Sở hữu “kho báu” quý hiếm, Việt Nam đứng trước cơ hội đột phá

13

Sở hữu nguồn đất hiếm lớn thứ 2 thế giới, nhiều nước phát triển đang đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác khai thác đất hiếm, phát triển những dự án sản xuất chip bán dẫn.

Cách đây 5 năm, Mỹ chính thức cấm xuất khẩu linh kiện bán dẫn và chip điện tử tiên tiến sang Trung Quốc. Nay, Trung Quốc “trả đũa” Mỹ bằng chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Bán dẫn trở thành trung tâm cuộc chiến công nghệ toàn diện giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. VN đang có tiềm năng đất hiếm rất lớn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, trở thành “át chủ bài” thu hút đầu tư vào ngành công nghệ bán dẫn.

Sở hữu “kho báu” quý hiếm, Việt Nam đứng trước cơ hội đột phá - Ảnh 1.

Tại buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính cách đây 3 ngày, Bộ trưởng Bộ Kinh tế – Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản bày tỏ mong muốn cùng VN khảo sát, khai thác, chế biến đất hiếm và phát triển các ngành công nghiệp liên quan.

Trước đó một ngày, hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân dịp kỷ niệm 50 hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng đề cập đến việc hợp tác với VN, khai thác tối đa các tiềm năng của cả hai nước về công nghệ cao, sản xuất vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn, xây dựng nền tảng số, chuyển đổi số và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.

Dịp này, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cũng trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất của Besi Việt Nam cho Công ty BE Semiconductor Industries N.V (Hà Lan) trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn với vốn đầu tư gần 5 triệu USD, dự kiến nhà máy đi vào hoạt động chính thức vào đầu năm 2025.

Trong tháng 10, Tập đoàn Amkor (Hàn Quốc) đã tổ chức khánh thành nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới Amkor Technology VN của tập đoàn này tại Bắc Ninh, khẳng định phát triển thành cứ điểm quan trọng trong mạng lưới hoạt động và phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn của Amkor trên toàn cầu. Trước đó, một đối tác của Samsung là Hana Micron cũng cho biết sẽ rót 1 tỉ USD vào sản xuất chip tại VN từ năm 2025.

Sở hữu “kho báu” quý hiếm, Việt Nam đứng trước cơ hội đột phá - Ảnh 2.

Ngành công nghiệp chip là một trong những trọng tâm trong chuyến thăm VN hồi tháng 9 của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Với trữ lượng 1,5 triệu tấn đất hiếm, Mỹ vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu đất hiếm để sản xuất chip. Sau một năm áp đặt một số lệnh trừng phạt thương mại nhằm cản trở tham vọng “bá chủ” công nghệ của Trung Quốc, rồi cấp quyền miễn trừ vô hạn định cho các hãng chip Hàn Quốc, hợp tác chiến lược với VN về bán dẫn…; mới đây, Mỹ tiếp tục vạch kế hoạch 5 năm để giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip. Bán dẫn thì không thể thiếu đất hiếm, trong khi đó VN đang sở hữu nguồn đất hiếm dồi dào với trữ lượng 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc, cái tên VN “nóng” hơn bao giờ hết trên các diễn đàn về vi mạch, bán dẫn. Trên Google, thử tìm cụm từ “bán dẫn VN” thì có đến 200 triệu kết quả.

Thực tế, Samsung từ lâu đã coi VN là “cứ điểm chiến lược” và trong năm nay đã công bố tiếp tục đầu tư xây dựng Tổ hợp Techno Park VN – Hàn Quốc tại Hà Nội, tập trung sản xuất microchip. Hay nhà sản xuất chip khổng lồ Synopsys của Mỹ từ lâu coi châu Á – Thái Bình Dương là khu vực trọng điểm, đến nay cũng đặt 4 văn phòng tại VN, với gần 500 kỹ sư điện tử, công nghệ. Sau khi VN và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, VN đang có nhiều triển vọng thu hút đầu tư vào các hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn…

Công nghệ bán dẫn cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp điện tử khác

Nhà khoa học vi mạch thế giới, GS-TS Đặng Lương Mô, người từng có nhiều thành tựu khoa học về vi mạch, bán dẫn tại Nhật Bản trước khi về VN đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn, bày tỏ vui mừng khi biết Nhật Bản là một trong số các quốc gia sẽ phối hợp với VN nhằm thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong chiến lược hợp tác mới giữa 2 nước.

