Nhân kỷ niệm 77 năm, Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), sáng 24/7, Viện Phát triển Văn hoá và Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cùng Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển đã dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tuyên Quang.
Cùng với đó, Viện và Tạp chí phối hợp cùng UBND huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tổ chức thành công chương trình “Còn mãi với thời gian” nhằm tri ân, tặng quà tới các thương bệnh binh, các gia đình chính sách, thân nhân gia đình liệt sĩ trên địa bàn xã Xuân Vân.
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khoá XV; bà Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang; bà Ma Thị Thuý, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; ông Lê Hồng Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Văn cùng đại diện các cơ quan, ban ngành địa phương.
Về phía Ban tổ chức có nhà báo Lại Đức Hồng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hoá và Phát triển; nhà báo Lê Thị Tuyết Hà, Chủ tịch HĐQL Viện Phát triển Văn hoá và Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, Phó Ban Văn hoá và Xã hội Tạp chí Ngày nay; bà Chữ Thị Thu Hoài, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Văn hoá và Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cùng các thành viên là lãnh đạo các ban trực thuộc Viện.
Tưởng nhớ anh linh các Anh hùng liệt sĩ
Trước khi chương trình “Còn mãi với thời gian” bắt đầu, các đại biểu tham dự đã dành một phút mặc niệm, bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Phát biểu mở đầu chương trình, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khoá XV bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những cống hiến, hy sinh của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và các gia đình chính sách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa hết sức quan trọng của ngày 27/7 đối với nhân dân cả nước. Đây là dịp để chúng ta ôn lại chiến công lẫy lừng của những chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời cũng là dịp để chúng ta tri ân những người lính đã trở về sau bom đạn, khói lửa của chiến tranh, họ đã để lại một phần cơ thể, xương máu nơi chiến trận. Đó là những người thương binh, bệnh binh, mang trong người nhiều vết thương, tổn hại về sức khoẻ nhưng họ vẫn luôn từng ngày, từng giờ cố gắng làm những việc có ích cho xã hội.
“Ngày hôm nay, sống dưới bầu trời hoà bình, những thế hệ sau luôn nhắc nhở nhau phải biết ơn sự hy sinh của các bậc cha anh, luôn cố gắng phấn đấu tiếp bước cha anh, rèn đức luyện tài, tu dưỡng trên mọi mặt trận…” ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
Nhiều món quà có giá trị tinh thần, ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Tặng quà, trò chuyện với người có công và thân nhân liệt sĩ tại chương trình, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đoàn công tác của Viện Phát triển Văn hoá và Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển tổ chức chương trình “Còn mãi với thời gian” nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ ( 27/07/1947 – 27/07/2024) là một trong những hoạt động thường niên, là dịp để tập thể lãnh đạo, cán bộ của Viện, Tạp chí được bày tỏ những tình cảm chân thành, thăm hỏi, tặng quà, tri ân tới các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh bệnh, người có công với cách mạng.
Nhân dịp này, đoàn công tác đã trực tiếp trao 100 phần quà cho các gia đình chính sách những phần quà thiết thực, phục vụ nhu cầu thiết yếu như: Mì tôm, gạo, dầu ăn, tiền mặt…
Với những tấm lòng như trên, không chỉ những món quà tinh thần, mà còn là niềm khích lệ lớn lao để các gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng sống, học tập và lao động thật tốt, xứng đáng với những hy sinh của những người chiến sĩ đã nằm xuống nơi chiến trường.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng mong muốn các đồng chí thương binh, bệnh binh luôn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, là những tấm gương sáng để cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Trong khuôn khổ chương trình “Còn mãi với thời gian”, đoàn công tác Viện Phát triển Văn hoá và Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và tặng quà 2 gia đình chính sách, người có công trên địa bàn xã Xuân Vân, mỗi gia đình trị giá 3 triệu đồng.
Nhà báo Lê Thị Tuyết Hà – Chủ tịch HĐQL Viện Phát triển Văn hoá và Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, Phó Ban văn hoá và Xã hội Tạp chí Ngày nay chia sẻ: “Viện Phát triển Văn hoá và Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cùng các thành viên trong đoàn luôn tích cực trong mọi phong trào đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt đối với Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, khi mà nhân dân cả nước đang lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, họ đã ngã xuống để dành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Chiến tranh đã đi qua nhiều năm, nhưng hậu quả và dư âm của nó còn sót lại rất lớn, những hình ảnh thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hoà mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ trong lao động sản xuất, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp làm chúng ta vô cùng xúc động và cảm kích”.
Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử của đất nước, nhắc nhở chúng ta phải luôn nhớ và khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đạo lý này đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hoá, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, trách nhiệm xã hội và khơi dậy những giá trị nhân văn cao cả của con người Việt Nam.
Phạm Tuấn