Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận số 200/TB-VPCP ngày 1/6/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam.
Thông báo kết luận nêu rõ, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao dân trí, phát triển con người, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xu thế phát triển của thời đại. Cần tiếp tục đổi mới tư duy, chính sách trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, lấy con người làm trung tâm, nhân tài làm động lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Phó Thủ tướng đề nghị Hội Khuyến học Việt Nam cần phát huy trí tuệ, tâm huyết của đông đảo hội viên, các cấp hội trong tham gia hoàn thiện, đổi mới các chủ trương, chiến lược và phát triển triết lý giáo dục, đào tạo phù hợp với truyền thống văn hóa, yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới và xu thế phát triển của thời đại.
Đóng góp, phản biện, xây dựng đồng bộ chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo; tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình Tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và các vấn đề đang được xã hội quan tâm như chính sách học phí, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, phổ cập giáo dục cho trẻ em mầm non, xã hội hóa giáo dục, vấn đề phân luồng và định hướng nghề nghiệp,…
Phát triển các phong trào khuyến học, khuyến tài với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh
Hội Khuyến học cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phát triển các phong trào khuyến học, khuyến tài với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập để tổng kết nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục vận động nhân dân tích cực học tập, học tập suốt đời, nâng cao dân trí, năng suất lao động; tham gia vào hoạt động đổi mới quản lý giáo dục, xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng các cơ sở giáo dục một cách khoa học, độc lập, dựa trên đánh giá từ doanh nghiệp, người dân, người đi học, đồng thời hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế.
Phát triển Quỹ khuyến học theo hướng đa dạng, hiệu quả để hỗ trợ học sinh, sinh viên vượt khó vươn lên trong học tập, tiếp cận giáo dục chất lượng cao, giáo dục đại học.
Khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho người học có được cơ hội học tập suốt đời
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định của pháp luật thể chế hóa các chủ trương của Đảng về giáo dục toàn dân, xây dựng xã hội học tâp, bảo đảm có sự đồng bộ, liên thông giữa các bậc học, loại hình giáo dục, đào tạo (phổ thông, dạy nghề, cao đẳng, đại học, sau đại học) nhằm khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho người học có được cơ hội học tập suốt đời; sử dụng hiệu quả và phát huy tối đa những nguồn lực sẵn có, tránh lãng phí, gây khó khăn cho người học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện nhiệm vụ đặt hàng với Trung ương Hội khuyến học Việt Nam trong tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW đề xuất các chủ trương, chính sách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu thế của toàn cầu; xây dựng nội dung, chương trình phù hợp với đối tượng, lứa tuổi học tập.
Các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có cách tiếp cận mới, chủ động triển khai công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; quan tâm, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển các thiết chế, môi trường cho xã hội học tập, phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hoá; đẩy mạnh chuyển đổi số tạo điều kiện để người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Cong TTĐTCP