Ông nhận xét: “Nhật Bản có chính sách đào tạo nguồn nhân lực vi mạch từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, cực kỳ bài bản, khoa học và quyết liệt. Họ thúc đẩy cả 1.000 trường đại học vào cuộc, đào tạo kịp thời cho nhu cầu nhân lực phát triển như vũ bão của ngành này. Chỉ sau thời gian ngắn, Nhật Bản có nền công nghệ bán dẫn lớn của thế giới. Tôi hy vọng Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ VN tốt trong công tác chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực cao này. VN phải nắm bắt cơ hội và coi đây là hợp tác đôi bên cùng có lợi”.

Sở hữu “kho báu” quý hiếm, Việt Nam đứng trước cơ hội đột phá - Ảnh 4.

Với hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành ô tô, nghiên cứu xe sạch và năng lượng mới tại Pháp, Nhật Bản, TS Khương Quang Đồng khẳng định đất hiếm chính là “con át chủ bài” để VN thu hút công nghệ bán dẫn, thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới thay thế cho Trung Quốc. Thế giới đã từng chứng kiến Trung Quốc dùng đất hiếm và khoáng sản làm lợi thế với các nước khi cần thiết. Đó là lý do nhiều ông lớn trên thế giới đổ vào VN để thoát phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Các ngành công nghiệp 4.0 trên toàn cầu đang chạy đua để có được nguồn cung các khoáng sản quan trọng như đất hiếm, bởi nó được sử dụng cho ô tô điện, chất bán dẫn, điện thoại di động và các sản phẩm khác. Điểm trở ngại lớn nhất của chúng ta là chưa có công nghệ khai thác thân thiện môi trường, công nghệ chế biến sâu. Thế nên, hãy lấy nguồn tài nguyên đất hiếm, tiềm năng phát triển nguồn nhân lực cao, khát vọng đổi đời của một quốc gia đang phát triển… để thu hút công nghệ khai thác, chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng cho nguồn khoáng sản quý hiếm này”, TS Đồng nói.

Sở hữu 'kho báu' quý hiếm, Việt Nam đứng trước cơ hội đột phá - Ảnh 5.

Thực tế, dù sở hữu 22 triệu tấn đất hiếm nhưng sản lượng khai thác của VN chỉ khoảng 1.000 tấn mỗi năm do chưa có công nghệ khai thác thân thiện môi trường và công nghệ chế biến sâu. Các công nghệ này được coi là bí mật, nên nhiều đối tác nước ngoài không bán, không chuyển giao nên đến nay, chúng ta vẫn đang loay hoay tìm kiếm.

Từ năm 2022, khi Hàn Quốc thực hiện hóa chiến lược đổi công nghệ để lấy khoáng sản qua sự kiện Samsung đầu tư gần 1 tỉ USD vào một cơ sở linh kiện bán dẫn tại VN và có kế hoạch mở rộng cơ sở ở tỉnh Thái Nguyên để sản xuất chip hoàn chỉnh vào năm 2023, VN chính thức được gia nhập vào chuỗi cung ứng vật liệu chiến lược quốc tế với Hàn Quốc. Đây là bước ngoặt quan trọng giúp VN bước vào chuỗi cung ứng thế giới.

