo chí thuộc 93 bộ, ngành, địa phương (trước đây chỉ có trên 5.000 đầu mối). Cố lượng tin, bài về truyền thông chính sách/tổng số tin bài trên báo chí tăng từ 11% lên 20% (tổng tin bài trên báo chí hàng năm là 40 triệu; truyền hình 50 nghìn giờ; phát thanh 20 nghìn giờ). Kinh phí dành cho truyền thông chính sách của các địa phương sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 tăng khoảng 10%, trong đó có một số tỉnh kinh phí cho truyền thông chính sách tăng 50%.

Hạn chế: Tính chuyên sâu, chuyên ngành của tạp chí thuộc hội, viện thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhất là loại hình tạp chí điện tử vẫn chưa được quan tâm, tiếp cận đúng mức; vẫn còn nhiều tạp chí điện tử thể hiện xu hướng phản ánh, thông tin sự kiện đơn thuần, dẫn đến thông tin không phù hợp tôn chỉ mục đích, tính chất hoạt động của tạp chí.

Vẫn còn những vụ việc, hiện tượng một số nhà báo, phóng viên, cộng tác viên lợi dụng việc nắm được những thông tin nội bộ một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gây sức ép, thậm chí là đe dọa, sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo, tham gia quỹ danh nghĩa hoạt động xã hội của cơ quan báo chí hoặc thu lợi bất chính. Đây là những hoạt động thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật. Từ đầu năm 2024 tới nay, có 14 nhà báo bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can, trong đó có cả người đứng đầu cơ quan tạp chí (năm 2023, có 15 phóng viên, cộng tác viên vi phạm pháp luật bị bắt giữ, xử lý hình sự).

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được chú trọng, tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật. Chuyển mạnh công tác thanh tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội.

Tại Bộ TT&TT, từ tháng 1/2024 đến hết 19/11/2024, đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 1.532.250.000 đồng; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực báo chí có 25 quyết định xử phạt 900.750.000 đồng. Tại các địa phương, xử phạt vi phạm hành chính 181 vụ việc với tổng số tiền 2.021.698.000 đồng; trong đó, báo chí 11 vụ việc với 192.000.000 đồng và thông tin trên mạng 170 vụ việc với số tiền 1.829.698.000 đồng.

Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý 8 vụ việc liên quan đến 17 trường hợp là phóng viên, cộng tác viên vi phạm pháp luật; ban hành quyết định khai trừ, thu hồi 5 thẻ hội viên vi phạm pháp luật của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; đang tiến hành thủ tục quy trình khai trừ, thu hồi 2 thẻ hội viên vi phạm pháp luật đã có bản án thi hành có hiệu lực của pháp luật.

Công tác đánh giá, xử lý “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử, “báo hóa” mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí tiếp tục được thực hiện khách quan, toàn diện, kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra, phù hợp với quy định pháp luật về báo chí, cũng như quy định của Đảng.

Bộ TT&TT đã chủ trì làm việc với 7 cơ quan báo chí; ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 516,5 triệu đồng; trong đó 2 tổng biên tập bị xử phạt về hành vi giao quyền cho cấp dưới cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục thường xuyên, tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí của cơ quan báo chí, người làm báo; có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng “tư nhân hóa” báo chí, tư nhân “núp bóng” chi phối hoạt động báo chí; tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội; “thương mại hóa” báo chí.

Đối với cơ quan báo chí, bám sát tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí. Tập trung tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao vai trò trong việc định hướng xã hội về tính nhân văn, đạo đức, hướng tới các giá trị văn hóa như chân, thiện, mỹ, hoà bình, hội nhập, phát triển bền vững. Tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo.

THANH HẢI