Bắt đầu từ công nghệ

133

Cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trên cả nước, việc chiếu sáng không gian công cộng và các công trình kiến trúc ngày càng được quan tâm đầu tư nâng cấp và đồng bộ. Hệ thống chiếu sáng đô thị hiện đại, hướng đến mục tiêu vì sức khỏe, hạnh phúc của con người đã trở thành hợp phần quan trọng trong phát triển đô thị bền vững.

Một góc TP Hồ Chí Minh trong đêm, nhìn từ trên cao. Ảnh: TẤN TUẤN

Từ quy định đến thực tiễn…

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 12/2022, Việt Nam hiện có 888 đô thị. Việc áp dụng công nghệ chiếu sáng LED cũng như các thiết bị điều khiển thông minh đã góp phần tạo nên các đô thị văn minh, hiện đại, an ninh và an toàn về ban đêm.

Trong hoạt động quản lý nhà nước về chiếu sáng đô thị, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm tiến tới hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực này.

Ngày 17/6/2010, Quốc hội ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Luật có quy định rõ: Trách nhiệm quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng thuộc về Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND các cấp. Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/9/2009 về Quản lý chiếu sáng đô thị, đặt ra các yêu cầu chung về thiết kế, xây dựng, duy trì chiếu sáng đô thị; sự cần thiết phải quy hoạch chiếu sáng đô thị cũng như các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác hệ thống chiếu sáng đô thị. Theo Nghị định này, trách nhiệm của chính quyền đô thị là phải ban hành quy định cụ thể về chiếu sáng đô thị tại địa phương và làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân tham gia tổ chức chiếu sáng tại đô thị.

Ngày 11/10/2010, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1874/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025. Nội dung của Định hướng có ghi rõ: “Phát triển chiếu sáng đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị; từng bước hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng chiếu sáng đô thị; đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng mới, tái tạo trong chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và tạo dựng hình ảnh đô thị Việt Nam có bản sắc, văn minh, hiện đại”.

Dịch vụ chiếu sáng đô thị có liên quan trực tiếp đến chất lượng sống của cư dân đô thị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước… Vì vậy, dịch vụ này là dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách của Nhà nước, được xác định theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 về Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Theo đó, việc cung cấp dịch vụ này được thực hiện thông qua phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng.

Một số dịch vụ công ích có tính đặc thù, đặc biệt đối với các dịch vụ mang tính hệ thống/mạng lưới, như thu gom, vận chuyển thoát nước và xử lý nước thải, chiếu sáng công cộng… cần phải được quản lý, khai thác, vận hành thống nhất, đồng bộ chứ không thể cắt khúc hay phân chia để quản lý theo đơn vị hành chính cơ sở. Tuy nhiên, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP nêu trên không tính đến các yếu tố này, dẫn đến nhiều khó khăn trong thực tế quản lý và vận hành chiếu sáng công cộng đô thị ở nước ta.

Đơn vị cung cấp dịch vụ chiếu sáng đô thị cần phải đáp ứng được các điều kiện về năng lực, chuyên môn song trong nhiều quy định về đấu thầu, đặt hàng liên quan lại không xét đến. Việc áp dụng Nghị định 32/2019/NĐ-CP cũng chưa thống nhất tại các địa phương: có địa phương tổ chức đấu thầu, có địa phương lại áp dụng phương thức đặt hàng. Bên cạnh đó, thời gian cung ứng dịch vụ quản lý, vận hành cũng không thống nhất, có địa phương là 5 năm, ba năm hay thậm chí có nơi chỉ một năm. Việc cung ứng dịch vụ chiếu sáng đô thị với thời gian ngắn thường chỉ mang tính thời vụ, thiếu tính bền vững, ảnh hưởng đến tâm lý, chiến lược đầu tư, ít nhiều làm hạn chế năng lực hoạt động của các đơn vị quản lý, vận hành.