Chưa kể, hàng chục nhà cung cấp tại Hà Lan phục vụ cho Công ty ASML cũng đang coi VN là địa điểm phù hợp để triển khai các hoạt động sản xuất. Nhiều doanh nghiệp (DN) bán dẫn nước ngoài cũng đã triển khai các hoạt động đầu tư mạnh mẽ tại VN. “Với nền công nghiệp sản xuất vật liệu chiến lược và sức phát triển mạnh của nền kinh tế, VN sẽ là điểm hấp dẫn đầu tư của các công nghiệp tương lai từ pin lithium, ô tô điện, điện thoại thông minh, đến máy tính… Đây là giai đoạn cuối cùng mà chúng ta cần vượt qua để xây dựng nền công nghiệp cao đại chúng”, TS Khương Quang Đồng nhấn mạnh.

Đồng tình, GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, khẳng định đây là thời cơ để VN tạo ra những bước tiến đột phá cho nền kinh tế. Từng trực tiếp đi khảo sát nguồn tài nguyên đất của VN ở vùng Tây nguyên, chứng kiến những mỏ đất hiếm nổi hẳn lên trên mặt đất ở Đắk Nông, không cần dụng nhiều công đào bới, khai thác, TS Võ Đại Lược đánh giá đây là lợi thế cực lớn của VN, là điểm mấu chốt để VN có thể phát triển công nghiệp vật liệu, vi mạch bán dẫn, hướng tới sản xuất chip. Bởi công nghệ nguồn nằm trong tay Mỹ và châu Âu, nhưng để tạo ra được sản phẩm thì phải có nguyên liệu đầu vào.

Từ trước đến nay, Mỹ và châu Âu phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc hút được dòng vốn đầu tư cực mạnh từ các quốc gia này, cũng là trọng điểm khiến Trung Quốc có cơ hội để bứt phá kinh tế. Tương tự, VN muốn bứt phá, cũng phải xác định thu hút được càng nhiều càng tốt dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Mỹ, châu Âu, từ các cường quốc có nền tảng mạnh về công nghệ cao như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Sở hữu “kho báu” quý hiếm, Việt Nam đứng trước cơ hội đột phá - Ảnh 6.
Cánh quạt điện gió cũng cần bán dẫn

Ông Võ Đại Lược phân tích: Bối cảnh hiện nay, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước phương Tây gặp trục trặc, Mỹ hạn chế cung cấp chip cao cấp cho Trung Quốc nên để đối phó lại, Trung Quốc cũng hạn chế cung cấp đất hiếm cho Mỹ.

Điều này vô tình tạo ra cơ hội lớn cho VN. Cùng với đó, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới VN hôm 10.9 đã mở ra mối quan hệ sâu sắc hơn trên mọi lĩnh vực giữa VN và Mỹ. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất, với những thành công cụ thể chính là lĩnh vực bán dẫn. Từ việc nâng cấp mối quan hệ với Mỹ, các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng sẽ hướng sự chú ý về VN và tương lai không xa cũng sẽ nhanh chóng nâng mối quan hệ lên mức cao nhất. “Nguyên liệu chúng ta nắm sẵn trong tay, đầu ra cũng đã được đảm bảo. Đây chính là thời cơ lịch sử để VN bứt phá, dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang những ngành công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế”, GS.TS Võ Đại Lược khẳng định.

Sở hữu “kho báu” quý hiếm, Việt Nam đứng trước cơ hội đột phá - Ảnh 7.

Một báo cáo mới đây của IDC cho thấy, tại khu vực Đông Nam Á, VN và Malaysia được đánh giá là 2 quốc gia đóng vai trò quan trọng trong thị trường lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn. Báo cáo chỉ ra rằng, sự trỗi dậy của 2 nước Đông Nam Á này có thể chiếm tới 10% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực lắp ráp và kiểm nghiệm bán dẫn vào năm 2027. Ngoài ra, theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, GDP bình quân đầu người của VN theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 – 32.000 USD, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Trong đó, nền kinh tế sẽ được vận hành theo phương thức kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và VN sẽ vào nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á…

Việt Nam đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho công nghệ chip NGỌC DƯƠNG

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài, khẳng định VN có nhiều lợi thế, ưu thế trong thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn. Tuy vậy, chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận ưu đãi. Lợi thế lớn đất hiếm, các chính sách thu hút mang tầm chiến lược vào lĩnh vực này mang tính chất win – win nhiều hơn và ở tầm chiến lược chứ không đơn thuần là vốn đầu tư và tạo công ăn việc làm.

“Đây là cơ hội xác lập được nền công nghiệp bán dẫn, tạo cú hích rất lớn cho nền kinh tế, làm tăng giá trị gia tăng và quan trọng là tạo ra sự lan tỏa, không chỉ trong thu hút vốn ngoại mà nguồn vốn nội địa tham gia vào chuỗi giá trị này. Thế nên, các thỏa thuận về chuyển giao công nghệ, đào tạo từ các DN… cần được thực hiện chặt chẽ, rõ ràng”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Khẳng định lợi thế rất lớn đang nằm trong tay chúng ta, song TS Võ Đại Lược vẫn lo ngại, điểm yếu lớn nhất của VN là công nghệ chế biến, sản xuất. Những mỏ đất hiếm ở Đắk Nông lộ thiên là vậy nhưng suốt nhiều năm, nhà máy khai thác quặng nhôm ở Đắk Nông vẫn gần như phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ của Trung Quốc. Lúc đầu, chúng ta không làm nổi nhôm, chỉ chế biến quặng nhôm ở một mức độ nhất định rồi chuyển qua Trung Quốc để họ làm. Mãi sau chúng ta mới có thể làm thành được nhôm nhưng tới giờ cũng chỉ dừng được ở mức đó, không thể tiến tới những công nghệ cao hơn để sản xuất ra con chip. Trong bối cảnh nguồn lực vốn còn hạn chế, chưa đủ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khai thác, chế biến, tinh luyện và sản xuất ở quy mô công nghiệp đối với các loại vật liệu chiến lược như đất hiếm, thì thu hút đầu tư nước ngoài một cách khôn ngoan sẽ giúp VN khai thác tối đa lợi thế đất hiếm.

Sở hữu “kho báu” quý hiếm, Việt Nam đứng trước cơ hội đột phá - Ảnh 9.
Các trường Đại học tăng tốc đào tạo nhân lực bán dẫn NGỌC DƯƠNG

Theo ông Võ Đại Lược, thời gian qua, VN thu hút rất mạnh vốn FDI nhưng 80% vốn là từ châu Á, chỉ có 20% đến từ các DN phương Tây. Rào cản lớn nhất là Mỹ, châu Âu tuân thủ rất nghiêm ngặt luật Phòng chống tham nhũng, kể cả ở nước ngoài. Các DN đầu tư sang quốc gia khác cũng phải thực hiện luật Phòng chống tham nhũng của nước họ. Mặc dù thời gian qua, nhà nước ta đã mạnh tay thực hiện nhiều giải pháp giúp làm trong sạch môi trường đầu tư cho DN, nhưng lại vô tình tạo ra hệ quả các cán bộ, công chức nhà nước các cấp từ địa phương bị mất tính chủ động, dám nghĩ dám làm.

Do đó, để có thể tận dụng được thời cơ tốt này, chúng ta phải quyết tâm đổi mới cơ chế, chính sách, giảm bớt cơ chế xin – cho, thống nhất quan điểm phát triển để không “đẻ ra” tham nhũng. “Chúng ta rộng cửa đón họ vào nhưng đi tới đâu cũng gặp cản nọ, trở kia thì sẽ không ai dám ở lại. Cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp với DN đến từ Mỹ, châu Âu, từ các nước có công nghệ cao phát triển để tận dụng triệt để cơ hội bứt phá”, GS.TS Võ Đại Lược lưu ý.

Sở hữu “kho báu” quý hiếm, Việt Nam đứng trước cơ hội đột phá - Ảnh 10.
https://thanhnien.vn/so-huu-kho-bau-quy-hiem-viet-nam-dung-truoc-co-hoi-dot-pha-185231105070608664.htm?