Thiếu điện từng giờ, chờ ý thức tiết kiệm

25

Cuộc sống người dân đảo lộn khi miền Bắc đối diện việc giờ nào cũng thiếu điện. Trong khi chờ nguồn điện mới, tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu.

Giờ nào cũng thiếu điện

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết: Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500-17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500-2.700 MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc (cung đoạn đường dây 500kV Nho Quan – Hà Tĩnh).

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh).

“Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày”, ông Trần Việt Hòa lưu ý và cho biết hiện nay nhiều quốc gia lân cận như Ấn Độ, Bangladesh, thậm chí Trung Quốc cũng đối diện cắt điện luân phiên.

thiếu điện từng giờ, chờ ý thức tiết kiệm

Miền Bắc, sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh)

Nắng nóng kéo dài, hồ thủy điện cạn nước, các tổ máy nhiệt điện liên tục gặp sự cố… là những lý do khiến miền Bắc thiếu hụt công suất nghiêm trọng, phải cắt điện ở nhiều khu vực. Theo đại diện EVN, lượng công suất tiết giảm ở thời điểm cao nhất là khoảng 30% công suất sử dụng. Đây là công suất ở thời điểm cao nhất. Còn tính sản lượng điện trung bình trong cả ngày, thì việc tiết giảm cho cả ngày ở mức 6-10% tùy thuộc điều kiện thời tiết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Đình Long, chuyên gia điện lực cho rằng: Nắng nóng năm nay vượt qua khả năng dự báo của ngành điện, cũng như là của các cơ quan khác. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát, thông gió ở nhà dân, doanh nghiệp, xí nghiệp sản xuất cũng tăng nhanh. Trong khi đó, công suất sản xuất điện không thể đáp ứng được nhu cầu. Lúc này, chỉ có một giải pháp duy nhất là lập lại cân bằng cung cầu, tránh cho hệ thống bị sụp đổ, đó là phải cắt bớt nhu cầu.

thiếu điện từng giờ, chờ ý thức tiết kiệm

Ông Trần Đình Long, chuyên gia điện lực

Ông Trần Đình Long nhấn mạnh: Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như năm nay, EVN không thể có khả năng cân đối giữa cung – cầu. Khi không có khả năng lập được cân đối giữa cung và cầu thì chỉ có giải pháp duy nhất là cắt điện, cắt điện luân phiên và cắt điện theo thời điểm… Điều này dẫn tới rất nhiều thiệt hại cho sản xuất và phiền toái trong sinh hoạt của người dân.

“Khi thiếu điện như vậy thì Bộ Công thương, EVN phải rõ ràng ưu tiên cấp điện cho đối tượng khách hàng nào, đối tượng nào ưu tiên số 1, đối tượng nào ưu tiên số 2”, ông Long nói.

Nói rõ hơn về thứ tự ưu tiên cung cấp điện, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh (EVN) cho biết: Thứ tự ưu tiên cho khách hàng sử dụng điện quan trọng được UBND cấp tỉnh/thành phố phê duyệt, ưu tiên hoạt động chính trị xã hội quan trọng và sự kiện khác trên địa bàn tỉnh/thành phố.

Thứ hai, tùy từng địa phương, ưu tiên cho các khách hàng căn cứ vào thực tế của địa phương như khách hàng dân cư, sản xuất hàng thiết yếu như thực phẩm, nước sạch, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động… Tất cả các kế hoạch này được các đơn vị báo cáo UBND cấp tỉnh, thành phố và Sở Công thương để giám sát việc thực hiện.

Tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải cần được coi trọng

Miền Bắc thiếu điện, nhưng không thể tải được điện thêm từ miền Trung hay miền Nam ra. Bởi lẽ khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc – Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500-2.700 MW). Nếu tiếp tục truyền tải qua đường dây này, sẽ xảy ra hiện tượng “rã lưới”, làm mất điện đồng loạt trên diện rộng. Việc mua điện từ Trung Quốc cũng bị hạn chế do nước này cũng đang trong tình trạng tương tự. Thủy điện chỉ có thể trông chờ vào… “ông trời”.

Vì thế, lúc này tăng thêm khả năng cung ứng điện được nhiều chuyên gia đánh giá là “bó tay”. Vì vậy, giải pháp tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải (DR) đang là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

thiếu điện từng giờ, chờ ý thức tiết kiệm

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ: “Đến nay 63 tỉnh, thành đã có triển khai chỉ đạo về tiết kiệm điện. EVN đã phối hợp thông qua Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội và các điện lực địa phương phối hợp tiến hành tiết giảm trong trường hợp thiếu nguồn sao cho phù hợp tình hình từng địa phương.

Đến nay, ở miền Trung và miền Nam đảm bảo cung cấp điện, riêng phía Bắc hiện nay còn khó khăn từ nay cho đến khi nước về, EVN sẽ cố gắng đảm bảo tốt nhất, duy trì hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn. Trong lúc này, khi nhu cầu tiêu thụ tiếp tục tăng cao, nguồn điện không đáp ứng đủ, nên một số thời điểm chúng ta đã tiết giảm điện.

Đề cập giải pháp ứng phó tình hình thiếu điện, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Bắc (NPC) cũng nhấn mạnh: “Đầu tiên là phải tiết kiệm điện, tránh lãng phí điện”.

Bên cạnh đó, NPC cũng dùng giải pháp điều chỉnh phụ tải. Chương trình điều chỉnh phụ tải điện phụ thuộc vào tinh thần tự nguyện của khách hàng. Khi các đơn vị điện lực đưa ra các yêu cầu từ phía hệ thống điện thì khách hàng sẽ bằng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả cũng như các giải pháp về bố trí lại sản xuất, kinh doanh, hoặc là bố trí lại thời điểm, thời gian sử dụng điện của mình.

Ngoài việc đầu tư nguồn điện mới, ông Trần Đình Long cũng đánh giá cao giải pháp quản lý nhu cầu sử dụng điện bởi chúng ta mới chỉ quan tâm việc tăng nguồn điện, tăng khả năng cung ứng để đảm bảo cung cầu. Còn khía cạnh quản lý nhu cầu sử dụng điện chưa được tốt.

“Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chính sách của nhà nước, đến ý thức của người sử dụng điện. Nếu mỗi một khách hàng sử dụng điện có ý thức quản lý nhu cầu của mình thì nhu cầu sẽ được khống chế và điều khiển ở mức hợp lý. Họ có thể sắp xếp những ca kíp sản xuất, để thay vì sử dụng vào các giờ cao điểm thì chuyển sang giờ thấp điểm, hoặc những múi giờ bình thường.

“Liên quan đến vấn đề tiết kiệm điện, Nhà nước cũng đã hô hào rất nhiều, ngành điện cũng vậy, tuy nhiên chúng ta làm chưa được nhiều về mặt quản lý nhu cầu. Quản lý nhu cầu là vấn đề rất quan trọng, tất cả nước phát triển vẫn luôn chú trọng đến việc quản lý về nhu cầu sử dụng điện”, vị chuyên gia này lưu ý.

Theo https://www.baogiaothong.vn/