12

Ngày 9/7/2024, tại Cần Thơ, Ban Vận động gây quỹ xây dựng Khu lưu niệm cố soạn giả – NSND Viễn Châu của tỉnh Trà Vinh tổ chức chương trình gửi lời mời gọi đến cả vùng ĐBSCL, bởi nghệ sỹ Viễn Châu được mệnh danh là “Vua vọng cổ”.

Ban Vận động gây quỹ và các đại biểu tại chương trình

Thông tin tại chương trình cho biết, cố soạn giả – NSND Viễn Châu tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21/10/1924 tại xã Đôn Xuân (Duyên Hải, Trà Vinh). Ông là danh cầm đàn tranh nổi tiếng, soạn giả của nhiều vở cải lương đã đi vào lòng người, có công đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng; được nhân dân yêu mến tôn vinh là “Vua vọng cổ”. Những bài vọng cổ của ông đã thấm vào máu của đông đảo người dân như Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà, Anh đi xa cách quê nghèo…  và đặc biệt là Tình anh bán chiếu với mối tình lãng mạn, thủy chung của người thanh niên dệt chiếu Cà Mau. Trong nhiều năm, cái tên soạn giả Viễn Châu luôn xuất hiện với những đêm diễn rực sáng ánh đèn, cùng các vở nổi tiếng như Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Chuyện tình Lan và Điệp, Hoa Mộc lan, Sau bức màn thương, Nát cánh hoa rừng, Quân vương và thiếp… Tình yêu đối với nghệ thuật cải lương của Viễn Châu rất đáng trân trọng với hơn 70 vở cải lương được trình diễn và được đông đảo bà con yêu mến, đón nhận; và hơn 2.000 bản vọng cổ được các nghệ sĩ nổi tiếng trình bày, in ấn phát hành trong và ngoài nước.

Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh (phải) nhận đóng góp của đại biểu

Đặc biệt ông là người có công cải biên cải lương khi kết hợp tân nhạc với làn điệu vọng cổ. Đây là một sắc thái mới khiến ông chịu biết bao chỉ trích và bị cho là kẻ phá nát nhạc truyền thống. Nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi. Nét duyên dáng của thể loại này đã được khán giả đón nhận và các nghệ sĩ có đất sáng tạo trong làn hơi và giọng ca. Giới cải lương coi ông là cha đẻ của thể loại “Tân cổ giao duyên”.

Những đóng góp của cố soạn giả – NSND Viễn Châu trong lĩnh vực nghệ thuật đã góp phần quan trọng trong việc phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc về thể loại đờn ca tài tử Nam bộ và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Ông được Nhà nước phong tặng các danh hiệu như: Nghệ sĩ ưu tú (năm 1988); Nghệ sĩ nhân dân (năm 2012) và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba cho những đóng góp xuất sắc đối với “Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ”.

Hình phối cảnh Khu lưu niệm

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban vận động, phát biểu nhấn mạnh việc xây dựng khu lưu niệm mong muốn tôn vinh và tri ân những cống hiến của cố soạn giả – NSND Viễn Châu trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; phát huy giá trị loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; gắn với phát triển công tác du lịch tại Trà Vinh.

Khu lưu niệm dự kiến xây dựng tại ấp Cây Da, xã Đôn Xuân (Duyên Hải, Trà Vinh) diện tích khoảng 11.300 m2, được thiết kế với 16 hạng mục chính. Gồm cổng chính, biểu tượng đàn tranh, bức tượng của ông Viễn Châu, khu nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp cố soạn giả, khu nhà trưng bày “Đờn ca tài tử cải lương”, nhà biểu diễn, khu quầy lưu niệm, khu hành chính và các hạng mục khác. Hệ thống chiếu sáng hiện đại, chủ yếu dùng đèn LET và các thiết bị tiết kiệm điện, kỳ vọng tạo nên một điểm sáng không những về văn hóa mà cả kỹ thuật để lan tỏa nét hiện đại ở vùng quê này.

Tham dự chương trình có lãnh đạo nhiều sở ngành tỉnh Trà Vinh, các Sở VHTT&DL và Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ. Phát biểu tại chương trình, nhiều người thống nhất đánh giá soạn giả Viễn Châu là một nghệ sĩ tài hoa, để lại di sản văn hóa lớn về nghệ thuật cải lương tân cổ giao duyên. Xây dựng khu lưu niệm là việc làm thiết thực, thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn kính đối với cố soạn giả và lưu truyền các giá trị văn hóa cho tương lai.

Về kinh phí xây dựng, tính toán theo thiết kế khoảng 70 tỉ đồng, nguồn xã hội hóa. Thời gian xây dựng dự kiến trong 2 năm 2024 và 2025. Ngày 9/7/2024 tại chương trình ở Cần Thơ, các nhà hảo tâm đóng góp gần 500 triệu đồng. Ban Vận động cho biết, đến nay đã vận động được 2,5 tỉ đồng và gửi lời kêu gọi các tổ chức, cá nhân ĐBSCL tiếp tục giúp Trà Vinh có thể sớm hoàn thành Khu lưu niệm. Sau chương trình ở Cần Thơ, dự kiến tổ chức tiếp ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Bình Dương, Trà Vinh.

Ngọc Nam – Theo Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh