Hội thảo phát triển nhân lực chất lượng cao du lịch ĐBSCL

49

Các điểm du lịch đã rực rỡ ánh đèn LED hiện đại cũng như cuộc sống ĐBSCL nhiều mặt đã lấp lánh ánh sáng thời 4.0 nhưng hoạt động du lịch ở vùng sông nước còn khá phẳng lặng đắm chìm, có căn nguyên từ nguồn nhân lực. Cho nên Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp với Báo Công lý tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL” vào tháng tới.

Hình ảnh cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ về đêm

Thực tiễn cuộc sống yêu cầu

Thành phố Cần Thơ thực hiện dự án chống ngập khu trung tâm và tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, có hợp phần phát triển hành lang đô thị gồm xây dựng một số cầu và đường. Khi chiếc cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, nối bờ bên này thuộc quận Ninh Kiều sang bờ bên kia thuộc quận Cái Răng chính thức thông xe vào cuối tháng 4/2024, từ đó mở ra một vùng kinh tế đêm bên sông rộn ràng du khách.

Cầu Trần Hoàng Na trang trí đèn LED thiết kế hiện đại, đêm đêm tỏa ánh sáng nhiều màu rực rỡ, hấp dẫn. Bốn bờ sông tỏa về thượng lưu và hạ lưu, dài hàng cây số, hàng quán mở ra có điểm cho khách ngồi ngắm cây cầu đổi màu rực rỡ, luôn đông đúc nam thanh nữ tú, cả người già và trẻ nhỏ.

Thành phố Cần Thơ có bến Ninh Kiều thơ mộng từ xưa, nay nét thơ mộng văn hóa miền sông nước càng rực rỡ dưới ánh đèn hiện đại

Cả một khu vực rộng lớn quanh cầu Trần Hoàng Na trước đây hẻo lánh vắng vẻ, im lìm, nay sôi động. Du khách rộn ràng, du lịch phát triển, và cũng bức thiết đặt ra nhiều yêu cầu mới với công tác quản lý nhà nước, phát triển cơ sở kinh doanh, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu và tất cả đều đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao tương xứng.

Ở thành phố Cần Thơ có Chợ nổi Cái Răng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được công nhận năm 2016, một điểm du dịch đặc trưng của ĐBSCL cũng đang bức thiết nhu cầu nhân lực chất lượng cao để bảo tồn, phát triển. Du khách thường cho rằng, nếu chọn tấm ảnh không chú thích mà vẫn biết chụp ở ĐBSCL thì đó chỉ có thể là chợ nổi. Nhưng chợ nổi Cái Răng điển hình của ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ “chìm” khi số lượng tàu thuyền còn rất ít so với vài chục năm trước.

Chuyên gia tư vấn du lịch ĐBSCL Phan Đình Huê phân tích nguyên nhân: Nhu cầu của du khách ngày càng cao nhưng dịch vụ tham quan chợ nổi (phía cung) không thay đổi trong hàng chục năm qua: Vẫn là bến tàu lộn xộn; phương tiện vận chuyển ồn ào, nhếch nhác, còn người phục vụ chỉ biết lái tàu đến chợ cho khách chụp hình check in rồi về. Tình trạng như hiện nay thì với một tour đi chợ nổi, chủ tàu là người nắm quyền quyết định chuỗi dịch vụ, đó là, họ quyết định về giá bán, chất lượng dịch vụ và dừng ở đâu, ghé đâu, mua bán với ghe nào để có hoa hồng. Các thương hồ dù là đối tượng tham quan của du khách, còn tài nguyên là của nhà nước, nhưng cả hai bên hầu như không thu được gì. Kết quả là du lịch sống nhờ chợ nổi, nhưng chợ nổi không thể sống nhờ du lịch được.

Thương hồ chợ nổi Cái Răng giờ vẫn như xưa nên kém phần hấp dẫn

“Có lẽ đã đến lúc cần thay đổi”, ông Huê nhấn mạnh. Và ông đề xuất: “Phải xây dựng tour chợ nổi dưới dạng chuỗi giá trị bao gồm các dịch vụ: Bến tàu, phương tiện vận chuyển, điểm tham quan trải nghiệm chợ nổi trên ghe của thương hồ, nhà vườn và dịch vụ cộng thêm trên bờ. Với chuỗi giá trị này, Nhà nước cần đầu tư hạ tầng (bến tàu), sau đó tổ chức đấu thầu cho các doanh nghiệp phát triển các tuyến tour theo chuỗi giá trị với chất lượng riêng của họ. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin và VNeID để quản lý khách, doanh thu và giá bán hàng hóa trên chợ”.

Rõ ràng, để có chợ nổi phục vụ du khách thời hiện đại thì thương hồ và nhân viên du lịch ở các khâu phải hiện đại; họ cần được đào tạo có chất lượng cao, mới hy vọng giữ chợ nổi thành các di sản đương đại trên sông nước, góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống để phát triển du lịch ở ĐBSCL.

Hội thảo phát triển nhân lực chất lượng cao

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường cho biết, trước yêu cầu của cuộc sống, Hiệp hội phối hợp với Báo Công lý tổ chức hội thảo nhằm đưa ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao tại ĐBSCL, nhân lực cho du lịch thời 4.0. Hội thảo đảm bảo tính khoa học gắn với thực tiễn, thiết thực và hiệu quả, dự kiến tổ chức sáng 12/9/2024 tại Khách sạn Mường Thanh ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Ban Tổ chức cho hay, nội dung chính gồm 2 chuyên đề. Chuyên đề 1: Phát triển nguồn nhân lực về du lịch khu vực ĐBSCL; Chuyên đề 2: Nâng cao thực thi pháp luật trong ngành du lịch khu vực ĐBSCL. Từng chuyên đề có các tham luận và thảo luận. Mục tiêu, thông qua hội thảo, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch tại ĐBSCL và vấn đề thực thi pháp luật về du lịch tại các doanh nghiệp, điểm du lịch của khu vực ĐBSCL. Qua đó, định hướng công tác đào tạo gắn với thực tế; nâng cao và cập nhật kiến thức pháp luật về du lịch, đảm bảo hoạt động du lịch không ngừng phát triển hiện đại.

Lãnh đạo thành phố Cần Thơ tặng quà cho thương hồ chợ nổi Cái Răng dịp Tết 2024, một hoạt động quen thuộc nhiều năm qua, ấm áp nghĩa tình nhưng cũng có nỗi buồn về sự kém phát triển của điểm du lịch nổi tiếng

Hội thảo sẽ có đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, UBND và Sở quản lý du lịch các địa phương ĐBSC. Đặc biệt có các nhà khoa học, các chuyên gia du lịch; đại diện doanh nghiệp du lịch, các điểm du lịch tiêu biểu của ĐBSCL; các trường có khoa, ngành đào tạo về du lịch

Bên cạnh, có không gian trưng bày, giới thiệu hình ảnh, thông tin du lịch, các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tour tuyến, điểm đến các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL.

Sáu Nghệ