Một thực tế khác là kinh phí đầu tư hằng năm cho lĩnh vực này ở hầu hết các đô thị còn hạn chế, không khuyến khích đơn vị chiếu sáng triển khai, áp dụng công nghệ mới có hiệu suất cao. Một số đô thị đã có cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa trong đầu tư phát triển lĩnh vực chiếu sáng đô thị nhưng chưa hiệu quả, chưa đồng bộ, thiếu tính thẩm mỹ, thiếu kiểm soát, thậm chí dẫn tới nguy cơ ô nhiễm ánh sáng.

Hiện tại, mới chỉ có ba đô thị trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ đã lập quy hoạch chiếu sáng, các đô thị còn lại hoặc chưa lập hoặc mới chỉ có nội dung quy hoạch chiếu sáng trong đồ án quy hoạch đô thị. Vì vậy, phần lớn các đô thị không có kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn mà chỉ có kế hoạch hằng năm triển khai thực hiện các công trình chiếu sáng công cộng, giải quyết được yêu cầu sử dụng tạm thời, chưa mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững.

Riêng về quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị, mới chỉ có bốn thành phố trực thuộc Trung ương giao việc này cho doanh nghiệp chuyên ngành (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng); 59 tỉnh, thành phố còn lại giao việc này cho các công ty cổ phần công trình đô thị hoặc công ty cổ phần môi trường đô thị. Mặt khác, cho đến nay, chưa xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu về chiếu sáng đô thị phục vụ cho công tác quản lý, đầu tư, xây dựng mới, đặc biệt phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Công nghệ chiếu sáng LED đã được chứng minh là đóng góp to lớn vào việc tiết kiệm điện năng, góp phần giảm phát thải nhưng cho đến nay, ở nhiều đô thị, công tác đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp và thay thế hệ thống đèn chiếu sáng truyền thống vẫn còn chậm.

Ðiều chỉnh, bắt đầu từ chính sách

Để từng bước vượt qua các khó khăn, thách thức nêu trên, cần đổi mới và hoàn thiện nội dung quy hoạch chiếu sáng trong quy hoạch đô thị và quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chiếu sáng. Đồng thời, đã đến lúc cần điều chỉnh Định hướng chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025, bổ sung nhiều nội dung có liên quan việc sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chiếu sáng thông minh. Nghị định 32/2019/NĐ-CP cũng cần phải được sửa đổi, bổ sung, có tính đến yếu tố đặc thù của một số lĩnh vực dịch vụ công ích.

Song song với đó, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến chiếu sáng LED (thiết kế, xây dựng, sản xuất vật tư, thiết bị, kiểm soát, kiểm tra, vận hành, khai thác…). Đồng thời đẩy nhanh công tác dán nhãn năng lượng theo lộ trình, như trong Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg, ngày 9/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện. Ưu tiên sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển chiếu sáng LED, chiếu sáng thông minh trong các khu vực công cộng. Ưu tiên sử dụng đèn chiếu sáng LED trong các công trình xây dựng mới, cũng như các chương trình nâng cấp, cải tạo hệ thống chiếu sáng.

Chiếu sáng thông minh đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển thành phố thông minh, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm chi phí điện năng, giảm phát thải, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Quản lý chiếu sáng đô thị Việt Nam trong thời đại mà công nghệ chiếu sáng thay đổi nhanh chóng, ngày càng hiện đại đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có trách nhiệm. Từ đó, mới tạo nên đột phá, góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Quyết định số 1874/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng phát triển chiếusáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 nêu rõ bốn mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể: Tiếp tục nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị, bảo đảm 100% số các công trình giao thông, không gian công cộng và quảng cáo tại các đô thị (bao gồm: xây mới, cải tạo, nâng cấp) sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện; trong đó phấn đấu từ 30% đến 50% các công trình sử dụng đèn năng lượng mặt trời đạt tiêu chuẩn; xây dựng các trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng cho các đô thị loại III và loại IV và hoàn thành việc hạ ngầm toàn bộ đường dây cấp điện chiếu sáng tại các đô thị.